Sau gần 2 năm triển khai, đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025” đã giúp nhiều hội viên hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực (nông nghiệp, dịch vụ, thực phẩm…) với những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Hiệu quả bước đầu của đề án đã khẳng định vai trò của phụ nữ đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Hiệu quả, thiết thực

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cho biết, sau 2 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025”, toàn thành phố đã giúp hơn 1.350 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; thành lập 10 hợp tác xã và 53 tổ hợp tác, tổ liên kết. Bên cạnh đó, tổ chức Hội các cấp đã thành lập 57 câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp quận, huyện với hơn 3.000 thành viên.

Ngoài ra, hội viên phụ nữ tham gia đề án được tiếp cận với những kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những ý tưởng sáng tạo, khả năng ứng dụng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn đã được hỗ trợ, tuyên truyền rộng rãi, đem lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy thông tin, trong 2 năm qua, Hội Phụ nữ cơ sở của quận đã đăng ký giúp đỡ 51 chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với những biện pháp cụ thể, như: Tín chấp cho 46 hộ vay vốn hơn 2 tỷ đồng; tư vấn giúp 18 hộ về mặt hàng kinh doanh; hỗ trợ tư vấn pháp luật cho 26 hộ gia đình hội viên; giới thiệu 10 hộ phụ nữ làm đại lý cho doanh nghiệp thực phẩm sạch. Ngoài ra, Quận hội và các cấp cơ sở thường xuyên tuyên truyền tới cán bộ, hội viên đến mua hàng ủng hộ hội viên khởi nghiệp.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì đã có nhiều chương trình khảo sát, đánh giá, vận động hội viên có ý tưởng sáng tạo và xây dựng mô hình khởi nghiệp. Toàn huyện đã có 55 phụ nữ xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hỗ trợ. Kết quả, có 3 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được hỗ trợ, với tổng giá trị hơn 70 triệu đồng. Đặc biệt, có một ý tưởng sáng tạo được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vinh danh.

Là hội viên có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh mặt hàng son gấc đạt giải thành phố, chị Khuất Thị Thắm (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Việc thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025” tạo cơ hội cho chúng tôi khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm ra thị trường để tiêu thụ tốt hơn”. Nhiều hội viên cũng cho rằng, chính các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mà các cấp hội đang triển khai đã hình thành được phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ, tạo cơ hội để các sản phẩm được thị trường biết đến nhiều hơn. Cũng từ các hoạt động hỗ trợ này, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp ở quy mô lớn hơn…

Nhân rộng khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Ấp ủ từ lâu và khi được tuyên truyền về đề án khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Mùi, người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) như được tiếp thêm động lực. Theo chị Nguyễn Thị Mùi, đây là mô hình đầu tiên của xã hình thành từ ý tưởng khởi nghiệp trên cơ sở thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025”. Với mục tiêu liên kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã đã tạo việc làm và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định.

Đa số các chị tham gia đề án đều tìm hiểu nhu cầu của thị trường về lương thực, thực phẩm sạch để có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp. Chị Đinh Thị Như Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 6, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho hay, nhận thấy mặt hàng thực phẩm sạch là cơ hội tốt để phát triển kinh tế gia đình, chị đã mạnh dạn làm đại lý cho một công ty chuyên về thực phẩm sạch do Thành hội phụ nữ giới thiệu.

“Tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ phường tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và được tham gia các lớp tập huấn kiến thức kinh doanh, giúp tự tin trong khởi nghiệp. Đến nay, điểm bán thực phẩm của tôi dần ổn định, ngày càng phát triển”, chị Đinh Thị Như Lệ chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngư, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm có nghề trồng rau từ lâu và khi được tiếp cận đề án khởi nghiệp đã tập hợp các thành viên để phát triển trồng rau sạch. Đến nay, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đặng Xá của chị Ngư thu hút 30 hộ tham gia, với lượng rau xuất bán 250-500kg/ngày. Ngoài ra, Tổ hợp tác đã xuất khẩu rau ăn lá sang thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với tất cả các hội viên tham gia khởi nghiệp vẫn là vấn đề vốn. “Tôi hy vọng, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp ưu đãi, số vốn lớn hơn, kết nối tiêu thụ sản phẩm được lâu dài hơn”, chị Khuất Thị Thắm (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) đề xuất.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025” đã và đang thực hiện hiệu quả. Năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ thành phố phấn đấu hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh; ít nhất 90% cán bộ hội tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nhất là khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn…

Dương Linh

Nguồn