Chủ tịch Winsan: ‘Người sáng lập startup phải gắn bó với dự án đến cùng’
Nhận thấy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước rất ít, do đó bằng Tập đoàn Winsan, ông Phạm Văn Tam đưa ra mục tiêu thay đổi nền sản xuất Việt Nam.
Sau một tháng công bố thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan, ông Phạm Văn Tam – CEO tập đoàn – trả lời phỏng vấn VTC News xoay quanh hướng đi sắp tới của Winsan.
– Thưa ông, sau nửa tháng công bố thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan, hiện tập đoàn đã ổn định những điều cơ bản cần thiết chưa?
Chúng tôi đã có các tiêu chí rõ ràng để phát triển. Từ khi thông tin thành lập được công bố đến nay, công ty chúng tôi đã nhận khá nhiều dự án. Hàng ngày, khi có mail, hồ sơ gửi về công ty thì nhân viên sẽ rà soát và báo cho cấp lãnh đạo. Hiện tại, tập đoàn chúng tôi đang có một nhóm về pháp lý, một nhóm về kinh doanh. Đây đều là những người có kinh nghiệm có thể gọi là kỳ cựu, họ tiếp nhận các hồ sơ ấy. Nói chung, Tập đoàn đầu tư Winsan đã vào nhịp ổn định rồi. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Winsan sẽ hình thành hệ sinh thái sản xuất, phục vụ người có thu nhập thấp.
– Ông có thể chia sẻ cụ thể về cụm từ “phục vụ người thu nhập thấp” là thế nào không?
Có thể hiểu đơn giản rằng, tôi đưa những tiêu chí này để các bạn khởi nghiệp đưa ra những ý tưởng cho tôi. Đồng thời, tôi cũng muốn các bạn bớt “ảo tưởng” về vấn đề, về năng lực của bản thân khi muốn kêu gọi chúng tôi đầu tư. Vừa rồi, tập đoàn chúng tôi tổ chức gặp các bạn ở Hà Nội vào, các bạn này làm bên công nghệ wifi gắn trên các ti vi, điều hoà…
Tất cả đều được điều khiển trên một cái smart, dành cho những phòng độc lập, nó sẽ đo được nhiệt độ và báo về điên thoại. Lúc đầu, các bạn ấy định giá 3 tỷ đồng. Nhưng tôi nói rõ, cái giá đấy rất ảo và phân tích cho họ hiểu. Rõ ràng các bạn ấy không phải làm cho tôi hay làm cho ai, mà chính là làm cho người tiêu dung. Do đó, tôi muốn gắn kết chính các bạn khởi nghiệp đó phải đi theo sản phẩm khi bán ra thị trường, các bạn ấy sẽ được hưởng những lợi nhuận từ sản phẩm. Lúc đó, sản phẩm đến với người dân sẽ được giảm giá thành đáng kể.
Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Winsan.
Tôi tính cho các bạn ấy một bài toán đơn giản, nếu tôi mua công nghệ của các bạn ấy 2-3 tỷ đồng. Nhưng khi mua xong thì các bạn ấy sẽ “biến mất”, các bạn cầm tiền đi làm việc khác và không có trách nhiệm về dự án đấy nữa. Nếu như vậy tôi mua làm gì, không bao giờ. Bây giờ, nếu sử dụng công nghệ đó vào sản phẩm của tôi đang có hệ sinh thái rồi, nếu các bạn áp dụng được thì giá trị sản phẩm sẽ tăng lên đối với người dùng.
Lúc này, phần chênh lệch lợi nhuận trên giá trị đó các bạn sẽ được hưởng. Điều này chính là đồng hành cùng nhau, họ áp dụng công nghệ vào sản phẩm và họ phải có trách nhiệm cho sản phẩm của mình. Nếu xảy ra sự cố, các bạn phải là người đi tìm hiểu để làm sao áp dụng càng phổ thông nhiều càng tốt, càng rẻ càng tốt để bán với số lượng càng nhiều thì họ càng được hưởng lợi nhuận cao. Thay vì các bạn bán một lần xong ngồi chơi tiêu tiền, rồi tiền cũng hết. Thì ở đây, các bạn sẽ cùng với chúng tôi theo được lộ trình nhiều năm và theo các năm họ vẫn có nguồn thu.
– Lý do ông quyết định thành lập hệ sinh thái này là gì?
Lý do ban đầu là tôi thấy bản chất ở Việt Nam mình ít sự gắn kết với nhau, cả việc to hay việc nhỏ hầu như không có sự gắn kết, luôn có sự biệt lập. Kể cả giữa 2 doanh nghiệp cùng một dãy số cũng có thể dìm nhau, có thể cạnh tranh nhau, nói xấu nhau.
Ở nước ngoài, họ hỗ trợ nhau rất tốt, họ bảo vệ nhau. Chẳng hạn, khi có cá nhân hay tập thể phát sinh ra nền tảng gì là các nền tảng khác cùng theo, học-làm theo thì họ cùng sống với nhau trên đó và tạo nên một cộng đồng rất lớn.
Nhưng tôi thấy Việt Nam mình hầu như không có việc đấy, thói quen này vô tình đã tạo ra khoảng 70-80% dân Việt Nam còn rất nghèo. Do đó, tiêu chí tôi đưa ra cuối cùng là phục vụ cho đối tượng nghèo, đối tượng bình dân. Tôi hy vọng mọi người cùng thay đổi tư duy trong nền sản xuất Việt Nam.
Để làm được điều này, điều cần thiết là các doanh nghiệp nhỏ được chúng tôi đồng hành phải bớt ảo tưởng. Khi bắt đầu kết hợp với chúng tôi hay một tập đoàn nào khác thì phải xác định rõ ràng là đi một đường dài mới đạt được thành quả, chứ không phải muốn vào là hái được trái ngọt ngay, điều đó không thể.
– Từ thời điểm công bố thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan đến nay, tập đoàn đã chung tay cụ thể vào khoảng bao nhiêu doanh nghiệp startup?
Trong vòng một tháng kể từ ngày công bố thành lập, hiện đã có 3 startup chính thức hỗ trợ chúng tôi và được chúng tôi hỗ trợ lại. Mục tiêu của tôi trong năm 2021, Winsan phải đồng hành được tối thiểu 50 doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm trong hệ sinh thái của Asanzo thì sẽ sống cùng. Còn doanh nghiệp nào muốn Winsan đầu tư, thay vì tôi thâu tóm thì lúc đấy chúng tôi giữ lại cốt lõi công ty chuyên đầu tư. Winsan sẽ đầu tư vào đấy và lấy cổ phần, chúng tôi không mua đứt.
– Có thể thấy trước đây ông đã tiếp cận người thu nhập thấp khá thành công. Vậy hiện tại, với Winsan, ông vẫn giữ chiến lược này chứ?
Thật ra, hiện nay bên cạnh người dùng nông thôn, nhiều người lao động, công nhân viên chức thu nhập trung bình tại thành thị cũng mong muốn tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhưng không có nhiều lựa chọn. Do đó, tôi vẫn giữ chiến lược như trước đây, không từ bỏ phân khúc bình dân vì tiềm năng ở nông thôn lẫn thành thị đều rất lớn. Nếu có thay đổi thì cũng chỉ là trong bước ngoặt mới này, các sản phẩm ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn. Ngoài giá rẻ, tôi muốn người dùng có cơ hội tiếp cận những cải tiến hiện đại trên thế giới để không dậm chân tại chỗ và bị bỏ lại phía sau.
Để tiếp tục mục tiêu này, tôi sẽ tận dụng dây chuyển sản xuất từ các nhà xưởng trước đó. Không giống với các “ông lớn” trên thế giới, luôn tập trung nghiên cứu những tính năng mới nhằm giành vị thế độc tôn sáng tạo và đẩy giá thành sản phẩm lên cao, Winsan sẽ thu gom công nghệ hiện đại, tối giản sản phẩm, tránh nhiều chi tiết để có giá thành tiết kiệm. Đây là điều người thu nhập thấp cần.
– Như ông từng nói, Winsan sẽ là “một chiếc bơm trợ lực” cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng bị hạn chế tài chính, vậy cách trợ lực của Winsan là đôi bên cùng có lợi hay chỉ đơn giản giúp đỡ các bạn startup?
Tất nhiên cách làm của Winsan là đôi bên đều có lợi, sẽ được thực hiện trên tiêu chí win-win. Thay vì chúng tôi đứng vai trò là một ngân hàng cho vay lãi, thì chúng tôi cho vay và chỉ cần kiểm tra sổ sách họ có thế chấp, có nhà là chúng tôi cho vay.
Thường thì những người khởi nghiệp thì không có tiền để mua nhà chứ chưa nói đến chuyện khởi nghiệp. Nếu trước khi khởi nghiệp mà có tiền mua nhà rồi thì cái đó không phải là khởi nghiệp.
Một bài toán cứ luẩn quẩn như vậy, tôi hiểu rất rõ vì tôi cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ, từng là một người ở quê lên nên tôi hiểu các vấn đề thiếu thốn của những doanh nghiệp nhỏ họ cần.
Tuy nhiên, mình phải dành thời gian cùng với họ thì mình mới dám tự tin việc mình đầu tư cho họ chứ không phải là bỏ mặc họ. Như vậy gần như là đầu tư mạo hiểm, vung tiền quá trán, như vậy không được.
Mục tiêu của chúng tôi là đầu tư trước hết phải có cổ phần, chứ không phải bỏ tiền không được. Khi có cổ phần thì chúng tôi phải có trách nhiệm thì mới gọi là cùng song hành. Nếu mượn tiền của tôi mà các bạn không có trách nhiệm, các bạn mượn theo lãi suất xong bạn trả tiền. Cái đó chỉ là cho các bạn mượn thôi, tôi không kinh doanh. Hiện tôi đang làm dự án đầu tư máy lọc nước ở Củ Chi (TP.HCM) cho một bạn khởi nghiệp làm về sản xuất gia công máy lọc nước. Bạn ấy loay hoay làm 10 năm nay tuy nhiên không lớn nổi, vốn trong tay cũng chỉ 2-3 tỷ đồng.
Bây giờ, tôi vào quyết định trao đổi để thay đổi. Trước mắt tôi đưa ý tưởng, sau đó nhân viên của tôi bắt đầu thực hiện, set-up lại khâu sản xuất, bộ phận quyết toán sẽ set-up lại số hoá đưa vào phần mềm quản lý, còn quản trị của doanh nghiệp cần phải làm như thế nào để theo dõi chặt. Ở đây các bạn khởi nghiệp đều có lợi khi kết hợp với Winsan. Bản thân tôi không phải một người bỏ tiền đi cho vay mà là cùng hợp tác, kinh doanh.
– Ở thời điểm hiện tại, ông có đặt mục tiêu cho con đường phát triển của Winsan?
Tôi muốn Winsan đầu tư trong vòng 2 năm và đạt được tối thiểu có trong tay 100 doanh nghiệp là cổ đông hoặc 100 doanh nghiệp lớn, hoặc họ trở thành một công ty con của Winsan. Đó là mong muốn của tôi. Để xây dựng được điều đó thì anh em đội ngũ cũng đã chuẩn bị, cứ thiếu đến đâu thì mình bổ sung đến đấy.Winsan sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để phát triển với vai trò làm cổ đông.
Tôi nghĩ, mô hình này các doanh nghiệp nhỏ hiện đang rất cần, bản thân tôi xuất phát từ doanh nghiệp nhỏ nên tôi hiểu thời điểm áp lực cao nhất. Khi mình cần, chỉ cần có ai vào cổ phần với mình là mình bàn giao luôn. Tôi chỉ cần làm thuê để mà hình thành dự án của tôi thôi. Tôi biết được điều khát khao nhất của các bạn khởi nghiệp, vì chính tôi cũng từng là người khởi nghiệp.
Theo VTC