Việc một ca sĩ đứng trên sân khấu và hát theo lời nhạc chạy từ màn hình trước mặt thật là một việc không hay, nhưng nếu xem nó như một thú vui giải trí, thì rõ ràng karaoke vẫn còn là một thị trường khổng lồ. Và với những thị trường lớn, những công ty khởi nghiệp sẽ rất thích lao vào.

Công ty Singa có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan đang xây dựng một dịch vụ karaoke kỹ thuật số theo cách riêng của mình, họ muốn làm thật tốt cho karaoke như những gì Spotify đã làm cho âm nhạc. Công ty mới đây đã nhận được khoản tài trợ 1,75 triệu euro từ quỹ đầu tư bởi các tập đoàn lớn.

“Hơn 10 năm trong ngành công nghiệp karaoke, tôi đã làm việc với rất nhiều công ty karaoke lớn và nhỏ từ khắp Châu Á cho đến Hoa Kỳ, tôi nhận ra trong khi các phương tiện truyền thông giải trí khác đang dần chạy theo xu hướng trực tuyến hóa, còn karaoke thì vẫn mãi giữ phong cách của nó từ những năm 90,” đồng sáng lập Singa cho biết.

Sản phẩm của Singa là phần mềm hát karaoke kết nối với kho nhạc và lời hơn 20.000 bài hát của hãng, hiện đã có các phiên bản cho iOS, Android, Web, Apple TV và các dòng Smart TV.

Còn đối với quán bar, nhà hàng, khách sạn và các địa điểm vui chơi giải trí, Singa sẽ cung cấp một gói giải pháp chuyên nghiệp hơn với đầy đủ mọi thứ giúp trải nghiệm karaoke tuyệt vời nhất thông qua nền tảng của hãng.

“Với Singa, bạn sẽ không còn cần DVD, CDG, phải tốn thời gian và chi phí tải về hay yêu cầu phần cứng quá cao, cũng như những rắc rối không cần thiết để có thể được hát karaoke.

Singa cho phép người dùng dễ dàng hát được ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, bất cứ thiết bị nào, bất cứ bạn là ai,” Hujanen cho biết thêm.

Chia sẻ thêm về các hãng đối thủ cạnh tranh, CEO của Singa cho biết YouTube là nguồn cấp lớn nhất thế giới về nội dung liên quan đến karaoke, tuy nhiên 99% trong số này là vi phạm bản quyền hay chất lượng không đảm bảo.

Ngoài ra còn có Smule – một công ty mới thành lập ở San Francisco, cũng đã rất thành công trong ngành công nghiệp karaoke này.

Trong khi đó có Yokee ở Israel đã phát triển một chương trình tương tự và đã bán được cho Stingray Digital ở Canada với mức giá 40 triệu USD. Hay Chang-Ba của Trung Quốc tự hào có thể thu hút đến 30 triệu người dùng tích cực mỗi tháng ở quê nhà.

“Nhưng những hãng này không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Singa, bởi họ không tập trung nhiều vào trải nghiệm người dùng với karaoke, mà họ hướng đến tương tác mạng xã hội nhiều hơn.

Chúng tôi chú tâm vào nhất vẫn là trải nghiệm ca hát của người dùng, phần mềm của chúng tôi có những tính năng thông minh giúp người dùng có thể hát được ở bất cứ loại thiết bị nào, và ở bất cứ hoàn cảnh nào,” Hujanen chia sẻ thêm.

Quang Niên (Theo techcrunch)