Thay vì trồng trong lu hay khạp, chị Nhung lại trồng giá đậu trong bồn nhựa, bật điều hòa, phun sương làm mát, cách làm này giúp chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất giá đỗ của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (36 tuổi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ) xuất ra thị trường khoảng 1,5-3 tấn giá thành phẩm. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị “bỏ túi” từ 200 đến 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về lý do khởi nghiệp với giá đậu, chị Nhung cho biết, 10 năm trước, chị nối nghiệp nghề làm giá đậu của mẹ. Thời điểm đó, gia đình vẫn chỉ sản xuất theo phương pháp ủ giá trong lu. Áp dụng cách làm truyền thống đem lại hiệu quả và lợi nhuận không cao nên khoảng năm 2017, chị Nhung có ý tưởng đưa công nghệ vào việc sản xuất giá đậu.


Chị Hồng Nhung mạnh dạn đầu tư nhà xưởng 135m2, lắp đặt 64 bồn nhựa ủ đậu (Ảnh: Bảo Kỳ).

“Việc sản xuất giá theo kiểu truyền thống quá rườm rà và phức tạp, tốn nhiều diện tích, công chăm sóc, hơn nữa lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng mưa thất thường cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của giá đậu thành phẩm”, chủ cơ sở cho hay.

Từ những trăn trở đó, chị Nhung đã lên mạng tra cứu, tìm hiểu về các mô hình hình làm giá đậu theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Theo phương pháp này, 15 kg đậu chị có thể thu hoạch được khoảng 150kg giá đậu chỉ trong 4 ngày ngâm bồn, tiết kiệm được nhân công và rút ngắn thời gian sản xuất…

Để trồng giá trong bồn đạt hiệu quả, chị Nhung xây nhà xưởng gắn vòi nước, điều hòa, hệ thống phun sương. Nói về lý do trồng giá trong phòng máy lạnh, chủ cơ sở giải thích: “Do công suất bồn hoạt động khoảng 1.000W, tỏa nhiệt nhiều nên tôi bật điều hòa 24/24, nếu thời tiết ở bên ngoài quá nóng tôi phải bật thêm máy phun sương. Lúc đầu khó khăn lắm vì không biết quản lý nhiệt độ và lượng nước nên cũng thất thoát. Đến khoảng 6 tháng sau, tôi đã vận hành trơn tru hệ thống”.


Ưu điểm của giá trồng trong bồn là phát triển đồng đều từ rễ tới ngọn, mầm giá mọc cùng chiều nhau nên hạn chế thất thoát sau khi thu hoạch (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để sản xuất giá đạt hiệu quả, đậu được chọn là đậu đen, ngâm 3-4 tiếng. Nếu ủ trong lu thì chỉ được khoảng 1,5 kg đậu; còn ủ trong bồn thì có thể làm tới 15 kg đậu. Chị Nhung ủ hạt bằng cách cứ rải một lớp đậu thì lót một lớp đệm để đậu thông thoáng, mỗi ngày tưới nước 4 lần, 3-4 tiếng sau thì xả nước.

Toàn bộ khâu tưới nước, chị sử dụng hệ thống vòi hoa sen; mỗi bồn ủ đậu đều gắn van xả nước nên việc sản xuất giá rất nhẹ nhàng.

Theo chị Nhung, hiện cơ sở kinh doanh hai mặt hàng giá ướt và giá khô với giá dao động từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg. Giá ướt được trồng trong bồn phân phối ở các chợ, hàng quán, còn giá khô được trồng trong lu, chủ yếu cung cấp cho chuỗi Bách Hóa Xanh, cửa hàng nông sản sạch ở Cần Thơ.


Theo phương pháp này, 15 kg đậu chỉ có thể thu hoạch được khoảng 150kg giá đậu chỉ trong 4 ngày ngâm bồn, tiết kiệm được nhân công và rút ngắn thời gian sản xuất… (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ngoài ra, chị Nhung còn 4 chi nhánh sản xuất giá sạch ở Phú Quốc, Thới Lai, Cờ Đỏ, Bình Dương. Trừ hết chi phí, bình quân mỗi năm chị Nhung bỏ túi khoảng 300 triệu đồng.

“Trước dịch, mỗi ngày cơ sở cung cấp khoảng 3 tấn giá nhưng hiện tại do dịch bệnh sản lượng giảm phân nửa. Giá cả tôi vẫn giữ bình ổn để khách hàng tiếp cận dễ dàng, lợi nhuận ít lại nhưng vì chung tay cùng cộng đồng chống dịch nên tôi rất sẵn lòng”, chị Nhung nói thêm.

Cơ sở của chị Nhung đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 triệu đồng/người, hỗ trợ bảo hiểm y tế, bao ăn trưa.


Song song sản xuất giá đậu bồn, chị vẫn duy trì sản xuất giá truyền thống trong lu sành nhỏ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Là nhân công tại xưởng, anh Võ Tuấn Anh (25 tuổi) chia sẻ, trước dịch anh làm công nhân ở Bình Dương, khi bùng dịch bệnh, anh về quê tìm công việc khác xoay sở.

“Trong hơn 2 tháng qua, có được công việc này tôi mừng lắm. Công việc tại cơ sở không quá cực nhọc, mức lương 6 triệu đồng/tháng và làm gần nhà nữa nên tôi cũng có dư dả chút ít”, anh Tuấn Anh vui vẻ nói.

Mô hình sản xuất giá sạch của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung được đánh giá là hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe. Hiện, chị Nhung đang làm hồ sơ chứng nhận OCOP cho giá sạch, hướng đến phổ biến rộng rãi tại các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ở Cần Thơ và các tỉnh.

Bà Võ Kim Thoa – Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ cho biết, mô hình khởi nghiệp của chị Hồng Nhung được Hội liên hiệp phụ nữ Cần Thơ đánh giá cao khi tạo được sản phẩm giá sạch theo công nghệ mới, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

“Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ đều tổ chức phiên chợ Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và cơ sở của chị Hồng Nhung đều có tham gia, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Phía chị Hồng Nhung luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật cho các chị em phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp trồng giá sạch như chị ấy”, bà Kim Thoa nói thêm.

THEO BẢO KỲ
(Báo Dân trí)