Ngày 19/12, Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã tổ chức hội thảo để công bố những bước đầu nghiên cứu về chính sách phát triển các mô hình tài chính cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu này, dựa trên kinh nghiệm tài trợ của IPP2 và các tổ chức quốc tế, sẽ đưa ra những thực chứng cho những nhà hoạch định chính sách. Theo chị Trần Thị Thu Hương, giám đốc IPP2, nghiên cứu này có thể hướng đến việc thay đổi tư duy chấp nhận rủi ro trong khu vực công của Việt Nam.

Công cụ nhiều …

Có tới 30 công cụ hỗ trợ tài chính cho startup. Thông thường, những công cụ như đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm và phổ biến hơn nữa là cho vay chỉ dành cho những startup đã thể hiện rõ khả năng tăng trưởng của mình và phát triển ổn định. Trong giai đoạn kiểm chứng ý tưởng và bước đầu bán sản phẩm khi doanh thu chưa đủ bù chi phí, startup vẫn cần hỗ trợ tài chính.

Vốn mồi từ chính phủ: Khác với hình dung từ trước đến nay, chính phủ không chỉ đầu tư cho R&D mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, theo chị Phan Hoàng Lan, trưởng nhóm nghiên cứu, đều tài trợ một khoản vốn nhỏ (pre-seed, seed funding) khoảng 10.000 – 30.000 USD để startup gặp gỡ khách hàng và kiểm chứng ý tưởng của mình liệu có phù hợp với thị trường.

Gọi vốn cộng đồng:

Không giống với hình thức đầu tư mạo hiểm của tư nhân khác, gọi vốn cộng đồng cho phép nhiều người, kể cả không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia hỗ trợ startup cùng một lúc. Hình thức gọi vốn cộng đồng phổ biến nhất là reward-based crowdfunding – gọi vốn cộng đồng nhận phần thưởng, chiếm đến 2/3 nền tảng gọi vốn cộng đồng trên thế giới. Đây là nơi startup tìm kiếm những đóng góp để phát triển sản phẩm và sau khi dự án thành công, các nhà tài trợ sẽ là những người đầu tiên nhận được những sản phẩm, công nghệ mới.

Mô hình rất phát triển trên thế giới là debt-based crowdfunding – gọi vốn cho vay cộng đồng và P2P funding – cho vay ngang hàng. Mô hình này xuất hiện phổ biến dưới dạng các trang web gọi vốn vay cộng đồng như Lending Club, Prosper, Kiva U.S. Người đi vay chỉ cần điền thông tin và nộp đơn trực tuyến tại web, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra mức lãi suất phù hợp để các nhà đầu tư lựa chọn khoản cho vay thích hợp. Mô hình này được ủng hộ vì lãi suất thường cạnh tranh hơn và không cần thỏa mãn các điều kiện vay vốn truyền thống.

Một mô hình gọi vốn cộng đồng khác là equity-based crowdfunding – gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần hoặc sàn giao dịch chứng khoán cho khởi nghiệp. Mô hình equity-based crowdfunding đã xuất hiện ở Mỹ từ lâu nhưng chỉ vừa mới chính thức hợp pháp hóa khi Title III của Đạo luật Khởi sự Kinh doanh (JOBS Act) có hiệu lực từ ngày 16/5/2016. Sàn chứng khoán khởi nghiệp còn hiếm hơn vì nó đòi hỏi những người mua cổ phiếu phải rất am hiểu về việc đầu tư cho khởi nghiệp và phải có lượng doanh nghiệp đạt trình độ lên sàn đủ lớn thì sàn mới hoạt động ổn định được. Một số nước/lãnh thổ có sàn chứng khoán khởi nghiệp là Singapore, Hong Kong, Thái Lan và đặc biệt là Hàn Quốc.

Mua sắm công: Nhiều nước đang nâng tầm mua sắm công trở thành công cụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo: chính phủ mua lại sản phẩm của doanh nghiệp và trở thành đầu ra cho doanh nghiệp. Hành động mua lại sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao của chính phủ được coi như là việc cấp giấy chứng nhận chất lượng để doanh nghiệp bước chân vào thị trường.

Doanh thu bán hàng: Các tập đoàn, ngân hàng, tổ chức tín dụng và công ty kinh doanh cũng có thể hỗ trợ khởi nghiệp bằng cách trở thành khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ của startup. Đặc biệt là ngân hàng, một hợp đồng đặt hàng sản phẩm fintech đã đủ để tài trợ vốn cho startup mà không cần đến các nhà đầu tư. Một hình thức khác là bao thanh toán – startup có thể bán bộ chứng từ bán hàng của mình cho ngân hàng để nhận tiền trước, ngân hàng sẽ là bên thu hộ doanh thu sau và chỉ lấy phí của startup.

Nhưng chưa tận dụng được hết

Hầu hết các công cụ tài chính này đều đã có mặt ở Việt Nam nhưng mới chỉ hợp thức hóa trên giấy tờ hoặc xuất hiện manh mún, dè dặt do chưa có chính sách hỗ trợ chính thức.

Đối tượng tài trợ của ngân sách hiện nay chủ yếu là các dự án R&D. Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, IPP2 có phần tài trợ cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh là một trường hợp ngoại lệ (Tuy nhiên, 90% tài chính của IPP2 là ODA không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan). Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) mặc dù có tài trợ cho doanh nghiệp nhưng không hướng đến các startup.

Theo anh Phan Hồng Sơn, Phó chủ tịch quỹ phát biểu trong buổi hội thảo, quỹ chỉ tài trợ cho những SMEs “đã vững vàng trên thị trường rồi, thậm chí là NATIF lựa chọn những SMEs nào càng vững thì càng hỗ trợ”. Lý do là, “Vốn ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân nên việc hỗ trợ với những gì rủi ro cao thì phải hạn chế tối đa”.

Loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm trực thuộc Nhà nước vừa mới được thông qua trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tuy nhiên theo chị Phan Hoàng Lan, bản thân mô hình này rất phức tạp nếu không cẩn trọng, nhà nước có thể kìm hãm vai trò của tư nhân. Các chuyên gia Phần Lan cũng không khuyến khích Việt Nam theo phương án này mà gợi ý hình thức Funds of funds (tạm dịch: quỹ của quỹ), có nghĩa là tiền ngân sách đầu tư mạo hiểm của nhà nước sẽ được rót vào các quỹ đầu tư tư nhân và do tư nhân quản lý và đầu tư.

Sau khi chính phủ có định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, một loạt các ngân hàng ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt trào lưu này như BIDV, VP Bank, Vietinbank, Vietcombank,…Tuy nhiên, chính sách của các ngân hàng này không có gì đặc biệt mà chỉ là cho vay với lãi suất thấp hơn bình thường. Chính vì vậy, nguồn vốn này vẫn “ngoài tầm với” của các startup.

Theo chị Tạ Minh Thu – cán bộ Vietinbank tham gia hội thảo, có hai yếu tố quyết định đến việc cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp, thứ nhất là lịch sử tín dụng, thứ hai là phương án kinh doanh (liệu đã có doanh nghiệp tương tự trên thị trường chưa, hoạt động có thành công không). Với startup, hai yếu tố này đều “trống trơn”. Quan trọng hơn, vì nhiều lĩnh vực của startup rất mới, “quá đặc thù cho so với ngân hàng”, nên ngân hàng cũng không biết đánh giá thế nào.

Trường hợp các tập đoàn lớn và ngân hàng mua sản phẩm của startup chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, đặc biệt là các startup ở lĩnh vực công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật…

Một trong những lý do mà chị Phan Hoàng Lan đưa ra, ở Việt Nam, thông tin vẫn còn lưu trữ theo kiểu truyền thống trên giấy tờ và doanh nghiệp luôn muốn startup thay đổi sản phẩm theo quy trình làm việc của riêng mình trong khi công nghệ của startup đòi hỏi dữ liệu đầu vào và quy trình làm việc phải được chuẩn hóa khiến hình thức hỗ trợ kiểu này thành ra “lợi bất cập hại”, startup bán cho doanh nghiệp lỗ nhiều hơn lãi.

Còn với chính phủ, mua sắm công ở Việt Nam không tạo điều kiện cho startup tham dự. Trong khi đó, Úc ra quy định yêu cầu 20% tiền thầu dịch vụ ICT phải dành cho doanh nghiệp dưới 5 năm tuổi. Ở Việt Nam, dù luật đấu thầu không quy định cụ thể, nhưng nhiều tiêu chuẩn trúng thầu đòi hỏi các công ty phải cung cấp giá cạnh tranh, có thâm niên trong ngành, có nguồn lực tài chính ổn định,…- những tiêu chuẩn mà startup khó đạt được.

Ngoài dạng gọi vốn đám đông nhận phần thưởng đã và đang tồn tại ở Việt Nam, điển hình là trường hợp bộ truyện tranh Long Thần Tướng gọi được hơn 300 triệu với riêng tập đầu tiên. Tuy nhiên, các nền tảng cho gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam phần lớn là hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Các dạng gọi vốn cộng đồng khác, theo báo cáo cho thấy, đều chưa xuất hiện. Một trong những lí do quan trọng là Chính phủ chưa công nhận hình thức gọi vốn này một cách hợp pháp và vì vậy, chưa có một cơ chế nào bảo vệ những người ủng hộ khi xảy ra lừa đảo hoặc sự cố.

Thay đổi quan điểm tài trợ

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, sự dè dặt trong việc đầu tư mạo hiểm xuất phát từ tâm lý e sợ rủi ro và chính Nhà nước phải thay đổi quan điểm đó. Nếu Nhà nước không nới lỏng những nguyên tắc quy định về rủi ro, sẽ rất nhiều nguồn vốn bị “bỏ phí”.

Chị Tạ Minh Thu cho rằng, “khẩu vị” về rủi ro của ngân hàng tư nhân thay đổi, hướng đến startup khi Ngân hàng Nhà nước “mở đường” bằng các quy định về room tín dụng và tỉ lệ nợ xấu có thể chấp nhận trong đầu tư cho khởi nghiệp.

Không chỉ vậy, Nhà nước cũng có thể cho phép cả các quỹ xã hội đầu tư vào khởi nghiệp. Ngay từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước Mỹ đã cho phép quỹ hưu trí đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, tạo ra thị trường đầu tư mạo hiểm rất lớn ở nước này. Vào đầu những năm 2000, tiền từ quỹ này chiếm tới 50% giá trị của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ.

Ngoài ra, Nhà nước có thể hợp pháp hóa các hình thức gọi vốn cộng đồng. Những lo ngại về lịch sử tín dụng và phương án kinh doanh “trống trơn” của startup có thể giải quyết bằng công nghệ. Các công nghệ tài chính hiện nay đã cho phép theo dõi và phân tích các dữ liệu thanh toán, chi trả của startup và phân tích dữ liệu thời gian thực để đánh giá phần nào tiềm năng của startup. Nếu dữ liệu đủ lớn, nó còn thể hiện cả tiềm năng của thị trường, sự minh bạch của dòng tiền nên thu hút cả các quỹ đầu tư, nhà đầu tư ở nước ngoài, ngân hàng vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, bản thân nhà nước cũng phải thay đổi trong phương thức hỗ trợ của chính mình. “Nếu bạn chỉ đầu tư cho R&D, bạn sẽ nhận được các giải pháp mới nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có nhiều công ty thành công hơn” – Ông Jouko Ahvenaine cho biết. Đây là bài học “đau đớn” của châu Âu khi họ chứng kiến lợi nhuận từ những đột phá mà chính họ tạo ra cuối cùng lại về tay các công ty của Mỹ.

Đó là vì, Chính phủ Mỹ có những khoản tài trợ để các startup phải thúc đẩy doanh số, thị phần bằng cách đi thăm dò thị trường và nói chuyện với khách hàng liên tục. Nhờ vậy, họ có thể biến ý tưởng từ các phòng thí nghiệm thành hiện thực. “Bạn đo cái gì thì bạn sẽ nhận được đúng cái đó” – Ông Jouko nói thêm, chỉ ra rằng Việt Nam nên mở rộng đối tượng, mục tiêu, cách thức tài trợ, với tiêu chí mang định hướng kinh doanh mạnh mẽ, nếu muốn tạo ra những doanh nghiệp tốt.

Như đã nói ở trên, có 30 công cụ tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng mỗi công cụ tài chính này lại có thể kết hợp với các công cụ khác, tạo thành vô số các công cụ mới mà ông Jouko gọi là 1+1>2 (chẳng hạn, kết hợp giữa mua bán của chính phủ và cho vay của ngân hàng, ta có thêm trường hợp ngân hàng sẽ cho vay nếu startup được một cơ quan của chính phủ dùng sản phẩm). Nhưng điều này chỉ có thể diễn ra nếu có sự liên kết và đối thoại cởi mở giữa tất cả các chủ thể cấp vốn. “Luôn có sự kết hợp giữa công cụ này với công cụ khác.

Một quy tắc chính cần phải nhớ, đó là không phải một bên độc lập mà là, chính cách các bên hợp tác theo nhiều cách khác nhau mới tạo nên giá trị cho toàn bộ nền kinh tế” – Ông Jouko cho biết.

Minh Thuận – Báo Tia sáng