Thuộc thế hệ 9X, anh Đỗ Thanh Tùng – CEO công ty Amaisoft đã khởi nghiệp với kinh nghiệm 3 năm làm việc tại Nhật Bản và gặt hái được thành công với sàn thương mại điện tử (TMĐT) đồ nội thất đầu tiên ở Việt Nam.

Amaisoft – vừa chống dịch, vừa khởi nghiệp… Khó khăn cấp số nhân

Anh Đỗ Thanh Tùng – CEO công ty Amaisoft là một kỹ sư IT tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có thời gian làm việc trong một Tập đoàn IT tại Nhật Bản gần 3 năm trước khi quay về Việt Nam để quyết định khởi nghiệp.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với doanh nghiệp công nghệ, anh Tùng cho biết, năm 2018 khi về Việt Nam quyết định mở công ty. Lúc đó, nhân sự khá mỏng chỉ với 3 người làm Freelancer và Part Times để bắt quá trình tự đi trên con đường riêng.

Sau 3 năm, đến năm 2021, anh Tùng tiếp tục thành lập công ty Amaisoft hoạt động đến hiện tại. Là một người chuyên ngành kỹ sư phần mềm nên khi quyết định Startup, vị CEO trẻ này gặp rất nhiều khó khăn trước khi có được những “quả ngọt” đầu tiên.

Công ty Amaisoft được thành lập vào năm 2021, thời điểm Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang bùng nổ đại dịch Covid-19. Do đó, khó khăn với một doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhân lên gấp nhiều lần so với trước đây.

Anh Đỗ Thanh Tùng – CEO công ty Amaisoft chia sẻ về quá trình khởi nghiệp. Ảnh Khải Phạm.

Đầu tiên, cũng như rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, Amaisoft gặp khó khăn nhất về nguồn vốn đầu tư. Doanh nghiệp muốn phát triển nhanh thì ngoài việc chuyên môn tốt sẽ cần phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, đủ tốt để thực hiện những kế hoạch dài hạn từ khi bắt đầu với sản phẩm đến khi có khách hàng.

Thứ hai, doanh nghiệp khởi nghiệp còn khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Công ty chuyên phần mềm nên khi tìm kiếm khách hàng sẽ phải kiêm thêm nhiều chức năng như Marketing, Sale… nên khó khăn là không tránh khỏi.

Thứ ba, trong giai đoạn khởi nghiệp vào năm 2021, Amaisoft gặp đúng đại dịch Covid-19 để lại hậu quả xấu đến nền kinh tế nên việc bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, với nhiều chính sách, kế hoạch dài hạn, công ty đã vượt qua và phát triển như ngày hôm nay sau 2 năm thành lập.

“Thời điểm đầu tiên khi Amaisoft mới thành, định hướng 100% phát triển phần mềm cho khách hàng thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển với những khó khăn đã đúc kết, ban lãnh đạo công ty đã quyết định thay đổi định hướng bằng việc đa dạng hóa các nguồn đến từ nhiều quốc gia hơn như việt Nam, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản những khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, phát triển sản phẩm đã được Amaisoft giải quyết”, anh Tùng chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn, CEO của Amaisoft cũng gặp nhiều thuận lợi khi là thế hệ đi sau khởi nghiệp nên được sự giúp đỡ nhiều của những người đi trước cùng trường Bách Khoa đã khởi nghiệp trước đó.

“Đặc biệt, “các tiền bối” trong chương trình công nghệ thông tin Việt – Nhật đã giúp đỡ tôi rất nhiều để tránh gặp phải những khó khăn. Bên cạnh đó, thời điểm tôi thành lập Amaisoft cũng có nhiều chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như đề án 844, chính sách về chuyển đổi số”, CEO Amaisoft nói.

Amaisoft hiện tại có 2 mảng tập trung chính là tư vấn phát triền phần mềm và sản xuất phần mềm. Ảnh Khải Phạm.

Amaisoft hiện tại có 2 mảng tập trung chính để phát triển. Đầu tiên, Amaisoft là công ty tư vấn, phát triển phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Amaisoft cũng có mảng sản xuất của riêng mình là phát triển sản thương mại điện tử dành cho bán hàng nội thất (Togihome.vn) và hiện tại đã hoạt động được 1 năm với định hướng phát triển dành riêng cho thị trường Việt Nam.

“Với sản thương mại điện tử về đồ nội thất Togihome.vn, trong năm 2022 đã có những thành tựu ban đầu. Theo đó, Togihome.vn đã ghi nhận 18.000 đơn hàng được xử lý với doanh thu toàn sản xấp xỉ 90 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, sàn thương mại điện tử đồ nội thất này ghi nhận 1.500 đơn hàng và tỷ lệ 20% khách hàng quay trở lại”, CEO Amaisoft cung cấp số liệu.

Đối với mảng tư vấn phần mềm cho doanh nghiệp, sau 2 năm thành lập, Amaisoft hiện đã tư vấn cho hơn 20 khách hàng là những công ty, tổ chức, cá nhân đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Đức và châu Mỹ. Những khách hàng của Amaisoft đều nhận được những tư vấn, giải pháp hữu ích trong chuyển đổi số doanh nghiệp giúp tối ưu quá trình sản xuất sản phẩm, bán hàng để có lợi nhuận tối đa.

Nói về mục tiêu trong vòng 5 năm tới của Amaisoft, vị CEO trẻ này cho rằng công ty sẽ mở rộng quy mô, tập khách hàng không chỉ thị trường Nhật Bản mà còn tư vấn cho các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ. Về mảng sản xuất, Amaisoft định hướng là một doanh nghiệp toàn cầu nên trong vòng 2-3 năm tới sẽ có những sản phẩm dành cho người dùng.

“Để thực hiện những mục tiêu trên, Amaisoft sẽ sử dụng nội lực của công ty, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên phải trau dồi, phát triển về trình độ chuyên môn. Đồng thời, công ty luôn muốn tìm những ứng viên thực sự tâm huyết, giỏi về chuyên môn là công nghệ, đồng thời có ngoại ngữ tốt để nhân viên có thể trực tiếp trao đổi với khách hàng”, anh Tùng chia sẻ.

Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp thành công

Việt Nam là một trong những quốc gia đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số toàn dân, mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, doanh nghiệp là những đối tượng đang áp dụng rộng rãi chuyển đổi số, công nghệ hoá trong quá trình sản xuất sản phẩm hay marketing, bán hàng để tối ưu lợi nhuận nhất.

CEO Amaisoft cho rằng chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu hiện nay. Ảnh Khải Phạm.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số, anh Đỗ Thanh Tùng cho rằng các quốc gia đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực và vẫn đang đi đúng những chính sách.

“Chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu và cơ sở hạ tầng công nghệ số hóa phải đi trước để chuẩn bị cho sự phát triển, vận hành tốt nhất của doanh nghiệp”, vị kỹ sư IT kiêm CEO Amaisoft chia sẻ.

Nói về đề án 844 hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, anh Tùng cho biết, đề án này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều về chính sách thuế, thủ tục hành chính. Công ty khởi nghiệp của anh cũng được hưởng lợi nhiều từ chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, vị CEO 9X hy vọng Chính phủ sẽ có thêm những sách đặc biệt về nguồn vốn vay ưu đãi Chính phủ hoặc từ nguồn vốn khác. Ngoài ra, các cơ quan quản lý doanh nghiệp Startup sẽ xúc tiến thêm những sự kiện giao lưu với những doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài để có mở rộng mạng lưới, quảng bá sản phẩm của mình.

“Tôi hy vọng đề án 844 sẽ không dừng lại ở mức hô hào khẩu hiệu mà phải tạo được cơ hội cho doanh nghiệp Startup Việt Nam có cơ hội phát triển”, vị CEO này mong muốn.

Nguồn: Khải Phạm – danviet.vn