Quỹ đầu tư Circulate Capital dự kiến đầu tư 106 triệu USD nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Châu Á
Quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore – Circulate Capital vừa công bố khoản ngân sách 106 triệu USD cho các startup có sáng kiến nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại các vùng biển Nam Á và Đông Nam Á.
Một báo cáo của Conservancy Ocean cho thấy cần ít nhất 28 – 40 USD để thu gom 1 tấn rác thải nhựa ở Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, châu Á cũng là nơi đóng góp nhiều nhất với 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra trên đại dương mỗi năm.
Các nước có số lượng rác thải nhựa hàng đầu đều ở châu Á, bao gồm: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Việc xả rác như vậy gây thiệt hại 1,3 tỷ USD hàng năm cho các ngành công nghiệp đánh bắt, vận chuyển và du lịch ở châu Á – Thái Bình Dương.
Quỹ Circulate Capital có sự tham gia của 8 nhà đầu tư chính là các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, bao gồm: Coca-Cola, PepsiCo, Procter và Gamble, Unilever, Dow, Danone và Chevron Phillips Chemical.
Sáng kiến này được đưa ra bởi Coca-Cola (đầu tư 15 triệu USD vào quỹ) vốn được mệnh danh là công ty gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2019, trên cả PepsiCo và Nestle, sau một cuộc kiểm tra, đánh giá do Break Free From Plastic thực hiện.
Ông Matt Echols – Phó chủ tịch truyền thông, quan hệ công chúng và sự bền vững của Coca-Cola khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phủ nhận rằng có sự xung đột lợi ích của các nhà đầu tư, bởi hãng đồ uống này vốn được xem là doanh nghiệp sử dụng nhựa lớn nhất thế giới. Thay vào đó, điều thú vị là Coca-Cola đang xem đây là cơ hội kinh doanh.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Coca-Cola đã cam kết 50% bao bì sẽ được sản xuất từ các vật liệu tái chế vào năm 2030.
“Circulation Capital đã xác định được hơn 200 cơ hội đầu tư trên toàn khu vực, chi tiết sẽ được công bố vào đầu năm tới” ông Rob Kaplan, CEO của Circulation Capital cho biết.
Một vài thương vụ đầu tiên của chúng tôi là các công ty tái chế và xử lý chất thải cơ bản. Quỹ sẽ giúp chúng tôi đưa công nghệ mới và các nguồn lực từ các thị trường khác vào Châu Á để tái chế nhựa hiện đang tràn ngập môi trường và từ đó đưa nó vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn, ông Rob Kaplan chia sẻ.
Quỹ cũng đang tìm kiếm đầu tư vào 20 đến 30 công ty trên toàn khu vực trong ba đến bốn năm tới nhằm mục đích tiếp cận các doanh nghiệp ở tất cả các giai đoạn của vòng đời nhựa, từ sản xuất đến tái chế, ông nói thêm. Ông Kaplan cho biết: Ở mỗi giai đoạn của chuỗi giá trị này, vì đây là chuỗi giá trị, chúng tôi thấy các doanh nghiệp có lợi nhuận cần vốn để phát triển.
Và đó cũng là cách mà chúng tôi và các nhà đầu tư tổ chức sẽ kiếm tiền, để mang lại tiền mà chúng ta cần để thực sự thúc đẩy sự thay đổi.
Hàn Mai