CFO Alabaster chia sẻ bài học quản trị tài chính và bán hàng online đúc kết từ phi vụ “tất tay” 7 triệu USD đổ cả vào quảng cáo online
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, thì có 2 vấn đề mà các startup cần quan tâm khi khởi nghiệp: sâu sát chuyện tài chính – xoay quanh 3 vấn đề doanh thu/chi phí/lợi nhuận và sử dụng công nghệ vào marketing – sale. Sau khi kêu gọi thành công vốn đầu tư 7 triệu USD cho dự án xe đạp Superstrata trong 3 tháng bất chấp Covid-19, công ty bà đã đổ cả vào marketing – sale online.
Bà Lê Diệp Kiều Trang – Nhà sáng lập Quỹ Alabaster kiêm Giám đốc tài chính Công ty công nghệ in 3D Arevo
Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ là một cặp đôi khởi nghiệp quen mặt không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ. Năm 2014, Kiều Trang đã nghỉ việc tại Tập đoàn McKinsey văn phòng Boston để về phụ trách mảng nhân sự – tài chính cho công ty Misfit Wearables của chồng.
Công ty khởi nghiệp về thiết bị đeo này sau đó được Fossil Group – tập đoàn chuyên về đồng hồ thời trang của Mỹ, mua lại với giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015. Sau khi bán công ty, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam.
Năm 2017, cả hai vợ chồng Kiều Trang chính thức rời Misfit Wearables – Fossil Group. Sau đó, Kiều Trang đã quyết định rẽ ngang, cô đầu quân cho Facebook Việt Nam và Go-Viet (tiền thân của Gojek Việt Nam), đều giữ chức vụ Giám đốc.
Tuy nhiên, ở cả hai doanh nghiệp đa quốc gia này, Kiều Trang đều đến nhanh và đi nhanh. Đặc biệt, sau khi rời Go-Viet, dường như cô nhận ra mình không thích hợp để đi “làm thuê” và quay về tiếp tục sát cánh khởi nghiệp cùng chồng. Lần này là với quỹ Alabaster – công ty Arevo, sản phẩm xe đạp sợi carbon Superstrata.
Arevo được sáng lập vào tháng 5/2013, bởi Hemant Bheda (hiện giữ ghế Chủ tịch) và Wiener Mondesir (Giám đốc công nghệ), là một công ty có trụ sở tại Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực khoa học vật liệu, phần mềm thiết kế và robot nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm sợi carbon quy mô lớn.
Quỹ Alabaster do ông Sonny Vũ làm đồng sáng lập. Sau khi rót vốn vào Arevo, ông Sonny Vũ giữ vai trò CEO của công ty này. Bà Kiều Trang cũng là Nhà sáng lập Quỹ Alabaster kiêm Giám đốc tài chính Công ty công nghệ in 3D Arevo.
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, có 2 vấn đề mà các startup cần quan tâm khi khởi nghiệp: sâu sát chuyện tài chính – xoay quanh 3 vấn đề doanh thu/chi phí/lợi nhuận và sử dụng công nghệ vào marketing – sale.
“Dù là người học hành bài bản về quản trị và tài chính, từng làm cho các công ty tài chính hàng đầu thế giới, song theo quan điểm của tôi, câu chuyện tài chính của các startup – nhất là startup trong các ngành sản xuất truyền thống cũng chỉ xoay quanh 3 vấn đề: doanh thu, chi phí và lợi nhuận.
Đây là chuyện mà kế toán không thể làm giúp bạn. Kế toán chỉ có nhiệm vụ sắp xếp lại dòng tiền của bạn một cách rõ ràng – chi tiết – khoa học; còn thúc đẩy doanh thu như thế nào, tiết giảm chi phí ra sao để mang lại lợi nhuận lớn nhất là câu chuyện của các founder”, bà Kiều Trang chia sẻ với các bạn trẻ khởi nghiệp ở Hội nghị Connect Mekong 2020.
Bà Kiều Trang cũng cho rằng, đây là việc không hề khó khăn, founder chỉ cần ngồi lại cộng tất cả các khoản thu, rồi cộng tất cả các khoản chi để làm ra doanh thu đó, lấy tổng thu trừ tổng chi là ra lợi nhuận. Tất nhiên, khi kinh doanh – sản xuất chúng ta phải có lợi nhuận mới có thể tái đầu tư mở rộng doanh nghiệp để ngày càng lớn hơn cũng như phát triển bền vững.
Thế nên, dự án khởi nghiệp nào không có bảng báo cáo tài chính, thì không phải là bởi nó quá khó để làm, mà chỉ bởi các founder – nhất là trong ngành sản xuất – nông sản đang đặt quá nhiều tâm trí cho sản phẩm mà quên quan tâm đến dòng tiền hoặc các khoảng đã thu/phải chi.
“Với các startup công nghệ chuyên đốt tiền để tăng trưởng, là kiểu biến tấu của các mô hình startup truyền thống, thì chung quy bảng báo cáo tài chính của họ cũng xoay quanh 3 chỉ số đó, chứ không thể khác“, bà Kiều Trang bình luận.
Bất chấp Covid-19, Arevo thành công gọi vốn 7 triệu USD cho dự án xe đạp in 3D Superstrata và đổ cả vào các chiến dịch marketing – sale online.
Ngoài vấn đề tài chính, chuyển đổi số hoặc sử dụng công nghệ vào kinh doanh/sản xuất, ví dụ như marketing – bán hàng cũng là một hoạt động bắt buộc mà các startup Việt Nam phải làm, bất kể bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nào.
Các startup đừng nghĩ quá to tát, chúng ta hãy cứ ứng dụng tất cả những công cụ – công nghệ hiện có trên thị trường. Chúng ta đã có smartphone thì hãy học làm sao marketing & bán hàng trên đó, không cần phải nghĩ rằng mình phải sáng tạo ra thêm một thiết bị nào khác mới để dùng.
Theo quan sát của bà Kiều Trang, các doanh nghiệp nội hoặc cửa hàng nhỏ trong mảng thời trang và mỹ phẩm đang hoạt động rất tốt trên các nền tảng online có thể dùng để bán hàng như Zalo hoặc Facebook. Có thể nói, các startup ở mảng phong cách sống đã đi trước mảng sản xuất/nông sản trong việc tiếp cận các nền tảng/công cụ công nghệ để bán hàng.
“Tuy nhiên, chậm một chút cũng không sao, vì rõ ràng mỹ phẩm hay thời trang còn khó bán hơn đặc sản/nông sản trên online mà họ có thể làm được thì chẳng có lý do gì các startup ở miền Tây như Đồng Tháp, Cần Thơ… lại không thành công. Rõ ràng, các startup tại miền Tây có thể kiểm soát được cả nguồn gốc – xuất xứ đầu vào sản phẩm của mình, còn các shop bán áo quần/mỹ phẩm thường không thể làm điều đó“, founder Quỹ Alabaster khẳng định.
Bí quyết khi lên các nền tảng online là: tìm hiểu nhiều, làm nhiều thì sẽ thành thạo và một ngày có thể chúng ta sẽ nảy ra một vài sáng tạo gì đó thú vị và hay ho. Các founder chưa go-online có thể bắt đầu ngay bằng việc lên Zalo hoặc Facebook xem tất cả các quảng cáo xuất hiện ở tài khoản của mình; xem họ đang quảng cáo cái gì và thực hiện như thế nào cũng như thử trải nghiệm mua hàng qua 2 app này.
Sau khi tìm hiểu và trải nghiệm, bạn sẽ biết cách thức làm marketing và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội sao cho hấp dẫn và phù hợp với sản phẩm/dịch vụ của mình.
“Khi cả thế giới gần như tê liệt vì Covid-19, chúng tôi vẫn thành công gọi vốn được hơn 7 triệu USD trong 3 tháng cho dự án xe đạp Superstrata và đổ hết tiền vào quảng cáo online, thành công tiếp cận 29 triệu khách hàng, bán ra hơn 3.000 sản phẩm, tương đương với việc ‘bỏ ra một đồng, thu về 5,3 đồng’. Đây là chương trình marketing – bán hàng lớn nhất trong lịch sử của công ty.
Thế nên, hiện tại tôi đang có một kho nội dung phục vụ cho việc marketing – bán hàng online và tôi sẵn sàng chia sẻ chúng cho các bạn khởi nghiệp nào cần“, bà Kiều Trang nêu minh chứng.
Về chiếc xe Superstrata: mỗi chiếc xe Superstrata được in 3D liền mạch để vừa làm quen với hình ảnh và cách đạp xe của từng người. Mỗi bộ khung xe đạp sẽ được cá nhân hóa, ‘đo ni đóng giày’ nhằm phù hợp cho từng khung xương mỗi người, dù thấp hay cao. Superstrata được sản xuất bằng công nghệ laser và robot, do đội ngũ chuyên viên tốt nghiệp tiến hành sáng tạo và vận hành, nhằm tạo khung xe đạp carbon fiber nguyên khối đầu tiên trên thế giới.
Nghĩa là chiếc xe này không sử dụng ốc vít, không hàn nối và không dán, chỉ là một khối sợi carbon chuẩn công nghiệp, làm từ hợp chất tổng hợp đẳng cấp nhất so với tất cả các loại xe đạp có mặt trên thị trường. Khung xe nhẹ hơn cả 2 chai nước cộng lại. Giá bán của nó vào khoảng 3.999USD/chiếc.
Có lẽ, nhờ những ưu điểm nổi trội của sản phẩm tiên phong Superstrata, Arevo đã kết thúc thành công vòng gọi vốn 25 triệu USD vào tháng 8/2020. Trước đó, theo thông tin của Indiegogo, từ khi ra mắt đến 11/8, dự án xe in 3D Superstrata đã gọi vốn thành công hơn 3,9 triệu USD từ cộng đồng, gấp 39 lần con số kỳ vọng ban đầu.