Chàng trai 24 tuổi khởi nghiệp với chè shan tuyết cổ thụ, giúp dân bản thoát nghèo
Lý Văn Minh, 24 tuổi, dân tộc Dao ở Bắc Hà, Lào Cai thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Tả Củ Tỷ (gọi tắt là HTX) liên kết với 400 hộ dân phát triển cây chè cổ thụ, mang lại thu nhập cao cho người dân. HTX mới đi vào hoạt động hơn 1 năm đã giúp 6 hộ dân thoát nghèo.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Lý Văn Minh luôn khao khát lập nghiệp tại quê hương. Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, anh nhận thấy chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm là tài sản quý, cần được khai thác, nâng cao giá trị. Năm 2021, Minh cùng 7 thanh niên đầu tư 700 triệu đồng thành lập HTX sản xuất, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu “Trà shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ”.
Tả Củ Tỷ là tên một xã ở Bắc Hà, quê hương của Lý Văn Minh. Khu vực này nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển. Nơi đây có khoảng 150 héc ta chè, 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, mọc tự nhiên trong rừng.
Lý Văn Minh hái chè shan tuyết cổ thụ
“Cây chè cổ thụ hấp thụ những tinh hoa từ đất trời, từ những giọt sương sớm còn đọng lại trên búp trà mơn mởn làm cho hương vị trà thêm đậm đà. Nước chè cổ thụ mang màu xanh sáng dịu đẹp mắt, khi uống cảm nhận được một chút vị đắng chát và ngọt sâu lắng, sau 2 – 3 nước vẫn giữ được nguyên hương vị tự nhiên”, Lý Văn Minh cho biết.
Những cây chè shan tuyết cổ thụ cao đến vài mét, có cây cao đến 5m, tán rộng 5m; đường kính một số cây 1,4m, hai người ôm mới xuể, rêu phong bao phủ. Chè mọc tự nhiên trong rừng, bám chặt vào núi đá, làm bạn quanh năm với mây mù.
Những cây chè trăm tuổi ở Tả Củ Tỷ
Giá trị của chè shan tuyết cổ thụ là rất lớn, nhưng người dân không biết kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sao khô nên chỉ thu hái chè búp tươi bán cho thương lái, giá trị rất thấp, dao động từ 13 đến 15 nghìn đồng/1kg.
Để tạo ra được sản phẩm chè chất lượng nhất, hương vị đặc trưng riêng của cây chè Tả Củ Tỷ, Minh đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chuyển giao cho người dân chăm sóc chè, đưa ra công thức hái đảm bảo chất lượng và được phân loại cẩn thận trước khi chế biến, áp dụng cách chăm sóc chè cổ thụ hoàn toàn hữu cơ để nâng cao giá trị. Đồng thời, sao chè bằng phương pháp thủ công giúp chè vẫn giữ nguyên được hương vị tự nhiên.
Cây chè cổ thụ cao hơn 5 mét, ước chừng khoảng 200 năm tuổi
Minh cho biết, trà cổ thụ shan tuyết sau khi sao khô được bán ra thị trường được chia thành loại hảo hạng bạch trà giá bán 5,2 triệu đồng/kg; loại bình thường bán 520 nghìn đồng/kg. Doanh thu mỗi năm của HTX hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20%. Hiện nay, các hộ dân liên kết với HTX đã chăm sóc chè cổ thụ theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học. Nhiều hộ thu nhập 20 đến 30 triệu đồng/năm từ chè.
Ông Lý Seo Hằng, một hộ trồng chè bán cho Minh cho hay: “Trước đây, có thời gian, chè không bán được hoặc bán với giá rẻ mạt. Giờ vui lắm rồi, chè hái được không phải đi bán đâu nữa, bán luôn tại bản, giá cả ổn định. Thành công này có được từ sự quyết tâm của cậu Minh”.
Với sự hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường của Tỉnh Đoàn Lào Cai, cùng với chất lượng, hương vị đặc trưng của mình, trà shan tuyết Tả Củ Tỷ đang chinh phục thị trường trong nước.
Dự án khởi nghiệp phát triển chè Shan tuyết của HTX lọt vào vòng bán kết cấp quốc gia cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Đoạt huy chương đồng Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh 2022” của tổ chức AEA tổ chức tại tỉnh Lào Cai.
HTX đã có nhà xưởng sản xuất 1.300m2, liên kết 400 hộ dân với diện tích 157,5 héc ta, sản lượng ước tính 1,2 tấn/ha/năm. Mục tiêu đến năm 2025, HTX phát triển diện tích chè lên trên 200 héc ta. Đồng thời, áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng, đạt các tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ và châu Âu hướng tới xuất khẩu.
THEO VIẾT HÀ
(Báo Tiền phong)