Câu chuyện ươm mầm doanh nghiệp xã hội từ ý tưởng của học sinh
UPSHIFT hay “Dự án vươn lên” – là một chương trình phi lợi nhuận nhằm tìm kiếm và ươm mầm các dự án khởi nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp xã hội.
Vừa qua, UPSHIFT đã tổng kết năm 2018 với 5 dự án hoàn thành xuất sắc quá trình ươm tạo. Năm nhóm các bạn trẻ từ 14 – 24 tuổi đã đưa ra các mô hình ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội.
Khởi động tại Việt Nam từ năm 2015, đến nay, UPSHIFT đã hướng dẫn cho 3.680 bạn trẻ với hơn 50% trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Ngoài ra, chương trình đã tìm kiếm được 93 ý tưởng và hỗ trợ triển khai 4 dự án từ 10 dự án được lựa chọn.
UPSHIFT được tổ chức ở Việt Nam bởi Mạng lưới Khởi nghiệp Trẻ (VYE), dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo (SIH) cùng sự giúp đỡ tài chính, tư vấn và kỹ thuật của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Một trong những mục tiêu của chương trình là huấn luyện các kỹ năng và trang bị kiến thức để giúp các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng, giải pháp với kỳ vọng thay đổi xã hội. Các hoạt động này đặc biệt tạo điều kiện, truyền cảm hứng và mang lại động lực để khuyến khích những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương, nhóm thanh thiếu niên khuyết tật có được nền tảng và kỹ năng khởi nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến những người thiếu cơ hội.
Các dự án vào vòng tổng kết được xem là cơ sở đầu tiên giúp tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án và nhân rộng mô hình, góp phần mang lại lợi ích cho trẻ em và cộng đồng. Dưới đây là 5 dự án mà UPSHIFT đã lựa chọn trong năm nay:
– Seitracker: Vòng đeo tay thông minh của nhóm học sinh lớp 11 trường Trần Khai Nguyên và trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) giúp theo dõi, ghi nhận dữ liệu các cơn co giật, động kinh ở trẻ em và thông báo tới phụ huynh khi cơn co giật xảy ra. Việc ghi nhận và theo dõi này sẽ tạo dữ liệu hỗ trợ điều trị y tế tốt hơn cho trẻ.
– The Light: Dự án của các nhóm sinh viên khiếm thị Đại học Quốc gia TP.HCM, đưa ra phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra nhằm hỗ trợ giáo viên giúp đỡ học sinh khiếm thị học tập và hòa nhập, theo kịp các học sinh bình thường khác.
– High Life: Thiết bị hộp đen giúp giảm thiểu tai nạn cho trẻ em của nhóm học sinh lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong nhằm giải quyết những vấn đề của trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ thiếu khả năng bảo vệ bản thân và cần người giám sát. Hộp đen theo dõi định vị, giám sát hành trình, quay video trực tiếp, sẽ tương tác hai chiều với người thân, trong trường hợp nguy cấp sẽ gửi cảnh báo đến số điện thoại của người thân.
– X-Generation: Dự án phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực cho học sinh tiểu học do nhóm sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM thực hiện. Chương trình gồm các lớp chuyên đề và sân chơi bổ túc kiến thức và kỹ năng tự vệ, giúp trẻ ý thức về lạm dụng tình dục và biết cách bảo vệ bản thân.
– Wiseyes: Thiết bị đọc sách cho người khiếm thị của nhóm học sinh THPT Năng khiếu TP.HCM, nhắm đến những người trẻ 18 – 24 tuổi bị khiếm thị, trong đó đa số bị mù. Máy có thể đọc và dịch được chữ tiếng Việt, tiếng Anh, người dùng chỉ cần đưa vào camera bấm nút chụp trang sách và chuyển dữ liệu đến ứng dụng xử lý, sau đó đeo tai nghe và máy sẽ đọc cho người dùng nghe.
Tuyết Ân – Doanh nhân Sài Gòn