Cuộc chiến giao đồ ăn: Khi người chiến thắng không chi nhiều tiền hơn
Vì sao sau thời gian ngắn, tân binh BAEMIN đã đạt được quy mô tương đương với các công ty đầu ngành trong lĩnh vực giao đồ ăn và đang tiếp tục mở rộng quy mô trên cả nước?
Chuyên gia ẩm thực vs shipper
Quản lý chuỗi cửa hàng Phúc Long cho biết doanh số tăng đáng kể, đặc biệt trong mùa dịch, khi kết hợp với các đối tác giao đồ ăn (delivery food) như BAEMIN. Các ứng dụng food delivery đang phục vụ ngày càng nhiều các món ăn, từ sang trọng tới bình dân, từ quán nhỏ đến hệ thống nhà hàng lớn, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn chỉ sau vài lần chạm ngón tay trên màn hình. “Nhờ các chương trình tiếp thị, trợ giá, người tiêu dùng nhận thấy đồ ăn đặt mua qua ứng dụng thường rẻ hơn so với tự nấu ăn ở nhà , thuận tiện hơn”, quản lý cửa hàng Phúc Long cho biết.
Các nhà hàng như Phúc Long nhận thấy với BAEMIN họ đang bán được nhiều hàng hơn và có độ nhận biết thương hiệu tốt hơn. Trong khi thị trường food delivery ngày càng tăng trưởng tốt hơn. Theo công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu người tiêu dùng Statista, doanh thu trong mảng giao nhận thực phẩm trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 146 triệu USD năm 2019.
Tại Việt Nam, sau khi thiết lập thị phần trong mảng gọi xe máy và ô tô, Grab và GoJek đều nhắm tới mảng giao nhận đồ ăn. Mục tiêu của các ứng dụng này là trở thành siêu ứng dụng của khu vực, giống như WeChat, Alipay và Meituan đang làm ở Trung Quốc.
Trong khi các đối thủ nhảy vào mảng food delivery bằng cách tận dụng mạng lưới tài xế hiện có, thì chỉ có BAEMIN kiên trì tập trung vào hình ảnh “chuyên gia ẩm thực” nhằm mở rộng hệ sinh thái ẩm thực (tech food). Đây là chiến lược giúp công ty đến từ Hàn Quốc này nhanh chóng có vị trí Top 3 tại Việt Nam sau 1 năm xuất hiện tại Việt Nam (theo khảo sát của Asia Plus vừa công bố tháng 12/2020). Cụ thể, BAEMIN có 46% người từng sử dụng dịch vụ.
Biểu đồ so sánh độ phổ biến của các ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam. Nguồn: Q&Me Vietnam Market Research.
Tổng giám đốc Woowa Brothers Việt Nam, Kiwan Ihn cho biết họ muốn xây dựng “niềm tin” với khách hàng và các đối tác trong hệ thống nền công nghiệp giao đồ ăn hơn cả mục tiêu phát triển kinh doanh.
Nhanh, khuyến mãi nhiều hơn hay ngon hơn?
Công ty mẹ của BAEMIN Việt Nam là Woowa Brothers, điều hành ứng dụng giao đồ ăn số một Hàn Quốc với hơn 50% thị phần, cạnh tranh với khoảng 40 đối thủ khác. Sự chuyên nghiệp này được phát huy tại thị trường Việt Nam. Hình ảnh vui nhộn, thân thiện cùng những quảng cáo lồng ghép một cách tinh tế việc thưởng thức bữa ăn với chủ đề tình yêu của BAEMIN đã tạo được cơn sốt trong giới trẻ nhờ chiếm được cảm xúc của họ. “Chúng tôi sẽ khai thác các chủ đề có thể gắn kết với khách hàng và cố gắng chạm đến trái tim họ”, đại diện BAEMIN cho biết.
BAEMIN tiếp tục phát huy thế mạnh khi có nhiều hỗ trợ đối tác nhà hàng để đáp ứng nhu cầu cao hơn của thực khách, cụ thể là món ăn ngon hơn, độc đáo và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, Công ty tổ chức các lớp tập huấn như chương trình BAEMIN Academy ở Hàn Quốc, hoặc các cuộc thi để hỗ trợ nâng cao năng lực cho đối tác…
Sau thời gian ngắn, BAEMIN đã đạt được quy mô tương đương với các công ty đầu ngành trong lĩnh vực giao đồ ăn và đang tiếp tục mở rộng quy mô trên cả nước. Doanh nghiệp này hiện có thể tiếp nhận và xử lý 30.000-40.000 đơn hàng trong các khung giờ cao điểm; còn trong mỗi ngày cao điểm, con số này là khoảng 200.000 đơn hàng.
Sự vượt lên nhanh chóng của BAEMIN cũng cho thấy các ứng dụng gọi đồ ăn đang tạo ra làn sóng gay gắt và trực diện hơn giữa các thương hiệu có cùng thị phần vốn dĩ đã cạnh tranh rất khốc liệt từ trước. Không chạy đua đốt tiền nhưng BAEMIN đã có một trong những câu chuyện tăng trưởng nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam thời gian qua. Bắt đầu khi có chưa tới 100 tài xế, sau 1 năm, BAEMIN đã có vài chục ngàn tài xế, mở rộng thị trường từ TP.HCM đến Hà Nội và đang có kế hoạch tiếp cận các thị trường mới như Biên Hoà, Cần Thơ và Đà Nẵng.
Vẫn còn quá sớm để biết cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai bên lớn nhất và nhiều tiền nhất thị trường tại Việt Nam trong vài năm tới, khi đang có thêm các tên tuổi mới tham gia vào thị trường gọi xe trực tuyến, làm bàn đạp cho các mảng dịch vụ khác dựa trên dữ liệu người dùng trực tuyến. Tuy nhiên, thị trường ngày càng phân hoá rõ rệt, đặc biệt với các dịch vụ hay sản phẩm đặc thù như món ăn, đòi hỏi tính chuyên môn hoá cao để đảm bảo chất lượng và vệ sinh. Với nguồn vốn dồi dào từ kỳ lân Woowa Brothers ở Hàn Quốc, BAEMIN rõ ràng đang đặt ra mục tiêu lớn hơn trong hành trình chinh phục thị trường Việt Nam.
Theo Nhịp sống kinh tế