CEO Vietmoney: Khởi nghiệp trước định kiến xã hội về cầm đồ
Quỹ đầu tư Probus Opportunities và Digi Ventures vừa hoàn tất việc đầu tư vào Chuỗi cầm đồ Viet Money. Nhưng điều khiến dư luận quan tâm vì cầm đồ vốn bị “mang tiếng” trong xã hội.
Ông Trịnh Văn Phương – CEO Vietmoney cho biết: “Thay đổi một thói quen và định kiến cũ vốn không hề dễ dàng, nhất là với một lĩnh vực rất truyền thống là cầm đồ. Tuy nhiên tôi lại nhìn thấy ở đây đó là cơ hội”.
Thách thức khởi nghiệp bởi… định kiến
Khi còn là một sinh viên, Trịnh Văn Phương đã khá nổi trong lứa bạn Đại học cùng thời về khiếu kinh doanh và máu làm giàu. Ngoại trừ những môn học chuyên ngành về Tài chính thì bạn bè thường ít khi gặp Phương trên giảng đường, thế nhưng Phương vẫn hoàn thành các kỳ thi của mình một cách đầy đủ. Năm thứ 3 đại học Phương đã sở hữu cho mình trang web sim số đẹp tiền tỷ, thậm chí còn tặng số đẹp cho nhiều bạn thân khi vẫn đang còn là sinh viên. Bí quyết học tập của Phương là rủ thêm bạn về ăn ngủ ôn luyện, vừa làm gia sư vừa để cùng tập trung ôn luyện khoảng 3-5 ngày trước khi thi, thời gian còn lại Phương dành cho sở thích kinh doanh của mình.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế năm 2010, Phương đăng ký thực tập tại một nhà băng nội địa khi đang là khách hàng giao dịch khá thường xuyên tại đây và sau 03 tháng Phương được nhận lại làm việc ở vị trí Chuyên viên tín dụng doanh nghiệp. Hơn 8 năm công tác trong ngành Ngân hàng qua nhiều vị trí có thể đã tích lũy lại trong chàng trai những kinh nghiệm cần thiết để khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính sau này.
“Đương nhiên kinh doanh là phải cần tính toán, nhưng cứ suy xét kỹ quá sẽ mất thời cơ và không làm được. thay vì đắn đo thì mình cứ bắt tay vào làm xem” – CEO Trịnh Văn Phương
Phương kể lại rằng: “Thời điểm đó khi mình có ý định trong người rồi, nó cứ thôi thúc không thể nào tập trung ngồi làm việc trong Ngân hàng, tối về trong đầu chỉ nghĩ đến những kế hoạch và những trăn trở phải làm”. Tuy nhiên khi chia sẻ ý tưởng với nhóm anh em trong ngành Ngân hàng thì 10 người có đến 9 người lắc đầu vì chữ “cầm đồ”, 1 người còn lại thì nghĩ là quá rủi ro. Định kiến trên thị trường khá sâu.
Phương vẫn quyết tâm không nản và theo cách nhìn của mình: “Cầm đồ, bản chất là một dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu giải quyết tiền nhanh trong ngắn hạn”. Với những tích lũy kha khá kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và quan trọng hơn là một thời gian đủ để hun đúc khát vọng làm được điều gì mới, Phương tin mình sẽ làm được một điều gì đó cho ngành nghề này.
Và những quả ngọt đầu mùa Đầu năm 2016, sau khi Phương tìm được những cộng sự phù hợp, Chuỗi cầm đồ VietMoney vào chính thức vận hành. Bắt đầu với một website và một cửa hàng tại Quận 10, ngay những ngày đầu Viet Money đã được khách hàng tích cực đón nhận về một dịch vụ cầm đồ trực tuyến hiện đại, mới mẻ.
Trên trang cá nhân của mình khi đó, chàng trai trẻ Trịnh Văn Phương vui mừng chia sẻ nhân lực từ lúc chỉ có 13 người. Có 457 lượt đăng ký giao dịch trong tháng, trong đó chốt thành công 233 giao dịch với 93% lượng khách giao dịch qua kênh online – một tín hiệu vô cùng tích cực cho một mô hình mới. Viet Money ghi nhận có lợi nhuận ngay từ tháng đầu tiên kinh doanh.
Tiếp tục theo dõi sự “nắn nót” tỷ mỉ của Phương qua từng con số, mới thấy sự cực nhọc, hồi hộp của người sáng lập theo từng bước đi khởi nghiệp đầu tiên tại công ty non trẻ. Điều đáng nói hơn là ngay ở thời điểm mới bắt đầu, Phương đã xác định một tầm nhìn xa: “Sứ mệnh thay đổi cách nhìn về dịch vụ cầm đồ, và xa hơn nữa là xây dựng kênh tài chính tiện lợi và phổ biến cho các khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam”
Trong những năm đầu, quy mô của VietMoney chưa thể lớn, nhưng đằng sau đó là các bước đi có tính chiến lược của một nhà sáng lập trẻ cho mục tiêu dài hạn như chọn mô hình kinh doanh và đầu tư làm ERP từ rất sớm. Và là doanh nghiệp đi tiên phong áp dụng công nghệ vào giải quyết lĩnh vực truyền thống là cầm đồ.