Câu chuyện thất bại của Startup: Theranos
Có rất nhiều lí do dẫn đến thất bại của một công ty khởi nghiệp (với “thiếu vốn” là lí do phổ biến nhất). Tất nhiên, thất bại cũng là một “chuyện thường ngày ở huyện” đối với các nhà kinh doanh khởi nghiệp – chỉ có những công ty đã có thành tựu thực sự nổi bật hoặc đã vướng phải một sai lầm động trời mới có thể thu hút sự chú ý của công chúng về thất bại của nó.
Theranos là một trường hợp hiếm có như vậy: một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ sinh học, có ý tưởng về thiết bị thử máu độc đáo đến mức có thể thay đổi cách thức theo dõi và chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, và – tất nhiên – không thể thiếu kết thúc đầy tai tiếng.
Công ty này vừa là một điển hình, vừa là một khác biệt so với các doanh nghiệp khác ở Thung lũng Silicon: điều hành bởi một vị giám đốc trẻ vốn tôn thờ xu hướng “phá cách và sáng tạo” của Steve Jobs, vừa có mong muốn cải thiện cả sức khỏe con người lẫn hệ thống y tế. Một công ty “có một không hai” tại Thung lũng Silicon và đầy hứa hẹn sẽ mang đến những điều tích cực.
Cho đến nay, mọi người đều biết đến thành tựu của Theranos là nhờ vào sự suy tàn nhanh chóng của nó. Thành lập năm 2004 bởi Elizabeth Holmes, một nữ sinh bỏ học trường Đại học Stanford. Holmes mong muốn cách mạng hóa không chỉ việc thử máu mà cả cách chăm sóc sức khỏe bằng một thiết bị lấy máu tiện dụng: bệnh nhân không phải chịu đau như khi lấy máu kiểu cũ, và họ cũng chỉ mất vài giọt máu để biết được mình có gặp vấn đề sức khỏe gì hay không.
Công ty nhanh chóng đạt những thành công bước đầu như thu hút vốn, phát triển nhân lực, xuất hiện nhiều hơn truyền thông đại chúng, có liên kết hợp tác với những yếu nhân về kinh tế và chính trị, và đỉnh cao là đầu tàu trong loạt công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đôla Mỹ (công ty kì lân) tại Thung lũng Silicon.
Theranos được ca tụng là công ty sẽ thay đổi thế giới, còn nữ CEO Elizabeth Holmes như một nàng công chúa được cưng chiều trong thế giới startup – cô ta huy động được đến 700 triệu đôla Mỹ từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, như những gì được phanh phui vào năm 2015, thành công và danh tiếng của Holmes và Theranos được xây dựng từ… hư không. Tháng 10 năm ấy, tờ Wall Street Journal đăng một bài báo vạch trần trụi sự thật về “kì lân giấy Theranos”: thiết bị thử máu không hiệu quả, và công ty che đậy bằng cách giả mạo kết quả thử nghiệm và sử dụng sản phẩm khác (đã xuất hiện trên thị trường) của công ty khác rồi nhận kết quả về mình.
Lẽ tất nhiên, Theranos bác bỏ những cáo buộc trên; nhưng những chứng cứ đưa ra về sai phạm lừa đảo quá thuyết phục. Những hợp đồng liên tục bị chấm dứt, trong khi giới đầu tư thay nhau đưa vụ việc ra tòa – đỉnh điểm là vào tháng Sáu năm 2018 khi Holmes và Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Theranos lúc đó là Sunny Balwani đều bị kết tội lừa đảo hình sự.
Do đâu mà Theranos thất bại? Có thể là do sản phẩm của họ không hiệu quả như mong muốn, và do thông tin về vụ gian lận xuất hiện khắp các mặt báo trên thế giới; nhưng đó chưa phải là tất cả. Nhiều công ty khác cũng có sản phẩm vô dụng, nhưng họ không đạt được những thành tựu như Theranos đã có trước khi bị phanh phui – điểm cốt lõi ở đây hầu hết các công ty đều có đạo đức doanh nghiệp và nghề nghiệp, trong khi Theranos thì không.
Duy trì một sự việc dối trá kinh khủng trong một thời gian rất dài là một sai sót đạo đức không thể chối cãi, nhưng thực tế là Elizabeth Holmes và các đồng sự tại Theranos đã “thành công” trong việc đó.
Trong cuốn Bad Blood, tác giả John Carreyrou đã minh họa rằng ý tưởng táo bạo và danh tiếng cá nhân đã giúp Holmes giữ được sự ủng hộ và tin tưởng từ những đối tác quan trọng cùng các thành viên cộm cán trong ban quản trị. Cũng trong cuốn sách này, tác giả cũng cho thấy sự nguy hiểm của tham vọng quá lớn đến mức mất kiểm soát và tôn chỉ kinh doanh “giả mãi cũng thành thật”.
Theranos có thể là một ví dụ cường điệu vì mức độ nghiêm trọng mà các đương sự phải gánh chịu, nhưng bài học từ tập đoàn này vẫn còn nguyên ý nghĩa cho mọi doanh nghiệp khác: những nhà kinh doanh chắc chắn về bản thân và ý tưởng của họ thì rất tuyệt vời, nhưng động lực và tự tin đó cũng cần gắn liền với sự thật và ý thức chấp nhận sai lầm, hạn chế và thậm chí thất bại. Sự chân thật sẽ giúp doanh nghiệp tránh đi rất nhiều rắc rối tiềm tàng, bao gồm cả những song sắt lạnh lùng.
Quốc Huy (Theo Forbes)