Chàng thanh niên Tày khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dúi ở miền núi Thái Nguyên
Trải qua nhiều mô hình chăn nuôi nhưng không mang lại hiệu quả, năm 2016, anh Ma Văn Khoa, người dân tộc Tày ở xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai đã nghiên cứu, tìm hiểu và chuyển sang nuôi dúi mang lại nguồn thu nhập tốt.
Trải lòng với PV Dân Việt, anh Khoa cho biết: Trước đây anh từng nuôi thỏ với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận thấy mô hình này không mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã chuyển sang làm nhiều công việc khác nhau.
Đến năm 2016, qua tìm hiểu và nghiên cứu, nhận thấy con dúi khá dễ nuôi, do đó, anh Khoa đã quyết định nuôi thử nghiệm vài con. Sau này khi thấy thị trường ưa chuộng, anh đã đi tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dúi ở một số nơi.
Đến năm 2020, anh chính thức phát triển và mở rộng quy mô nuôi dúi, thời điểm nhiều nhất anh có tới 700 con dúi trong chuồng. Con giống được anh mua từ Sơn La kết hợp với mua của bà con trong vùng sau đó nhân giống dần lên. Hiện anh Khoa đang nuôi hai loại dúi là dúi mốc và dúi má đào.
Sau khi tìm hiểu thấy dúi tương đối dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao nên anh Khoa đã quyết định phát triển mô hình này với quy mô lớn. Ảnh: Hà Thanh.
Theo anh Khoa, ưu điểm của con dúi đó là chủ yếu ăn thức ăn từ tự nhiên nên dễ kiếm, do đó chi phí không tốn kém. Khác với một số loại vật nuôi như lợn, gà chi phí thức ăn tương đối tốn kém. Hiện nay, thức ăn được anh Khoa dùng để chăn dúi chủ yếu là thân cây tre, nứa, cây mía và ngô hạt. Nguồn thức ăn này, gia đình anh có thể tự trồng nên hoàn toàn tự chủ được.
Dúi thường ăn 2 bữa/ngày vào buổi sáng và buổi tối với tỷ lệ rất ít. Lưu ý chỉ nên cho ăn tre bánh tẻ chứ không nên cho ăn tre non quá hoặc già quá vì nếu tre non quá sẽ khiến dúi bị tiêu chảy, còn già quá thì không có dinh dưỡng cho dúi.
Nguồn thức ăn của dúi tương đối dễ kiếm, chủ yếu từ tự nhiên như tre, nứa, mía.
Về cơ bản, con dúi dễ nuôi, ít rủi ro, không tốn quá nhiều công chăm sóc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Vì thế, ngoài nuôi dúi vẫn có thể tranh thủ thời gian hoặc kết hợp để làm những công việc khác. Trong trường hợp thị trường đầu ra không ổn định vẫn có thể duy trì với nguồn thức ăn sẵn có.
Vì dúi là loài vật nuôi hoang dã, có tập tính ngủ ngày ăn đêm nên khi mang về nuôi cần mất một quá trình để thuần hoá giúp chúng thích nghi với môi trường và nguồn thức ăn. Đối với con dúi mốc, thời gian từ lúc dúi sinh ra đến khi phối giống sinh sản khoảng 8 – 10 tháng. Đến thời kỳ dúi động dục sẽ có các biểu hiện như cào chuồng, kém ăn thì cho dúi vào ghép đôi để sinh sản.
Dúi là loài vật nuôi hoang dã, có tập tính ngủ ngày ăn đêm. Ảnh: Hà Thanh.
Đối với con dúi khi sống trong môi trường tự nhiên sẽ sinh sản theo mùa, nhưng khi đã được thuần hoá và nuôi trong chuồng thì việc sinh sản sẽ phụ thuộc vào thời điểm người nuôi ghép đôi cho chúng. Tuy nhiên cần chú ý hạn chế cho dúi sinh sản vào mùa nóng vì thời điểm này dúi dễ mắc bệnh.
Thời gian mang thai của dúi thường kéo dài từ 45 – 50 ngày, mỗi lứa sinh sản từ 2 – 4 con đối với dúi mốc và 4 – 6 con đối với dúi má đào, thậm chí có con mẹ đẻ từ 7 – 8 con. Tuy nhiên, dúi mốc lại đẻ nhiều lứa hơn, từ 3 – 4 lứa/năm, còn dúi má đào chỉ trung bình khoảng 2 lứa/năm. Sau khoảng thời gian từ 45 – 60 ngày khi dúi con ra đời, anh Khoa sẽ tiến hành tách dúi con khỏi mẹ, vì khi đó, dúi con đã có thể tự mình ăn được. Thời điểm đó cũng bắt đầu có thể bán con giống.
Một khó khăn trong quá trình sinh sản đó là dúi mẹ có thể sẽ ăn con hoặc cắn con. Do đó, để khắc phục tình trạng này cần thường xuyên tiếp xúc, mở thoáng khu vực chuồng trại để chúng trở nên gần gũi với con người hơn và hạn chế tối đa cho chuột vào khu vực chuồng nuôi khi dúi sinh con. Đồng thời, tạo môi trường để dúi không bị căng thẳng cũng như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho dúi trong quá trình chăn nuôi.
Dúi má đào có trọng lượng trung bình từ 3 – 4kg/con, có con lên tới 6kg. Ảnh: Hà Thanh.
Do sống trong môi trường tự nhiên nên dúi rất ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mắc một số bệnh như đau mắt do thay đổi môi trường sống và ánh sáng, và bệnh viêm phổi do thay đổi thời tiết, hoặc bị sốc nhiệt vào mùa nóng do chăn nuôi không đảm bảo. Khi dúi bị bệnh thì chỉ sử dụng những loại thuốc của các vật nuôi khác để điều trị chứ đến thời điểm này vẫn chưa có loại thuốc vắc xin nào phòng bệnh và kháng sinh đặc trị cho loại vật nuôi này.
Nhiệt độ thích hợp cho con dúi phát triển là từ 20 – 30oC. Do đó cần luôn đảm bảo mức nhiệt độ chuồng nuôi nằm trong ngưỡng này là tốt nhất. Khác với một số trại nuôi dúi sử dụng điều hoà để giảm nhiệt độ chuồng nuôi vào mùa nóng, còn anh Khoa lại sử dụng giàn mát.
Anh Khoa chia sẻ, anh chủ yếu bán con giống cho người chăn nuôi tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội với đầu ra ổn định. Hiện con giống đang được anh bán với giá 800.000đ/cặp đối với dúi mốc, còn dúi má đào sẽ được bán với giá 4 triệu đồng/cặp. Sau khi bán giống cho khách, anh Khoa còn thường xuyên trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật nuôi đến khi đảm bảo con giống phát triển tốt.
Bên cạnh đó, anh Khoa cũng bán thêm dúi thương phẩm trong trường hợp những con dúi già hoặc không gây được giống. Năm 2022, anh Khoa xuất bán được khoảng 100 đôi dúi mốc và 1,5 tạ dúi thịt thu về khoảng 100 triệu đồng tiền lãi.
THEO HÀ THANH – KIỀU HẢI
(Báo Dân Việt)