Chuyện khởi nghiệp của CEO 8X: Bán khóa điện tử ở Việt Nam chẳng khác gì việc mang giày sang châu Phi bán
“Người dân vẫn giữ thói quen dùng khóa cơ khiến việc mở rộng thị trường không dễ dàng chút nào. Điều này cũng tương tự việc mang giày sang châu Phi bán trong khi người dân chưa có thói quen đi giày”, ông Hoàng Tuấn Anh – CEO khóa điện tử PHGLock nhớ lại câu chuyện khởi nghiệp từ 8 năm trước.
Du học và tập tành kinh doanh từ nhỏ trên đất Úc, khi mới 25 tuổi, Hoàng Tuấn Anh đã kiếm được cả triệu đô la Úc. Thế nhưng, anh vẫn quyết tâm bỏ hết để về Việt Nam lập nghiệp với sản phẩm khóa vân tay điện tử.
Năm 2010, doanh nhân 8X này thành lập Công ty Vũ Trụ Xanh – chuyên cung cấp khóa cửa vân tay PHGLock, phân phối độc quyền từ Úc. Chặng đường khởi nghiệp với khóa điện tử bắt đầu từ đây.
Bán khóa điện tử khó như đi bán giày cho người chưa có thói quen đi giày
Mặc dù nói không dễ dàng nhưng trong nhiều năm qua, doanh thu của PHGLock luôn đạt con số hàng trăm tỉ đồng/năm.
Tuấn Anh mở đầu câu chuyện bằng cụm từ “sản phẩm của chúng tôi giúp tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc để chúng ta có thể tập trung cho công việc và bên cạnh gia đình được nhiều hơn. Nhưng để đạt được điều này, hành trình đến với nó vô cùng gian khổ…”.
Tuấn Anh nhận thấy, thị trường khóa điện tử Việt Nam đang bị bỏ ngõ, chưa có tên tuổi nào nổi trội nên đây là cơ hội để tiếp cận. Nhiều nước trên thế giới tham gia vào thị trường này chủ yếu “ăn theo” sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo Tuấn Anh, chỉ riêng Tp.HCM đã có trên 2 triệu căn nhà chưa dùng khóa điện tử. Nếu mỗi nhà dùng một khóa điện tử giá thấp nhất 2 triệu đồng, thì tiềm năng thị trường này đã ở mức 4.000 tỉ đồng. Nếu tính trên cả nước thì quy mô thị trường không dưới 10.000 tỉ đồng.
Nếu tính cả phân khúc khách sạn, văn phòng cho thuê… sẽ thấy tiềm năng thị trường này rất lớn. Mặc dù nhìn thấy tiềm năng này, nhưng các nhà sản xuất khóa điện tử cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Hầu hết đều thăm dò thị trường qua các nhà phân phối. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá giữa các nhà phân phối để đạt mục tiêu doanh số.
Khi nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với khóa điện tử, chàng trai 8X đã gặp phải những thách thức không hề nhỏ thuở ban đầu.
Chiếc khóa cơ là vật khó thay thế trong các gia đình Việt thời điểm đó. Chính thói quen này là rào cản lớn khiến việc mở rộng thị trường của chàng trai 8X gặp khó khăn. Những ngày đầu tiếp thị sản phẩm, hàng loạt cửa hàng từ chối sản phẩm mới vì giá cao hơn khóa cơ. “Điều này cũng tương tự việc mang giày sang châu Phi bán trong khi người dân chưa có thói quen đi giày”, ông Hoàng Tuấn Anh giãi bày.
Đó cũng là quãng thời gian chàng trai này đi về giữa Việt Nam và Úc để chật vật xây dựng hệ thống. Thời điểm đó, khoá điện tử ứng dụng công nghệ 4.0 còn là cụm từ xa lạ với người tiêu dùng, có chăng chỉ được sử dụng ở những căn hộ, toà nhà cao cấp.
Kể về những ngày đầu, Tuấn Anh chia sẻ: Để đưa khóa điện tử vào Việt Nam, mình đã tự thân lặn lội đi nghiên cứu thị trường, đi đến các tỉnh xa, hang cùng, ngõ hẻm để tiếp thị và đo lường phản ứng về sản phẩm. Để tăng niềm tin cho các đại lý, mình sẵn sàng tặng, lắp đặt cho họ những bộ khóa mẫu và hướng dẫn để họ sử dụng trong ngôi nhà của mình.
Theo Tuấn Anh, Vũ Trụ Xanh ưu tiên tiếp cận các dự án nhà ở mới xây dựng. Vì định hướng phát triển lâu dài nên không chạy đua doanh số để lấy hợp đồng bằng được mà tập trung vào đầu tư cho kênh bán lẻ.
“Hồi đó, phát triển hệ thống bán lẻ ai cũng bảo tôi khùng. Vì khi phân phối sản phẩm nước ngoài, ít ai đầu tư tiền túi phát triển các đại lý “dùm” cho nhà sản xuất. Nếu có rắc rối trong khâu hợp tác, công sức mình đổ sông đổ biển mà nhà sản xuất tự dưng có sẵn thị trường”, Tuấn Anh kể lại. Nhưng chàng trai này vẫn quyết định xây dựng hệ thống bán lẻ để cạnh tranh trong dài hạn.
“Thời điểm đó phải tối giản chi phí, trực tiếp tham gia vào nhiều khâu, từ điều hành, xây dựng hệ thống phân phối, marketing đến bán hàng. Từng có lúc đôi lúc, tôi muốn bỏ cuộc, vì toàn bộ vốn liếng đều đổ vào Vũ Trụ Xanh, nhưng thành quả thì vẫn chưa có gì. Trước khi được như ngày hôm nay, tôi đã đổ vào công ty cỡ 30 căn nhà mặt tiền trong vòng 7 năm”, Tuấn Anh cười chia sẻ.
Kiên trì xây dựng nhiều năm, hiện nay Vũ Trụ Xanh đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ khóa vân tay tại Tp.HCM với hơn 300 đại lý và điểm bán trên khắp cả nước. Giai đoạn 2010-2015, doanh thu của Vũ Trụ Xanh chỉ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.
Trong năm 2016 và nửa đầu 2017, PHGLock liên tục trúng thầu lắp đặt hệ thống khóa điện tử cho rất nhiều dự án chung cư lớn trên khắp cả nước, có những dự án lên tới 5.000 căn hộ chung cư. Song song với việc đầu tư vào hệ thống bán lẻ đã giúp doanh số hàng năm của PHGLock tăng gấp đôi. “Thành quả là sau 8 năm, PHGLock đã có chỗ đứng, từ con số 0, dự kiến cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng/năm vào cuối năm nay, trong đó hơn 70% doanh thu đến từ kênh dự án bất động sản”, CEO PHGLock tự hào cho hay.
Theo vị CEO trẻ này, cách tiếp thị đặc biệt và chiến lược lấp đầy khoảng trống thị trường được xem là bí quyết tạo nên thành công bước đầu của PHGLock.
Tham vọng mở rộng thị trường công nghệ
Sau những thành công nhất định, PHGLock bắt đầu tiến sâu hơn trong lĩnh vực nhà thông minh. Giữa năm 2018, PHGLock ra mắt chuông cửa thông minh IC103W không dây, kết nối và điều khiển từ xa bằng điện thoại. Sản phẩm cho phép chủ căn hộ đứng ở trong nhà có thể thấy được bạn bè, người thân tới chơi, và mở cửa cho họ chỉ với một nút bấm. Với mức giá từ 3-4 triệu đồng, Hoàng Tuấn Anh tin tưởng, đây sẽ là sản phẩm tiếp theo mang về thắng lợi cho Vũ Trụ Xanh.
Ngoài ra, dự kiến đến năm 2020, nhà máy sản xuất chuông cửa thông minh đầu tiên tại Việt Nam do công ty mẹ của PHGLock (Tại Úc) đầu tư sẽ được xây dựng trên quỹ đất 5 ha cạnh KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Chánh) đã mua trước đó. Công suất nhà máy đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Mới đây, vị CEO này đồng hành cùng “Shark Tank Forum 2018” và mang đến cơ hội trải nghiệm sản phẩm 4.0 cho các diễn giả và khách mời.
Tại sự kiện, không nói về tham vọng mở rộng toàn cầu hay những con số triệu đô lợi nhuận, ông Tuấn Anh đơn giản gói gọn trong bốn chữ “tiết kiệm thời gian”.
Ông phân tích, thay vì lãng phí thời gian vì những rắc rối như để quên, đánh mất chìa khoá, di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác, chờ đợi để mở cửa, PHGLock có thể tận dụng thành quả công nghệ để điều khiển từ xa, bảo vệ căn nhà bằng thiết bị quan sát, đồng bộ hoá những thiết bị này để rút gọn thời gian, tối giản chi phí.
Trước thềm “Shark Tank” mùa 3, ông Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các phần thuyết trình gọi vốn của startup. Với sở trường về công nghệ, ông đặc biệt quan tâm đến các dự án trong lĩnh vực này, muốn tìm kiếm các startup tiềm năng đầu tư và hợp tác.
“Mười mấy năm khởi nghiệp là cũng chừng đó thời gian tôi hiểu được khó khăn của các bạn trẻ, doanh nghiệp startup. Khi có cơ hội về làm việc tại Việt Nam, tôi luôn muốn tạo môi trường cho startup được kinh doanh và phát triển”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Phương Nga – Trí thức trẻ