Chàng trai 20 tuổi làm giàu từ snack rong biển
Nhờ công thức hương vị riêng của mẹ, Tob đã sản xuất loại snack rong biển được yêu thích nhất Thái Lan và xuất khẩu đi 40 nước.
Ở tuổi 33, doanh nhân Itthipat Peeradechapan (thường được gọi là Tob) đang sở hữu khối tài sản trị giá 600 triệu USD và nằm trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan. Thương hiệu snack Taokaenoi do anh sáng lập năm 20 tuổi chiếm hơn 60% thị phần snack rong biển ở Thái Lan, xuất khẩu đi 40 nước và đạt doanh thu 167 triệu USD vào năm ngoái. Tuy nhiên ít ai biết ‘ông vua rong biển’ này từng khởi nghiệp với hai bàn tay trắng khi gia đình phá sản.
Cậu ấm chật vật mưu sinh sau khi gia đình phá sản
Sinh ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trong một gia đình khá giả, bố sở hữu công ty xây dựng nhỏ, Tob lớn lên trong nhung lụa và không phải lo nghĩ gì về vấn đề tiền bạc. Năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra, công ty xây dựng của bố Tob bị phá sản và gia đình anh đứng trước nguy cơ bị mất nhà ở vì nợ ngân hàng.
Trước hoàn cảnh đó, từ một cậu ấm suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào game, Tob tập tành kinh doanh bằng việc bán các trò chơi điện tử tại trường đại học và kiếm được 10.000 USD chỉ trong vòng một năm. Cuối năm nhất đại học, anh quyết định bỏ học để tập trung vào kinh doanh kiếm tiền phụ giúp gia đình trả các khoản nợ.
Trong một lần tham quan một hội chợ ẩm thực, Tob nảy ra ý tưởng bán hạt dẻ nướng. Anh trích ra 7.200 USD từ khoản tiền kiếm được trước đó để mở một ki-ốt bán hạt dẻ tại khu ăn uống trong một trung tâm thương mại.
Ban đầu không nhiều khách hàng để ý đến quầy hạt dẻ nướng của Tob. Trong lúc việc kinh doanh ế ẩm, mất sạch vốn liếng và Tob nghĩ đến việc dẹp tiệm để đi làm nhân viên phục vụ thì nhận được lời mời hợp tác với chuỗi siêu thị Tesco Lotus.
Tob kể: “Doanh số bán hàng tăng mạnh khi ki-ốt hạt dẻ được dời sang gần quầy thu ngân của siêu thị. Tôi nhận ra điều quan trọng nhất giúp doanh thu tăng vọt chính là nhờ vào địa điểm bán hàng”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, quầy bán hạt dẻ của Tob đã có mặt tại 30 địa điểm với 50 nhân viên và đạt mức doanh thu khoảng 87.000 USD mỗi tháng.
“Đó là khởi đầu không tệ với chàng thanh niên 19 tuổi như tôi”, Tob nói.
Tuy nhiên, sau đó chuỗi siêu thị Tesco Lotus có sự điều chỉnh, họ buộc các ki-ốt hạt dẻ nướng của Tob phải dời vào bãi giữ xe với lí do khói từ lò than làm đen trần nhà. Ví trí bán hàng mới không thu hút khách hàng, doanh số bán hàng lao dốc và Tob buộc phải tìm kiếm hình thức kinh doanh mới trước khi phá sản.
Tái khởi nghiệp với snack rong biển
Trong lúc đang loay hoay tìm hướng kinh doanh mới, Tob tình cờ được bạn gái mua tặng một bịch snack và anh đã nhận ra cơ hội kinh doanh của mình đã đến.
Tob nhớ lại: “Tôi đã yêu thích món snack rong biển ngay từ miếng đầu tiên. Rong biển được 20% dân số thế giới tiêu thụ. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng trong khi chưa được sản xuất đại trà tại Thái Lan”.
Tob quyết định sản xuất loại snack rong biển với tên thương hiệu Taokaenoi. Anh tìm đến các chuyên gia thuộc đại học Kasetsart và chính mẹ của mình để chế tạo ra hương vị riêng cho sản phẩm.
Tob cho biết: “Vị snack cay, mặn của Taokaenoi được dựa trên công thức của mẹ tôi”.
Sau khi có được công thức sản phẩm, Tob quyết định thanh lý toàn bộ các ki-ốt hạt dẻ và gom được 200.000 USD để mở nhà máy sản xuất snack rong biển vào năm 2006. Snack Taokaenoi ra mắt lần đầu tại một cửa hàng 7-Eleven nhưng không được khách hàng chú ý vì bị trưng bày ở vị trí xấu.
Rút kinh nghiệm từ vị trí đặt ki-ốt hạt dẻ, Tob đã thuyết phục người quản lý cửa hàng đưa những bịch snack rong biển ra gần quầy thu ngân. Nhờ đó số lượng bán ra tăng vọt, đến năm 2008 doanh thu của Taokaenoi đã lên đến con số 30 triệu USD. Snack rong biển Taokaenoi trở thành món ăn vặt được yêu thích của giới trẻ Thái Lan.
Thành công của snack rong biển Taokaenoi cũng kéo theo sự xuất hiện và cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự của các công ty đối thủ. Bên cạnh đó, tháng 11 năm 2011 Tob còn đối mặt với khó khăn lớn hơn khi lũ lụt xảy ra ở Bangkok đã nhấn chìm toàn bộ nhà máy gây thiệt hại nặng nề.
Tob chiêm nghiệm: “Đối với ngành công nghiệp thực phẩm nếu sản phẩm của bạn không được liên tục lên kệ, thì người tiêu dùng sẽ chọn cái khác và lãng quên bạn”.
Đó cũng chính là lí do khiến anh làm việc ngày đêm để khôi phục toàn bộ dây chuyển sản xuất sau 3 tháng xảy ra thiên tai. Tob tăng cường sản xuất, thực hiện các chiến dịch marketing để sản phẩm của công ty bị đối thủ thay thế dễ dàng.
Năm 2014, Taokaenoi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công và huy động được số vốn 42 triệu USD. Tob quyết định dùng 20 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất để xuất khẩu.
Tob cho biết: “Mục tiêu tiếp theo của Taokaenoi hướng đến sẽ là Mỹ, thị trường snack lớn nhất thế giới”.
Trước đó anh đã từng thành công khi đưa thương hiệu snack rong biển Taokaenoi chinh phục thị trường châu Á, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Taokaenoi đã vượt qua các đối thủ mạnh và lâu đời đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hiện Tob đang gấp rút nâng sản lượng sản xuất snack lên 12.000 tấn, đồng thời ra mắt thị trường nhiều dòng sản phẩm mới như rong biển tẩm vị tom yum hay wasabi. Kể từ khi IPO cổ phiếu của Taokaenoi đã tăng gấp 5 lần giúp Tob sở hữu khối tài sản lên đến 600 triệu USD.
Sơn Nam – Ngoisao.net