Giúp đỡ người yếu thế hơn là điều mà Đặng Việt Dũng đã làm được khi ở vai trò Giám đốc điều hành Uber Việt Nam và đang áp dụng vào công ty khởi nghiệp hiện tại.
Đặng Việt Dũng (đứng thứ hai từ trái sang) và đội ngũ Nano Technologies.
Người lao động có thể nhận lương linh hoạt

VUI là ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả hơn thông qua mô hình trả lương linh hoạt (EWA). Theo đó, người lao động tại các doanh nghiệp hợp tác với VUI có thể nhận lương khi cần mà không phải chờ đến cuối tháng. Bên cạnh đó, nhân viên có thể theo dõi nhật ký công, nhận thông báo từ doanh nghiệp và tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tài chính miễn phí.

VUI là ứng dụng thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Nano Vietnam (Nano Technologies), được xây dựng từ cuối năm 2019. Đặng Việt Dũng, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty cho biết, EWA không phải mô hình mới trên thế giới, nhưng chưa được ứng dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp đông lao động phổ thông.

Trên thế giới, hàng ngàn doanh nghiệp lớn tại Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh đã áp dụng mô hình EWA và hàng năm tiết kiệm được hàng triệu USD chi phí nhân sự. Đơn cử, Walmart – doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất thế giới, đã triển khai giải pháp EWA từ năm 2017 cho 1,4 triệu nhân sự và tiết kiệm hơn 300 triệu USD mỗi năm nhờ tỷ lệ nghỉ việc giảm 30%.

Tại Việt Nam, các nhà sáng lập VUI đánh giá, phần lớn lao động phổ thông đều sống phụ thuộc vào lương tháng và những khoản chi đột xuất có thể khiến họ lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Hàng triệu người đã rơi vào bẫy nợ với khoản vay nhỏ có lãi suất 300-500%/năm. Để mô hình EWA phát triển, các lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rằng, đây là ứng dụng cần thiết giúp họ tuyển dụng và giữ lao động hiệu quả hơn.

Trong năm đầu tiên ra đời, VUI phải loay hoay phát triển và “doanh thu không đủ mua cà phê cho đội ngũ”. Nhưng đến nay, đã có một số doanh nghiệp với hàng ngàn lao động áp dụng mô hình trả lương linh hoạt khi hợp tác với VUI như GS25, Annam Gourmet, Gỗ Trường Thành…

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành đánh giá, VUI là một lựa chọn tài chính linh hoạt nhằm giảm các áp lực cho người lao động trong tình hình dịch bệnh bất ổn hiện tại. Từ đó, VUI giúp cải thiện tình trạng thiếu tập trung và khích lệ tinh thần mỗi ngày đi làm, giảm tỷ lệ vắng mặt và tăng cường kết nối với công ty của công nhân.

“Ứng dụng VUI giúp hoàn thiện hơn chế độ phúc lợi của Công ty và thông qua ứng dụng cài trên thiết bị di động, chúng tôi kết nối tốt hơn và lắng nghe được nhiều hơn từ đội ngũ của mình”, ông Hiếu nói.

Chọn làm việc giúp người yếu thế hơn

Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Nano Vietnam là start-up đầu tiên của Việt Nam được tham gia Chương trình Khởi nghiệp YCombinator (Mỹ) và huy động 3 triệu USD vốn đầu tư trong vòng hạt giống vừa qua. Start-up này có 2 đồng sáng lập là Nguyễn Việt Thắng, cựu giám đốc công nghệ Focal Labs, SeeSpace và Đặng Việt Dũng.

Trước khi xây dựng VUI, Đặng Việt Dũng có 3 năm giữ vị trí Giám đốc điều hành Uber Việt Nam và 8 tháng ở vị trí CEO Zalo Pay trước khi chuyển sang làm tư vấn cho HĐQT một ngân hàng tại Việt Nam. Trong quá trình làm tư vấn, Dũng được biết đến mô hình EWA đã và đang phát triển mạnh ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ và tạo tác động tích cực đến người lao động.

Dũng đánh giá, VUI đáp ứng được cả 4 điều kiện cần và đủ mà Dũng đặt ra khi quyết định dấn thân vào hành trình khởi nghiệp. Đây là start-up mà Dũng có thể sử dụng những thế mạnh về kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được trong thời gian qua. Đây cũng là mô hình kinh doanh mà Dũng thấy thích thú, có tác động xã hội và có thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận khi phát triển.

“Bố tôi thường dặn tôi rằng, hãy chọn làm những việc có thể giúp được người yếu thế hơn mình. Lời căn dặn này rất giá trị và thúc đẩy tôi bắt tay vào xây dựng VUI”, Dũng chia sẻ.

Việc chuyển sang trả lương linh hoạt theo ngày tương tự nền kinh tế chia sẻ hấp dẫn với người lao động và có thể trở thành lợi thế tuyển dụng của doanh nghiệp. Song đây cũng là thách thức với doanh nghiệp do gánh nặng công nghệ, dòng tiền và thủ tục hành chính. Vì vậy, các mô hình B2B như VUI tăng trưởng chậm hơn các mô hình B2C và để có những đối tác đầu tiên, đội ngũ start-up này đã phải trải qua nhiều tháng “giáo dục thị trường”.

Đặng Việt Dũng đánh giá, hiện là thời điểm phù hợp nhất để VUI gia nhập thị trường, bởi làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt “nguồn vốn chất lượng cao” chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều. Theo đó, những phúc lợi tốt nhất cũng như công bằng với người lao động sẽ dần được phổ biến tại thị trường nội địa.

THEO HỒNG PHÚC
(Báo Đầu tư)