Thời điểm đầu không có quá nhiều vốn, cô gái trẻ đã tận dụng 2 chiếc nồi áp suất cũ và sử dụng lá cây mọc hoang ở vườn của gia đình để làm các những sản phẩm này.

Cũng như bao người khác, Trần Hoàn (SN 1998, Bắc Giang) sau tốt nghiệp đại học bám trụ lại thủ đô Hà Nội và đi làm thuê. Ở càng lâu, chị càng cảm thấy bản thân không phù hợp với cuộc sống nơi đây bởi sự ồn ào, tắc đường diễn ra hàng ngày.

Đầu năm 2021, chị đã quyết định về quê sinh sống. Trước đó, chị đã trải qua một thời gian làm việc trong phòng nghiên cứu vì giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta.

Với kiến thức đã học chuyên ngành Công nghệ sinh học (ĐH Bách Khoa) và kiến thức nghiên cứu khi đi làm thuê, chị đã tự mày mò và sản xuất ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe bằng những cây cối mọc dại trong vườn nhà.

Trần Hoàn (Bắc Giang) khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, nay thu về cả tỷ đồng mỗi năm.

“Tôi thấy những cây trầu không mọc rất nhiều tại khu vườn bỏ không của gia đình, tôi đã nghĩ đến việc làm nước súc miệng. Do chưa có điều kiện, tôi sử dụng 2 chiếc nồi áp suất cũ để làm nhưng không thành công. Sau hàng trăm lần thử nghiệm, cuối cùng, tôi cũng làm thành công nước súc miệng để bán ra thị trường”, chị chia sẻ.

Những chiếc chai nhựa đơn giản đóng nước súc miệng trầu không bắt đầu được bán ra. Số lượng đơn chưa nhiều nhưng cũng là động lực để chị nghiên cứu và phát triển tiếp các sản phẩm từ thiên nhiên của mình.

Sau này, chị lại nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm nước lá ổi có tác dụng làm đẹp da. Nguyên liệu để làm ra sản phẩm này được lấy từ những cây ổi mọc hoang trong vườn.

Khu vườn tía tô chị đi hái vế để làm các sản phẩm chăm sóc da mặt.

Đến nay, chị đã sản xuất được rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Chị chia thành 2 dòng sản phẩm chính, với tiêu chí cốt lõi: sử dụng nguyên liệu an toàn tại địa phương, tập trung vào nông sản bản địa, sản phẩm đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh-tiêu dùng xanh. Đó là các sản phẩm nước cất thảo mộc: nước cất trầu không, lá ổi, tía tô, trà xanh, hoa bưởi…; các sản phẩm lên men từ vải thiều Lục Ngạn: nước tẩy rửa đa năng, nước gội đầu bồ kết lên men.

Tính tất cả các loại, mỗi tháng chị bán ra khoảng 800-1000 sản phẩm. “Có những thời điểm ngày lễ, Tết nhu cầu biếu tặng tăng cao, các sản phẩm bên tôi sản xuất chủ yếu hướng tới chị em phụ nữ nên những thời điểm như tháng 3, tháng 10 thường phải tăng ca sản xuất để kịp gửi hàng”, chị Hoàn chia sẻ.

Với sức bán như hiện tại, chị tính doanh thu trung bình đạt khoảng 80-100 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm và chính mùa có thể hơn.

Theo chị, khu vườn trồng tía tô này phát triển theo hướng tự nhiên, không sử dụng phân thuốc hóa học.

Hoa bưởi cũng là một nguyên liệu chị sử dụng để làm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Năm nay, chị cho biết kinh tế đang trên đà đi xuống nên sức tiêu thụ cũng giảm, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và có yêu cầu cao hơn khi lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, chị và đội ngũ của mình vẫn tiếp tục kiên trì và học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, không ngừng cải tiến và hoàn thiện sản phẩm về chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn kiểm định, để giữ vững chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Chia sẻ thêm về dự định phát triển dự án khởi nghiệp trong tương lai, chị Trần Hoàn nói: “Thực tế, tôi có mục tiêu lớn nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn từ cây vải thiều Lục Ngạn, gắn việc trồng vải thiều với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đích đến cuối cùng là muốn góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững tại quê hương Lục Ngạn. Chính vì thế, đội ngũ chúng tôi phát triển các sản phẩm chủ đạo là các sản phẩm lên men từ vải thiều, bao gồm: nước tẩy rửa đa năng, nước gội đầu bồ kết lên men và sản phẩm rỉ mật vải thiều…”.

Với dự án khởi nghiệp này, chị Trần Hoàn đã tham dự và đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bắc Giang và được khen thưởng danh hiệu thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới sản xuất nâng cao chất lượng trong năm 2023.

NGUYỄN THƠM
(Tạp chí Người đưa tin)