Đầu tư thời đại dịch: Chú trọng yếu tố cơ bản
Môi trường đầu tư toàn cầu đang có nhiều xáo trộn với những biến động khó lường của đại dịch Covid-19, cũng như xung đột kinh tế – chính trị giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh này, bước đi của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp phần nào trở thành “kim chỉ nam” cho dòng tiền.
Không thiếu thương vụ đầu tư lớn
Trong ngày đầu tuần, Bloomberg đưa tin từ một nguồn thân cận cho biết, Credit Suisse Group AG đã đầu tư gần 100 triệu USD vào Ant Group, công ty thanh toán điện tử thuộc Alibaba Group của tỷ phú Jack Ma trong vòng gọi vốn gần nhất.
Cũng theo nguồn tin này, Credit Suisse không có kế hoạch bán cổ phần tại doanh nghiệp, thể hiện niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Ant Group trước thềm IPO.
Theo một ước tính của Bernstein, giá trị của Ant Group hiện vào khoảng 210 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Công ty đã “tăng giá” khoảng 40% so với vòng gọi vốn trước đó.
Với việc đầu tư vào Ant Group, Credit Suisse ghi tên mình vào danh sách ngày càng nhiều các nhà băng lớn, bao gồm cả Goldman Sachs Group Inc, China International Capital Corp… tiến hành đầu tư vào các công ty tư nhân, nhất là thuộc lĩnh vực công nghệ.
Ở một diễn biến khác, cách đây 3 tuần, Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cuối cùng đã có thương vụ đầu tư lớn đầu tiên trong thời đại dịch, khi chi 4 tỷ USD tiền mặt để mua các tài sản thuộc Dominion Energy.
Tính cả việc nhận các khoản nợ khi mua lại tài sản, tổng giá trị thỏa thuận đạt gần 10 tỷ USD. Đây là “phát súng” đầu tiên của Berkshire Hathaway kể từ khi đại dịch nổ ra khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong tháng 3/2020.
Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới khiến giới đầu tư toàn cầu rơi vào trạng thái lo lắng, chưa xác định được chiến lược đầu tư trong tương lai mà biến động dữ dội ở các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó nổi bật là chứng khoán, vàng, trái phiếu… gần đây phần nào thể hiện điều này.
Mới nhất, giá vàng đã vượt qua mức đỉnh lịch sử năm 2011, tiến sát mốc 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung có diễn biến mới căng thẳng, đại dịch Covid-19 vẫn phủ bóng đen trên toàn cầu, môi trường lãi suất thấp được duy trì với dòng tiền chi phí thấp ồ ạt bơm ra thị trường qua các gói hỗ trợ đại dịch…
Thực tế, không có đối tượng nhà đầu tư nào hoàn toàn an toàn giữa thời điểm thị trường nhiều giông bão như hiện nay, nhưng các nhà đầu tư lớn vẫn tập trung theo đuổi chiến lược đầu tư của riêng mình và dòng tiền vẫn chảy tích cực tại các thị trường tài chính.
Chiến lược của nhà đầu tư chuyên nghiệp
Các nhà quản lý quỹ đầu tư làm cách nào để thích ứng với những biến đổi trong thế giới thời đại dịch, cũng như các căng thẳng địa chính trị gia tăng?
Refinitiv Group đã tập hợp các nhà quản lý quỹ/nhà đầu tư tổ chức hàng đầu, bao gồm AllianceBernstein, J.P. Morgan Asset Management, UBS Asset Management, để đặt ra câu hỏi về chiến lược của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong bối cảnh mới.
Theo đó, biến động luôn tạo ra cơ hội và việc bình tĩnh nhận định tình hình sẽ tạo nên “người chiến thắng”.
Theo Mark Wightman, người đứng đầu bộ phận tư vấn quản lý tài sản tại châu Á – Thái Bình Dương của EY, các doanh nghiệp toàn cầu đang chứng tỏ khả năng chống chọi tích cực trong bối cảnh các biện pháp phòng dịch gây đứt gãy hoạt động sản xuất – kinh doanh, khiến nhu cầu sụt giảm, cũng như môi trường hoạt động có nhiều biến đổi.
Cùng quan điểm, Brian Tan, người đứng đầu bộ phận quan hệ chiến lược toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho rằng, môi trường kinh doanh toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi khó khăn, đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện các cơ hội đầu tư mới, nhất là tại các lĩnh vực như y tế và công nghệ, tại các thị trường trọng tâm như Trung Quốc.
Trong môi trường hiện tại, theo các nhà quản lý quỹ, việc có chiến lược tiếp cận linh hoạt là cần thiết, nhưng phải kết hợp với “ý chí” tập trung vào các yếu tố cơ bản với tầm nhìn dài hạn.
Sherry Wong, người đứng đầu bộ phận tài sản, quản lý tài sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UBS Asset Management cho biết, bà nhận thấy những cơ hội ở cả thị trường chứng khoán và tài sản mang lại thu nhập cố định. Điều cần tập trung là các yếu tố cơ bản của cổ phiếu, cũng như cách thức đại dịch thay đổi cấu trúc của các ngành nghề/lĩnh vực.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong quý I/2020, khi thế giới nếm trải cú sốc đầu tiên bởi Covid-19, dòng chảy này không hề bị đình trệ, mà thậm chí còn chứng tỏ sức chống chịu tốt.
Các thành viên thị trường nhận diện, danh mục đầu tư ESG sở hữu ít rủi ro hơn trước các biến động môi trường – xã hội, trong khi mang lại lợi suất tốt trong dài hạn, nhất là khi các vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một điểm nhấn đáng chú ý là cơ hội đang mở ra đối với các quỹ đầu tư chủ động (sử dụng yếu tố con người để chủ động quản lý một danh mục đầu tư).
Trong thời gian qua, các quỹ đầu tư thụ động/có chiến lược đầu tư thụ động đã có bước phát triển nhanh chóng, trở nên thông dụng bởi các ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí rất thấp.
Tuy nhiên, chính những biến động lớn của các chỉ số, tình hình thị trường trong thời gian qua khiến loại hình này không mang lại hiệu quả đầu tư như mong muốn.
Đây chính là cơ hội tốt đối với chiến lược đầu tư chủ động mà cuộc khủng hoảng xuất phát từ Covid-19 mang tới.
Trong bối cảnh đầu tư nhiều bất ổn hiện tại, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã chia sẻ quan điểm mới nhất với góc nhìn khá tương đồng với các nhà đầu tư tổ chức. Theo đó, môi trường lãi suất thấp hiện tại đang là thời điểm tốt để đi vay. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để sở hữu nguồn lực tài chính phục vụ kế hoạch đầu tư.
Bên cạnh đó, Warren Buffett nhận định, một “siêu thảm họa” (megacatastrophe) đang chờ đợi ở phía trước.
Vì vậy, cần sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất, bám sát kế hoạch tài chính trong dài hạn và cẩn thận với các cổ phiếu, bởi một số lĩnh vực kinh doanh đã có nhiều thay đổi quan trọng trong thế giới hậu đại dịch.
Ví dụ, Berkshire đã bán 6,5 tỷ USD cổ phiếu chỉ trong tháng 4, phần lớn là cổ phiếu của 4 hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ.