CEO BusMap: Chọn con đường khó để mở cho mình nhiều cơ hội hơn
Từng được Google giữ lại với mức lương 6.000 USD nhưng CEO BusMap lại “chọn đường khó hơn” khi về Việt Nam khởi nghiệp vì không muốn sản phẩm thời sinh viên mình bị… bỏ rơi.
CEO ứng dụng Busmap Lê Yên Thanh đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khám phá về ước mơ thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng của người dân bằng việc sử dụng công nghệ. Thanh là CEO nhỏ tuổi nhất (25 tuổi) của Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo giải thưởng I-Star năm 2019. Giải thưởng vừa được trao trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019 diễn ra từ ngày 15-19/10/2019.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN trao giải thưởng I-Star 2019 cho ứng dụng Bus Map.
BusMap không chỉ là ứng dụng cho xe bus
BusMap được biết đến là một ứng dụng mà bạn thực hiện từ thời là sinh viên. Sản phẩm này cũng đã mang về cho bạn nhiều giải thưởng lớn. Và bây giờ BusMap lại được vinh danh khi đã là một doanh nghiệp khởi nghiệp. Giải thưởng cho một sản phẩm “thương hiệu sinh viên” và giải thưởng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp, bạn có nghĩ nó khác nhau?
Có thể nói, thời sinh viên việc đoạt các giải thưởng với sản phẩm BusMap đã giúp tôi học hỏi, trau dồi kiến thức từ những bạn bè mình. Quan trọng hơn, giải thưởng giúp tôi có những nguồn tài chính nho nhỏ để tiếp tục phát triển sản phẩm.
Khi thành lập công ty, tham gia giải thưởng, việc quan trọng nhất của startup là chứng minh giá trị sản phẩm, cũng như giúp xã hội nhìn nhận được sản phẩm của chúng tôi có những tác động tích cực cho cộng đồng.
BusMap ban đầu là ứng dụng hỗ trợ xe buýt dành cho đối tượng sinh viên. Nhưng khi quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm, tôi thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết và nghĩ đến bài toán lớn hơn, sử dụng cho nhiều đối tượng hơn. Vì thế, tôi đặt vấn đề phát triển BusMap thành ứng dụng thực thụ chứ không phải là sản phẩm của sinh viên đem đi thi. Tôi thấy nhiều bạn bè mình thường làm sản phẩm chỉ để đi thi và sau đó bỏ rơi nó. Tôi thì không như vậy.
Không chỉ là một ứng dụng, tôi kỳ vọng BusMap có thể tạo ra văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của người dân, giảm số lượng người đi xe cá nhân, từ đó giảm áp lực về giao thông.
Lê Yên Thanh (thứ 2 từ trái sang) từng có thời gian làm thực tập sinh tại Google và sau đó được giữ lại làm việc.
Bạn đã có những kế hoạch gì để tác động đến hành vi, thay đổi văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông của người dân nhằm “giải tỏa” được áp lực về giao thông từ xe cá nhân mà TP.HCM đang phải gánh chịu?
Giao thông công cộng có nhiều loại hình như xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ, metro (trong tương lai). Việc phát triển đô thị bền vững, trong tương lai dài hạn thì giao thông công cộng phải được đẩy mạnh. Tại TP.HCM, các loại hình giao thông công cộng đang được trợ giá, chất lượng luôn được cải thiện từng ngày, nhưng thật sự người dân vẫn chưa quan tâm và họ vẫn muốn sử dụng các phương tiện cá nhân.
Vấn đề một phần là do văn hóa người Việt và yếu tố về hạ tầng, chất lượng… Tuy nhiên, vấn đề này cũng sẽ dừng lại ở tính tạm thời. Trong tương lai, tôi chắc chắn rằng, giao thông công cộng phát triển mạnh mới giúp cho quốc gia phát triển. Vì giao thông là yếu tố quan trọng nhất để đô thị có thể phát triển bền vững. BusMap là một ứng dụng tập trung giúp thành phố phát triển giao thông công cộng.
BusMap có thể giải quyết vấn đề hướng dẫn đi xe buýt như đi ở trạm nào, xuống tuyến nào, đề xuất lựa chọn tuyến đường, hiển thị chi tiết thời gian chờ xe buýt, giá vé, khoảng cách đường đi, sắp tới sẽ có tính năng phát loa người dân và người khiếm thị có thể sử dụng được.… Những điều này giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với xe buýt hơn. Còn với người nước ngoài có thể sử dụng bằng tiếng Anh, sắp tới có nhiều ngôn ngữ khác nữa. Nhiều người nước ngoài đánh giá cao sản phẩm và nhận định đây là ứng dụng “ngang ngửa” với các sản phẩm công nghệ tương tự của Nhật, Úc… thậm chí là tiên tiến hơn với tính năng GPS và tích hợp nhiều dịch vụ khác.
Với BusMap, mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại là một ứng dụng cho xe buýt. Chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn cho người dùng sử dụng nhiều loại hình phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể như hướng dẫn người dân đến một điểm nào đó sử dụng xe buýt, sau đó tiếp tục hướng dẫn họ sử dụng taxi, xe ôm công nghệ, metro… giúp cho người dùng đi đến điểm đến tối ưu nhất. Những hãng taxi, taxi công nghệ, hay những đơn vị cung cấp dịch vụ về giao thông công cộng khác sẽ là đối tác của chúng tôi trong tương lai.
Công nghệ tốt cần có mô hình kinh doanh đột phá
Để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, liệu chỉ phát triển yếu tố công nghệ, bạn có nghĩ là đủ?
Tất nhiên là không. Chúng tôi hiện nay đã làm việc với 60 trường ĐH để giới thiệu sản phẩm của mình và giúp sinh viên tiếp cận với ứng dụng này. Một điều may mắn, các trường ĐH rất nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi làm việc đó.
Ngoài ra, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cho việc gọi vốn cuối năm nay và đầu năm sau. Lợi thế của chúng tôi là đã có một tập khách hàng tương đối với khoảng 1 triệu lượt tải từ thiết bị di động. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật đã phát triển thuật toán tìm đường có tính hiệu quả cao mà không phải ai cũng có thể làm được việc này.
Quan trọng nhất, chúng tôi phát triển ứng dụng trước tiên cho thị trường Việt Nam và nó có thể phù hợp với hạ tầng giao thông, văn hóa đi lại của người Việt Nam. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng để triển khai ứng dụng tại thành phố này. Ứng dụng đã có những người sử dụng đầu tiên. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng tại Cần Thơ, Hải Phòng, Nha Trang…
Không chỉ ưu việt về công nghệ, chúng tôi sẽ phát triển các mô hình kinh doanh trong tương lai dựa trên nền tảng công nghệ mà chúng tôi làm ra. Chúng tôi không thu tiền trực tiếp từ người đi xe buýt sử dụng ứng dụng mà có thể tạo ra các dịch vụ xung quanh họ dựa trên việc khai thác dữ liệu, hành vi của họ. Và từ đó, chúng tôi lôi kéo các đối tác cung cấp dịch vụ vào cùng và phát triển một sản phẩm siêu ứng dụng để phát triển.
Bạn vốn là một sinh viên xuất sắc của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, và có được cơ hội làm việc tại Google với một mức lương lên tới 6000 USD. Tại sao bạn lại mạo hiểm chọn con đường khó khăn hơn khi khởi nghiệp và khởi nghiệp tại quê hương?
Lý do là tôi nhìn thấy cơ hội của mình ở quê nhà. Khởi nghiệp giúp tôi có cơ hội học hỏi nhiều hơn, nhanh hơn, không chỉ hoàn thiện khả năng về chuyên môn mà cũng là khả năng về tư duy kinh tế, xây dựng mô hình kinh doanh. Làm việc ở Google xét ở một khía cạnh nào đó nó cũng cho tôi học hỏi nhiều kỹ năng, nhưng tôi sẽ không học nhanh hơn như ở môi trường khởi nghiệp. Chưa hết, đi làm với một mức lương cao, tôi sợ mình sẽ có tâm lý an nhàn, thỏa hiệp với thực tại và thiếu động lực phát triển. Tôi chọn con đường khó khăn hơn và cũng cho mình có nhiều cơ hội hơn để thực hiện mục tiêu của mình.
Bảng thành tích đáng nể của Lê Yên Thanh:
– Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015
– Giải Nhì Nhân tài Đất Việt năm 2015
– Công dân trẻ Tiêu biểu TP.HCM năm 2014
– Giải thưởng CNTT TP.HCM năm 2014
– Giải thưởng Honda Yes Award dành cho top 10 kĩ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2015
– Giải thưởng Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2014
– Cúp Bạc Khối thi Siêu cúp Olympic tin học sinh viên Việt Nam năm 2014.
– Giải Hornorable Mention Cuộc thi lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC vòng Vô Địch thế giới năm 2014 (Ekaterinburg – Russia)
– Giải Nhất Cuộc thi lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC vòng khu vực châu Á năm 2014.
– Huy chương Đồng Cuộc thi lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC vòng khu vực châu Á năm 2014 (site Phuket, Thailand)
– Giải thưởng Khoa học kĩ thuật thanh niên Quả cầu Vàng năm 2013. Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.
– Cúp Vàng (giải cao nhất) khối thi Siêu cúp Olympic Tin học sinh viên Việt Nam năm 2013
– Giải Đặc biệt Tin học trẻ TP.HCM năm 2014.
– Giải Nhất Tin học trẻ TP.HCM năm 2013.
Hà An