Dịch bệnh không dập tắt được tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân Việt Nam
Dù đối diện với những tình thế đầy bất ổn nhưng sự hào hứng khởi nghiệp chưa tắt trong các startup Việt Nam.
Chưa bao giờ các công ty khởi nghiệp (startup) gặp nhiều khó khăn như hiện nay khi dịch bệnh tác động mạnh lên hiệu quả kinh doanh gây thua lỗ, thậm chí phá sản. Thực tế chỉ có các công ty có năng lực kiếm tiền, chịu khó chịu khổ mới có thể tồn tại trong giai đoạn hiện nay.
Cú rơi chạm đáy
Thành công trong việc gọi vốn hàng triệu USD, startup WeFit, một cái tên đình đám chuyên về mô hình chia sẻ phòng tập, đã buộc phải tuyên bố phá sản trong tháng 5 vừa qua. “Dù đã rất nỗ lực cải tổ nhưng dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho tình hình kinh doanh và làm nguồn vốn hoạt động cạn kiệt” – WeFit thừa nhận.
Rời cuộc chơi, WeFit còn để lại khoản nợ không nhỏ cho các nhà cung cấp. Trên thực tế, trước đó WeFit đã “đốt tiền” để lôi kéo khách hàng nhằm gia tăng thị phần, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, mô hình này có nhiều lỗ hổng như để nhiều khách dùng chung một tài khoản, đặt lịch ảo nhưng phải trả tiền thật cho phòng tập… khiến WeFit thay vì kiếm lợi đi đến cạn kiệt tiền và dịch bệnh là dấu chấm hết cho startup này.
Một cách tương tự, cũng vì dịch bệnh, chuỗi đậu nành hữu cơ Soya Garden, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và đồ uống, liên tục đóng hàng loạt cửa hàng để tái cấu trúc tài chính, gia tăng tính hiệu quả để tồn tại.
Soya Garden từng đặt mục tiêu mở rộng cả trăm cửa hàng cho đến năm 2021 và đưa thương hiệu sang các thị trường nước ngoài. Sức hấp dẫn của Soya Garden đã thuyết phục được Shark Thủy, một cá mập trong chương trình Shark Tank, rót vốn 100 tỉ đồng. Nhưng giờ đây, kế hoạch đầy tham vọng này đang được xem xét lại một cách nghiêm túc để nhường cho chiến lược vượt qua và tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ NextTech, còn được biết dưới cái tên Shark Bình, cho biết nhiều startup bước vào năm 2020 rất tự tin với quỹ tiền mặt trong tài khoản ngân hàng có thể kinh doanh được 12-18 tháng trước khi công ty hết tiền và trong thời gian này đủ để gọi được dòng vốn tiếp theo. Thế nhưng dịch bệnh ập đến khiến cho mục tiêu bị rút ngắn đi một nửa, thậm chí 1/3 chặng đường.
Thực tế ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, nhiều startup đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ bị âm tiền, lỗ. Khi dịch bệnh xảy ra, các startup xoay xở bằng cách cắt giảm chi phí mỗi thứ một ít như giảm lương, tiền thuê nhà, quảng cáo… để tồn tại. Song doanh thu lại giảm mạnh hơn, lên đến 50%, thậm chí các startup hoạt động trong ngành du lịch giảm nguồn thu đến 90% dẫn đến lỗ cực lớn.
“Với các startup khi đột nhiên dịch bệnh lao đến khiến dòng tiền biến mất, các công ty khởi nghiệp phải đóng cửa, phá sản hay ngủ đông. Có thể nói đây là cơn ác mộng của tất cả startup, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư không dám xuống thêm tiền” – ông Bình nói.
Tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới (ảnh lớn) và một số startup Việt nhận được vốn đầu tư khủng ngay trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: PM
Dịch bệnh không dập tắt được khởi nghiệp
Dù đối diện với những tình thế đầy bất ổn nhưng sự hào hứng khởi nghiệp chưa tắt trong các startup Việt Nam. Thậm chí, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn nhận được các khoản đầu tư lớn để tăng tốc phát triển trong tương lai.
Một thống kê của công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures Việt Nam cho thấy năm ngoái được xem là thành công với giới khởi nghiệp khi đã đón nhận 123 thương vụ đầu tư với tổng giá trị gần 900 triệu USD. Đặc biệt, dù bối cảnh dịch bệnh nhưng nửa đầu năm nay, các startup cũng đã nhận được các khoản đầu tư 222 triệu USD.
Theo PLO