Cofounder Việc Có – Startup được các Shark tranh giành đầu tư: Khi khởi nghiệp, chuẩn bị bao nhiêu cũng không đủ để không lo lắng!
Thế nên, dù đã gọi được một số vốn nhất định từ Quỹ đầu tư và trên chương trình Shark Tank, nhưng với Phan Xuân Cảnh – Cofounder Việc Có và người đồng sự, thì họ còn phải học tập rất nhiều, qua từng giờ và từng ngày ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Hai Founder của Việc Có trẻ tham gia chương trình với mong muốn tạo thêm được nhiều việc làm cho các sinh viên, lao động phổ thông tự do
Mặc dù còn tương đối non trẻ trên thị trường khởi nghiệp khi mới ra mắt từ năm 2019, nhưng với việc khi đi gọi vốn trên chương trình Shark Tank, Việc Có nhận được tới 4/5 lời đề nghị từ các Shark (Shark Việt và Shark Liên từ chối đầu tư, nhưng sau đó Shark Liên lại ‘ké’ với Shark Dzung), rồi sau đó cặp đôi founder Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng chấp nhận lời đề nghị của Shark Dzung với 300.000 USD tiền đầu tư; dự án khởi nghiệp này đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới trẻ.
Tuy nhiên, được quan tâm quá chưa hẳn đã là điều tốt, bởi sau số có mặt Việc Có phát sóng không lâu, app của họ đã bị đánh giá một sao, lý do nhiều người làm như vậy là bởi trải nghiệm của app chưa mượt mà, cũng như trên app không có nhiều công việc như kỳ vọng của người dùng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nói trên, Phan Xuân Cảnh chia sẻ rằng, anh không quá cảm thấy buồn khi app của mình bị đánh giá thấp; bởi thông qua sự cố đó, anh mới biết rằng mình cần phải cải thiện hơn nữa trải nghiệm khách hàng. Hơn nữa, do rất cẩn trọng trong quá trình thẩm định và xác thực khách hàng cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, nên trong giai đoạn đầu mở rộng thị trường, Việc Có không thể đi nhanh được.
Theo anh Cảnh, Việc Có chỉ mới bắt đầu xuất phát, cả anh lẫn nhà sáng lập còn lại đều phải không ngừng hoàn thiện bản thân và sản phẩm từng ngày, mỗi một vấp váp là mỗi lần cả hai có cơ hội trưởng thành hơn. Quan trọng nữa, với sự lớn mạnh không ngừng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Việc Có đủ sự hỗ trợ từ cộng đồng, khi cả hai không đủ khả năng giải quyết cũng sẽ có người giúp đỡ.
Quan trọng nhất với cả hai ở thời điểm này chính là săn được những tài năng về sale, marketing, tài chính, pháp lý… để bổ sung vào team, bởi trong khi Cảnh giỏi về mặt vận hành thì Tùng chỉ chuyên về công nghệ.
Khi khởi nghiệp, chuẩn bị bao nhiêu cũng không đủ để không lo lắng
Hiện tại, ở Việt Nam có 2 trường phái khởi nghiệp cơ bản: sau khi rời trường học là bắt tay vào khởi nghiệp ngay, khởi nghiệp sau khi lăn lộn ở rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Cặp đôi Cảnh – Tùng thuộc trường hợp sau.
Theo chia sẻ của Cảnh, ý tưởng xây dựng một nền tảng kết nối lao động phổ thông, đặc biệt là lao động thời vụ với doanh nghiệp, đã hình thành trong anh từ năm 2015.
Phan Xuân Cảnh – Cofounder của Việc Có
Với vai trò là Giám đốc vận hành của Tiki trong nhiều năm, anh và doanh nghiệp này thường xuyên rơi vào tình cảnh thiếu lao động phổ thông ở những lúc cao điểm trong mảng thương mại điện tử, ví dụ như các lễ hội mua sắm 9/9, 11/11, Black Friday hay dịp cuối năm. Tiki đã tìm rất nhiều cách, nhưng tuyển dụng rất khó khăn, trong khi rõ ràng ngoài kia lao động phổ thông có nhu cầu tìm thêm công việc để cải thiện thu nhập không thiếu.
Thêm nữa, trước đó, trong một lần qua Đức thăm người thân, anh nhận thấy ở đất nước này, những người lao động phổ thông chỉ cần chăm chỉ sẽ có cuộc sống tương đối sung túc. Trong khi Việt Nam ngược lại. Người lao động phổ thông tại Việt Nam dù chăm chỉ đi nữa, cũng khó làm được nhiều việc cùng lúc hoặc công việc lương khá thấp, không xứng với công sức mà họ bỏ ra. Cảnh muốn góp phần thay đổi thực trạng đáng buồn đó.
Sau khi chia sẻ ý tưởng của mình với bạn bè và đồng nghiệp, may mắn cho Cảnh là anh đã tìm được người cùng chí hướng ngay tại Tiki, là Nguyễn Sơn Tùng – lúc đó đang là Giám đốc công nghệ của Tiki.
“Thật ra trước khi cả hai nghỉ việc vào năm 2017 để bắt đầu dự án riêng của mình, chúng tôi đã 2 lần thử nghiệm. Nhưng do công việc tại Tiki rất bận, cả tôi lẫn anh Tùng đều không có nhiều thời gian để chăm chút cho dự án, nên cuối cùng nó chẳng đi đến đâu.
Phải đến năm 2017, sau rất nhiều năm phụng sự cho Tiki, chúng tôi đã quyết định nghỉ để ra riêng, thì mới đầu tư nghiêm túc cho Việc Có và tạo nên được sản phẩm như mọi người thấy ở thời điểm hiện tại”, Phan Xuân Cảnh bộc bạch.
Dù ấp ủ ý tưởng từ rất lâu và mong muốn được giúp ích cho xã hội nhiều là thế, xong Cảnh thú nhận là mình đã phải cân đo đong đếm rất nhiều trước khi nghỉ việc để khởi nghiệp. Bởi anh biết, khởi nghiệp rất gian khó và vất vả, khả năng thất bại cao; không giống với làm công ăn lương trong doanh nghiệp tương đối lớn như Tiki.
Ngay sau khi Cảnh và Tùng rời Tiki, thỉnh thoảng họ vẫn nhận được nhiều lời đề nghị từ các doanh nghiệp khác, như Tùng thậm chí còn được mời chào mức lương lên đến 10.000 USD.
Tuy nhiên, ngay cả khi dũng cảm từ bỏ con đường nhàn hạ hơn để dấn thân vào khởi nghiệp và từng rất nhiều năm làm trong công ty khởi nghiệp; vẫn không khiến Cảnh và Tùng bớt bỡ ngỡ khi thực hiện dự án Việc Có. Về chuyên môn, cả hai rất tự tin là mình có thể ‘cân’ hết được mọi việc, nhưng khởi nghiệp không chỉ là về vận hành hay công nghệ mà hàng ti tỉ những công việc không tên khác: hành chính, kế toán, nhân sự, truyền thông….
Tất nhiên, khi khám phá một vùng đất mới, ngoài cảm giác phấn khích, chúng ta còn cảm giác lo lắng bởi có quá nhiều thứ chúng ta không biết. Cảnh và Tùng chính đang trong tâm trạng đó.
Tiki là một xuất phát điểm tuyệt vời cho hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ, như Cảnh và Tùng
Bây giờ, dù không còn là người của Tiki nữa, nhưng cả Cảnh và Tùng vẫn rất tự hào mỗi khi nói về công ty cũ. Bởi những bài học về khởi nghiệp đắt giá cũng như những mối quan hệ hữu ích trong giới khởi nghiệp mà họ có hầu hết bắt nguồn từ những tháng năm cùng founder và CEO Trần Ngọc Thái Sơn xây dựng phát triển Tiki.
Nhờ từng làm cho công ty khởi nghiệp như Tiki, Cảnh và Tùng cũng không quá xa lạ về chuyện gọi vốn. Do là nhân sự cao cấp, nên cả hai không ít lần phải lên thuyết trình về bộ phận – chuyên môn của mình với các nhà đầu tư của Tiki. Vì được tham gia vào một phần quy trình gọi vốn của Tiki, nên cả hai có một vài kiến thức cơ bản về hoạt động này, chứ không hoàn toàn tay mơ như nhiều startup khác.
“Bài học đầu tiên về khởi nghiệp mà tôi nhận được là từ anh Trần Ngọc Thái Sơn. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của anh về chuyện scale-up: làm cái gì mà sai luật là không mở rộng được. Thế nên, trong những ngày đầu khởi nghiệp dù nguồn lực ít, chúng tôi vẫn mời luật sư đến để tư vấn về khía cạnh pháp lý cho mô hình hoạt động của Việc Có”, Phan Xuân Cảnh cho biết.
Chuyện Việc Có nhanh chóng gọi vốn thành công chỉ sau vài tháng ra mắt sản phẩm, có đóng góp rất lớn từ xuất phát điểm Tiki của cặp đôi sáng lập cũng như kinh nghiệm tương đối của họ về câu chuyện gọi vốn so với nhiều startup khác.
“Ngoài đồng nghiệp cũ ở Tiki, thì tôi cũng nhận được rất nhiều lời tư vấn giá trị từ các bạn khởi nghiệp khác trong quá trình gọi vốn. Ví dụ: khi tôi nhận được lời đề nghị số tiền đầu tư từ nhà đầu tư cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác, tôi sẽ gọi điện cho một vài bạn khởi nghiệp từng thành công gọi vốn lần đầu cách đây không lâu, để hỏi họ xem, như thế là đã hợp lý chưa.
Theo đó, có bạn nói tôi nên xem lại điều khoản này, điều khoản kia vì thực hiện sẽ rất khó khăn; hoặc có bạn đề xuất nên nhận bao nhiêu tiền cho bao nhiêu cổ phần để mình không bị thiệt thòi. Theo tôi, khởi nghiệp có rất nhiều thách thức nhưng cũng rất vui, vì mỗi ngày tôi đều học được điều gì đó mới mẻ”, Cảnh kể.
Cũng như thế, dù sản phẩm Việc Có trông không quá độc đáo và mới mẻ, nhưng cả hai biết nhấn vào điểm nào để có thể thuyết phục các “cá mập” trên chương trình Shark Tank quan tâm và đầu tư cho mình.
Với mối quan hệ mà Cảnh – Tùng có trong lĩnh vực thương mại điện tử ở những ngày tháng làm việc cho Tiki, những doanh nghiệp trong mảng này như Tiki, Lazada, Ninja Van… chính là những khách hàng doanh nghiệp đầu tiên của Việc Có.
Trong tương lai, Việc Có sẽ trở thành ‘trợ lý nhân sự’ cho các Giám đốc nhân sự khi cần lao động phổ thông thời vụ
Như mọi startup khác, mục tiêu mà Việc Có hướng tới không chỉ là nền tảng kết nối mà còn là một “trợ lý nhân sự” cho các Giám đốc nhân sự khi cần lao động phổ thông thời vụ, không chỉ tại Việt Nam mà cả trong khu vực Đông Nam Á.
Ở khía cạnh khác, không ít nhà đầu tư đã đặt vấn đề, hiện tại thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nhà máy đã thay con người bằng máy móc, tới lúc đó thì nền tảng của Việc Có như sẽ như thế nào?
“Tôi thì không lo lắng quá nhiều về điều đó, thứ nhất, khi máy móc xuất hiện thì lao động tay chân trong nhà máy sẽ bớt đi chứ không biến mất. Hơn nữa, Việc Có tập trung vào những công việc thời vụ – bán thời gian chứ không phải công việc toàn thời gian.
Hơn nữa, Việc Có phục vụ những vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch trong quá trình sản xuất – kinh doanh, như kiểu thời gian cao điểm trong ngành thương mại điện tử như đã nói ở trên; nên chuyện công nghệ 4.0 không ảnh hưởng gì nhiều đến chúng tôi.
Tới lúc máy móc có thể thay thế hoàn toàn con người còn xa, mà lúc đó biết đâu Việc Có cũng đã phát triển đến một mức độ hoặc mô hình nào đó phù hợp với thời cuộc chứ không còn như bây giờ. Bởi, không có gì là mãi đứng yên, chúng tôi cũng thế”, Phan Xuân Cảnh khẳng định.