Chàng trai 29 tuổi giành giải nhất Techfest 2017
Là starup xuất sắc vượt qua hơn 300 doanh nghiệp trong những cuộc thi của các làng công nghệ và Techfest vùng để giành giải nhất trong cuộc thi chung kết “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2017”. Chủ nhân giải nhất được tham dự Diễn đàn Khởi nghiệp tại Mỹ và nhiều phần thưởng khác.
Anh Lê Hoàng Nhật, giám đốc, đồng sáng lập AMI chia sẻ rất vui mừng và bất ngờ khi nhận được giải thưởng này. Được ghi nhận như thế này là một động lực tuyệt vời cho nhóm tiếp tục phát triển. “Thời gian tới, nhóm sẽ đăng ký bảo hộ trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm ở trong nước và quốc tế”, anh Nhật nói.
Xin chào Nhật, Nhật có thể giới thiệu rõ hơn về thiết bị đo điện thông minh mà bạn vừa đạt giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2017” năm 2017?
Sản phẩm mang tới cuộc thi lần này là ứng dụng dành cho thành phố thông minh, trong đó hệ thống sẽ giúp cho quản lý cư dân, quản lý lưu trú, quản lý năng lượng (cụ thể là về điện).
Đây là thiết bị mà nhóm AMI phát triển và thiết kế trong 1 năm qua, thiết bị này có thể đo điện và gửi lên trên internet để mình có thể giám sát số liệu bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và bất cứ thời điểm nào. Mình biết được ngày hôm qua mình dùng bao nhiệu điện và thiết bị giúp mình dự đoán đến cuối tháng sẽ tiêu tốn bao nhiêu để mình có thể thay đổi thói quen và tiết kiệm điện hơn.
Cụ thể thì nó sẽ giúp mình giám sát, tiêu thụ điện như thế nào?
Ví dụ như là mình muốn coi hiện tại mình đang dùng bao nhiêu KW điện, hoặc từ đầu tháng tới giờ mình đã tiêu tốn bao KW rồi; thứ 2 là mình có thể coi được ngày hôm qua cụ thể giờ nào, lúc nào mình dùng điện như thế nào, mình có dùng quá nhiều hay không? Ngoài ra mình cũng có thể tắt mở từ xa được thông qua app trên điện thoại và chỉ cần kết nối Internet.
Có nghĩa là để sử dụng thiết bị điện tử thông minh này thì chúng ta sẽ phải kết nối Internet qua một app, cụ thể như trên điện thoại hay máy tính được không? Bạn có thể cho chúng tôi biết rõ hơn điều này?
App thì mình phát triển luôn tên là AMI, trên điện thoại nó sẽ báo cho mình biết là điện năng như thế nào và có thể coi là dòng điện của mình ra sao, nó có thể tính số tiền điện cho mình vào trong ngày hoặc cuối tháng.
Với việc mình có thể kiểm soát được dòng điện 2 phút một lần và liên tục như vậy, nhóm dự tính sẽ phát triển những tính năng về trí tuệ nhân tạo trong tương lai giống như “một người quản gia”, có nghĩa là nó có thể đề xuất cho mình dùng điện tiết kiệm hơn, ví dụ khi mình bật máy lạnh 2 tiếng mà thiết bị thấy thời tiết bên ngoài đang dễ chịu sẽ tự đề xuất cho mình nên tắt điều hòa đi, để tiết kiệm.
Ngoài ra, thiết bị có thể báo cáo mình dùng điều hòa nhiều như thế nào hoặc là mình dùng các thiết bị khác như thế nào. Trong trường hợp quên tắt điện thiết bị sẽ nhắc mình có phải bạn quên tắt điện hay không và mình có thể tắt mở từ xa được.
Hiện tại thì những thiết bị này sẽ được ứng dụng trong những môi trường cụ thể như thế nào?
Nhóm rất muốn triển khai thiết bị điện này ở mức độ vĩ mô, tức là triển khai ở tất cả các ngôi nhà trên toàn quốc, nhóm có thể cho một hộ bí mật biết được họ đang dùng điện nhiều hay là ít hay để so sánh như thế nào với lại các hộ gia đình xung quanh. Cách này giúp cho thành phố biết được cách tiết kiệm điện tốt hơn có thể giảm từ 1 đến 5% mức độ dòng điện, thứ 2 là tiết kiệm rất là nhiều nguồn lực về tài nguyên, giúp đỡ môi trường rất là nhiều trong việc biến đổi khí hậu.
Hiện nay thiết bị được các bạn ứng dụng ở những ngôi nhà hay những đâu?
Hiện tại nhóm đang có một thiết bị mẫu đang chạy ở nhà ăn của nhóm trong vòng 6 tháng và chạy khá là ổn định, mức độ sai số chỉ có 1%, trong giới hạn chấp nhận được so với mức độ của dân dụng là khoảng 2%.
Bạn có thể chia sẻ về dự định của nhóm cũng như hướng hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm trong tương lai?
Hiện tại sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiên nghiên cứu, trong năm sau sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ trí tuệ và thương mại hóa.
Đặc biệt, trong 2 ngày diễn ra Techfest 2017 đã có nhiều đối tác có quan tâm, có cả đối tác nước ngoài muốn hỗ trợ để nhóm có thể tiếp cận nguồn vốn và triển khai thương mại hóa sản phẩm. Hiện nay nhóm tính nguồn vốn dành cho thương mại hóa sẽ ở tầm khá là cao, khoảng 4 tỉ có thể đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà có thể ở bên Singapore để tiến hành thiết kế công nghiệp, thương mại hóa và đăng ký chứng nhận sản phẩm của bên điện lực.
Về phía Nhà nước, bạn mong muốn được hỗ trợ như thế nào ?
Về mặt cá nhân nhóm chỉ muốn Chính phủ để ý, quan tâm, hiểu, hỗ trợ vì đối với một khởi nghiệp, vấn đề thời gian rất quan trọng. Bởi nếu có sự hỗ trợ cần nhanh và kịp thời sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc nghiên cứu và triển khai sản phẩm, thời gian càng chậm các công ty Startup sẽ càng khó khăn và sẽ dễ bị thoát ly thị trường vì công nghệ thay đổi rất nhanh.
Xin cảm ơn!
Minh Hạnh – Báo Lao động