Tiffany Phạm lập trình lúc 3h sáng mỗi ngày, tự tay xây dựng ‘đế chế’ truyền thông Mỹ, cung cấp thông tin cho phụ nữ ở gần 200 quốc gia.

Xuất phát từ ước mơ nối nghiệp truyền thông gia đình, Tiffany Phạm hiện đứng đầu “đế chế” kết nối 18 triệu phụ nữ mỗi tuần và đang tạo ra ảnh hưởng tới cộng đồng nữ giới toàn cầu.

Cô lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes năm 2014 và nằm trong số 30 phụ nữ dưới 30 tuổi thay đổi thế giới năm 2015 do tạp chí Elle bình chọn.

Mạng xã hội Mogul do Tiffany sáng lập năm 2014 ra đời từ mong muốn cung cấp thông tin cho phụ nữ, tạo cộng đồng để họ trò chuyện về những hành trình và ý tưởng thay vì bị cô lập. Phụ nữ từ 196 quốc gia đã tham gia và Mogul hiện trở thành giao lộ toàn cầu cho phái nữ mọi lứa tuổi kết nối và chia sẻ.

Quy mô này là điều cô gái gốc Việt ban đầu chưa thể hình dung ra, từ phòng ngủ của mình tại New York, Mỹ. Khi đó, Tiffany mới học lập trình vài tuần rồi ra mắt trang web mà theo lời cô mô tả là “xấu xí”.

Gia đình chính là nguồn cảm hứng cho ước mơ của Tiffany. Bố cô luân chuyển từ Việt Nam tới Paris rồi Texas để theo đuổi sự nghiệp viễn thông và công nghệ. Nhờ vậy, cô gái sinh năm 1986 lớn lên cùng đam mê truyền thông và tiếp cận thông tin.

Bà Tiffany cũng là một doanh nhân truyền thông tự thân, từng làm việc không mệt mỏi để tạo nguồn tin về cơ hội bên ngoài cho phụ nữ châu Á. Khi bà qua đời, Tiffany, khi đó 14 tuổi, tự hứa với mình bằng mọi giá sẽ tiếp nối di sản của gia đình.

Với sứ mệnh rõ ràng, cô theo học những cơ sở đào tạo danh tiếng ở Mỹ là ĐH Yale và trường Kinh doanh Harvard trước khi bước chân vào sự nghiệp truyền thông. Mong muốn học hỏi nhanh mọi khía cạnh trong ngành nên ngay khởi đầu, Tiffany làm ba công việc cùng lúc: xây dựng chiến lược tại đài CBS, cộng tác với chính phủ Bắc Kinh và sản xuất phim về các vấn đề xã hội.

Thành công trong nhiều vai trò khác nhau, Tiffany nhận “bom thư” từ vô số phụ nữ trẻ khắp nơi, hỏi về quan điểm, lời khuyên và động lực… Việc phải trả lời từng câu hỏi khiến cô gái trẻ bắt đầu tự vấn: “Nếu có một nền tảng cho hàng triệu người chia sẻ các vướng mắc và thử thách, cùng tìm cách giải quyết và giúp nhau mạnh lên thì sao?”.

Cô đồng thời nhận ra một lỗ hổng: phần lớn các cổng thông tin đang bị thống trị bởi tiếng nói nam giới (chẳng hạn Reddit hay Wikipedia). Giải pháp Tiffany lựa chọn là học lập trình, tự tay xây nên nền tảng riêng để hiện thực hóa khao khát kết nối.

Chia sẻ về những ngày đầu hành trình, Tiffany nói rằng thời điểm yêu thích trong ngày là lúc 3h sáng, khi xong xuôi những công việc khác để dành thời gian mày mò lập trình bên chiếc máy tính. Giấc ngủ 5 tiếng mỗi ngày đến nay vẫn là điều xa xỉ với nữ CEO.

Sau vài tuần miệt mài, Tiffany dựng xong mô hình đầu tiên của Mogul. Sản phẩm nguyên thủy còn đơn điệu và không bắt mắt nhưng đó là khoảnh khắc tự hào nhất với cô gái mê truyền thông. Cô đã tạo nên một thứ có hy vọng ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống của phụ nữ khắp thế giới.

Cái tên “Mogul” cũng xuất phát từ mong muốn mọi phụ nữ có thể trở thành phiên bản tốt nhất của họ (Mogul: người vai vế, quyền lực).

Tiffany ban đầu định chạy website một mình trong vòng 2 năm, từ phòng ngủ tại New York. Nhưng Mogul sớm ghi nhận 1 triệu người dùng, điều ngoài sức tưởng tượng của cô.

Làm việc 20 tiếng mỗi ngày để gồng gánh kết nối khổng lồ, cô gái trẻ bắt đầu nghĩ đến chuyện củng cố bộ máy vận hành. Cô gọi vốn và thuê những nhân sự đầu tiên.

Nhìn lại sự bùng nổ ban đầu, Tiffany nhận ra bài học là cần tự tin với năng lực của mình và hướng kỳ vọng cao hơn. Đặt ra những mục tiêu tham vọng cũng trở thành thông lệ trước tiên ở Mogul. Đội ngũ của Tiffany sau đó sẽ tìm mọi cách đạt được, kể cả bằng đường đi nước bước thoạt nghe có vẻ bất khả thi. Công thức biến điều không thể thành có thể của họ là làm việc miệt mài, dốc sức cộng thêm sự sáng tạo.

Ngày nay, Mogul ghi nhận hàng triệu người dùng mới mỗi tuần, được tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới Hearst “chống lưng”, và hợp tác với những tổ chức quốc tế như Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women).

Cô gái đứng đầu “đế chế” truyền thông cho phái nữ tự hào nói trên Forbes: “Tôi gọi được vốn hàng triệu USD cho Mogul mà ít vấp phải trở ngại. Một nửa nhà đầu tư của chúng tôi là nam giới hoặc những quỹ điều hành bởi nam giới”. Mỗi USD giờ đây được Mogul chuyển hóa thành tài nguyên giáo dục trên mạng xã hội, trang bị tri thức cho khoảng 62 triệu phụ nữ toàn cầu.

CEO 32 tuổi cho rằng thành tựu lớn nhất Mogul làm được là trở thành nơi phụ nữ có thể bộc lộ những quan điểm mà họ nhận ra mình không đơn độc. Các cô gái trẻ ghé trang hằng ngày, để cập nhật xu hướng trong các cuộc hội thoại giữa chị em. Với nhiều người, đây thậm chí được xem là nguồn cảm hứng số một.

Trong số những tâm thư đầu tiên Tiffany nhận được, một thiếu nữ Pakistan chia sẻ Mogul giúp cô nhận ra rằng cô hơn những gì cộng đồng nói về mình. Từ chỗ cuộc sống chỉ xoay quanh việc lấy chồng, cô gái trở thành nhà hoạt động nữ quyền, nhờ những góc nhìn mới trang thông tin đem lại.

Để thành công, CEO gốc Việt duy trì nhìn nhận rằng mỗi lời đáp “không” thực tế mới chỉ là “chưa”. Bằng đam mê, cô không ngừng tìm kiếm con đường đi đến câu trả lời “có”.

Lời khuyên của Tiffany là: “Hãy viết ra mọi ý tưởng có trong đầu, đừng lo lắng việc nó phải hoàn hảo ngay lập tức. Trước hết cần sự khởi đầu: bắt đầu lập trình, bắt đầu xây dựng, bắt đầu tạo lập… Có thể mới chỉ giản đơn, không đẹp mắt như Mogul thuở sơ khai, nhưng dần dần bạn sẽ tinh chỉnh để sau cùng đạt hình ảnh mong muốn”.

Kế hoạch gần nhất của Tiffany Phạm cho Mogul là ra mắt dưới dạng ứng dụng di động trong tháng 6 này.

Quốc Việt – Ngoisao.net

Bài gốc