Chiều 2.12, Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội. Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được đặc biệt nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh, khởi nghiệp luôn luôn là bắt đầu. Ông nhớ lại, cách đây 17 năm, lúc đó ở Việt Nam ít người nói đến khởi nghiệp. VCCI là một trong những tổ chức đầu tiên nhóm lên “ngọn lửa” khởi nghiệp tại Việt Nam khi giao cho Báo Diễn đàn DN tổ chức Festival khởi nghiệp.

Ông Tuấn cho biết, tính đến thời điểm này có khoảng hơn 800.000 DN hoạt động chính thức và có hơn 5 triệu hộ kinh doanh trong đó có hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Bức tranh của DN tư nhân đã rất khác so với 10 năm trước.

“Cách đây 20 năm trong một khảo sát của IOC khi khảo sát các bạn thanh niên ở Việt Nam thì con số thú vị đưa ra là có 8/10 bạn mong muốn trở thành công chức viên chức. Nhưng hiện nay con số này chắc chắn sẽ thay đổi khi có nhiều hơn những bạn muốn khởi nghiệp” – ông Tuấn chia sẻ.

Trưởng ban Pháp chế VCCI  cũng cho rằng, Việt Nam hiện có những văn bản chính sách quan trọng hỗ trợ cho DN phát triển như: Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập vai trò và vị trí của DN tư nhân, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Và các khung khổ pháp luật: Luật DN, Luật Đầu tư đều tập trung và đạt tiêu chuẩn cao về phát triển môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản cho DN.

Đặc biệt, năm 2017 lần đầu tiên Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ban hành. Đây là một điểm rất khác so với các nước khác bởi phần lớn DN Việt Nam là DN doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật này được rất nhiều DN kỳ vọng, bởi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trương ban Pháp chế VCCI, mặc dù Luật này có hiệu lực 1/1/2018 nhưng việc thực hiện này chưa đều và chưa rộng khắp và triệt để. Một số địa phương đã thực hiện tốt nhưng một số địa phương chưa thực hiện tốt. “Đây cũng là thách thức để các địa phương chưa thực hiện tốt cần phải có chính sách để hỗ trợ cho DNNVV…”- Ông Tuấn lưu ý.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, các DN nói chung và các DN khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chỉ số gia nhập thị trường vẫn còn thấp, hoàn thuế thanh tra thuế vẫn còn phức tạp. Đặc biệt, DN còn  quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký DN”, vấn khó tiếp cận nguồn vốn, thông tin, đất đai và thiếu quỹ đất sạch…

“Do vậy, chúng ta cần nhiều hơn hỗ trợ của thể chế, chính sách và quan trọng hơn các chính sách này phải được thực thi…”- Ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN – Bộ KH&CN cũng lưu ý, để các DN KNST có thể phát triển và trở thành các DN trưởng thành với đóng góp thiết thực cho nền kinh tế thì cần thiết phải phát triển và hình thành hệ sinh thái cho KNST, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể khác, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DN KNST.

Đại diện Bộ KH&CN cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào xây dựng phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ DN KNST phát triển; liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để tự tin bước ra thị trường toàn cầu…

“Tôi mong muốn chúng ta cùng hợp tác để xây dựng và phát triển những starup hàng đầu hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra những tác động tích cực cho xã hội ở tầm quốc gia, khu vực, trên thế giới mà đồng thời vẫn phát huy văn hóa bản địa”- ông Đích chia sẻ…

Thanh Thanh – DDDN

Nguồn