Mới đây, ông N.T.Bình – đại diện của chuỗi khách sạn BIZU tại TP.HCM đã có loạt thông tin phản ánh việc khách sạn này không thể liên lạc với phía OYO Việt Nam để giải quyết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngày 20/12/2019 , ông N.T. Bình có ký hợp đồng giao khách sạn đang kinh doanh cho Công ty OYO, vốn được quảng cáo là  “Chuỗi khách sạn lớn thứ 2 thế giới “. Theo chia sẻ của ông Bình, ngày 9/1/2020, đại diện quản lý khách sạn OYO được bàn giao vận hành khách sạn. Bảng hiệu khách sạn được đổi thành C.O (Capital O) BIZU. Tuy nhiên từ ngày 17/1đến 13/2/2020, quản lý OYO nghỉ việc không thông báo trước, lễ tân các ca không đầy đủ. Khách hàng đang ở không được phục vụ chu đáo.

Đến ngày 13/2/2020, do không được phân công, hướng dẫn công việc và không có quản lý, toàn bộ nhân sự hiện đang làm việc tại C.O (Capital O) BIZU đồng loạt nghỉ việc. Khách hàng hiện đang cư trú tại đây không được OYO thông báo cũng như bố trí hỗ trợ dịch vụ. Mặc dù C.O (Capital O) BIZU đã đóng tuy nhiên, ngày 21/2/2020 thông tin khách đặt phòng đã thanh toán vẫn được hệ thống OYO chuyển xuống cho khách sạn.

Đại diện BIZU đã nhiều lần gửi email/tống đạt công văn tại văn phòng cho đích danh ông Dushyant Dwibedy (Giám đốc ủy quyền ký hợp đồng) và bà Đào Thị Bích Trâm sinh năm 1994 (đại diện pháp luật Công ty OYO TECHNOLOGY& HOSPITALITY (Vietnam). Tuy nhiên đến nay, ông N.T.B cho biết, phía vẫn không được phản hồi từ một trong hai và cũng không được nhân viên OYO hỗ trợ cho số contact trực tiếp hai vị đại diện này.

Trong báo cáo năm tài chính 2019, công ty khởi nghiệp OYO đã công bố doanh thu đạt 951 triệu USD nhưng khoảng lỗ của startup này cũng lên đến 335 triệu USD. OYO cũng cam kết cắt giảm chi tiêu sau thời gian mở rộng mạnh mẽ.

Trong khoảng thời gian gần đây, sự bùng phát của Virus corona đã khiến một số khách sạn phải đóng cửa. Không chỉ vậy, Aditya Ghosh, người từng là giám đốc điều hành và hiện là thành viên hội đồng quản trị cũng cho biết OYO sẽ ngưng hợp tác với nhiều khách sạn. Ông cũng nói rằng, OYO hiện không tìm cách mở rộng sang bất kỳ thị trường mới nào.

Oyo đã bắt đầu ngưng vận hành những khách sạn không hiệu quả ở một số thị trường, bao gồm cả Ấn Độ, nơi hãng đã rút khỏi khoảng 200 thành phố.

Đây được xem như động thái siết chặt của các quỹ đầu tư vào kỳ lân tỷ đô này nhất là sau thương vụ IPO của Wework không thành.

Quỹ Vision Fund của SoftBank bắt đầu siết chặt các khoản đầu tư trong đó có OYO. Quỹ Vision Fund của SoftBank đã đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD vào Oyo, đưa định giá của startup lên con số 10 tỉ USD. Trong số các nhà đầu tư lớn chống lưng Oyo còn có thể kể đến Airbnb Inc., Sequoia Capital và Lightspeed Venture Partners.

Động thái gần đây nhất là việc Vision Fund yêu cầu OYO chấm dứt những hợp đồng với các đối tác kinh doanh không hiệu quả, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành. Cụ thể, startup này thực hiện sa thải 5% trong tổng số 12.000 nhân sự tại Trung Quốc với một phần lí do đến từ hoạt động thiếu hiệu quả, trong khi đó cùng thời điểm thực hiện sa thải 10% trong tổng số 10.000 nhân sự tại Ấn Độ. Oyo cũng lên kế hoạch sẽ cắt giảm thêm 1.200 định biên ở Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng tới, nguồn tin nói thêm. Oyo đang trải qua quá trình tái cơ cấu và tinh gọn lực lượng ở hai thị trường này.

PV