Đề xuất lập mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng
Cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là vấn đề còn mới mẻ đối với Bình Dương, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh này – đề xuất nên thiết lập mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vùng.
Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ
Trình bày tại kội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Đông Nam Bộ” do UBND TPHCM phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 25/10 tại TPHCM, ông Cường kiến nghị, cần phải xác định, trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp thực hiện là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ. Vì thế, cần có cơ chế, chính sách để thành phần này tham gia. Ngoài ra, nên thiết lập mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vùng, trong đó TPHCM đi đầu, khởi xướng hình thành mạng lưới và hỗ trợ các tỉnh còn lại thực hiện.
Đồng tình với ý kiến về vai trò của Nhà nước, ông Nguyễn Anh Thi – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM – cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nên để doanh nhân thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ. Vì vậy, nên tập hợp các doanh nhân lại để cùng tham gia có hiệu quả. Ngoài ra, mỗi một địa phương nên tìm con đường đi riêng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phù hợp với thực tế.
Theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), toàn vùng Đông Nam Bộ có 8 vườn ươm khởi nghiệp, 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 16 khu làm việc tập trung. Với những hoạt động tương đối sôi nổi, môi trường khởi nghiệp trong vùng bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được tổ chức.
Tuy nhiên, theo ông Quất, hoạt động khởi nghiệp ĐMST chưa có sự đồng đều giữa các tỉnh, thành, hiện vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST giữa từng tỉnh trong khu vực cũng như với các vùng lân cận còn hạn chế.
Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ cũng chưa định hình được mục tiêu đầu tàu phát triển; chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò “hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt” của TPHCM. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn khó tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, thông tin về thị trường, do thiếu các chính sách khuyến khích và thủ tục rườm rà.
Tăng cường công tác đào tạo
Ông Mai Thanh Quang – Giám đốc Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết, tỉnh này có tiềm năng và mong muốn khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ nhưng gặp khá nhiều khó khăn do đây là vấn đề mới mẻ. Số tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, sự kiện khởi nghiệp ĐMST chưa nhiều, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cộng đồng về khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.
Cũng theo ông Quang, tỉnh còn thiếu và chưa có mạng lưới các chuyên gia về khởi nghiệp, ĐMST, đội ngũ cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần. Hệ sinh thái chưa hình thành đầy đủ dẫn tới khó khăn trong việc thu hút khu vực tư nhân, công ty lớn đầu tư vào các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung…
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện mới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Để phát triển hệ nó, cần xây dựng một kế hoạch có lộ trình, mục tiêu cụ thể. Trước hết, cần ưu tiên đẩy mạnh đào tạo cơ bản về khởi nghiệp ĐMST, hướng tới đối tượng sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, các cán bộ thực hiện công tác có liên quan đến khởi nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế và bố trí nhân lực tư vấn, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, hành chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt trong các vấn đề về đăng ký doanh nghiệp, thủ tục giải thể doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư.
Ông Đặng Hà Giang – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Phước – thì cho rằng, cần xây dựng chương trình liên kết vùng về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thật cụ thể, phân công trách nhiệm của các địa phương trong chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ; phát huy vai trò của một số địa phương trong việc nhân rộng, chuyển giao các mô hình khởi nghiệp đã thành công.
Theo ông Phạm Hồng Quất, khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn, sự kiện nhà đầu tư gặp gỡ được các doanh nghiệp khởi nghiêp, càng nhiều càng tốt; tăng cường công tác đào tạo, cho cán bộ tham gia các hội thảo, thuyết trình trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm các nhà đầu tư.
Kiều Anh – Khoa học phát triển