Câu chuyện thất bại của startup: Rdio
Hiện nay, việc lưu trữ và nghe nhạc thông qua các đĩa ghi âm hoặc máy cassette dường như đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó, giới trẻ yêu thích việc nghe nhạc trực tuyến bởi đây là cách giúp họ có thể nghe nhạc mọi lúc mọi nơi. Mặc dù hiện nay dịch vụ này rất phổ biến, thế nhưng chỉ mới một khoảng thời gian trước, đây chính là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn rất nhiều gương mặt mới để đầu tư và phát triển.
Trong thị trường ấy, Rdio là một trong những cái tên sáng giá đầu tiên, thậm chí có thời điểm còn được xem là tương lai của thị trường nhạc trực tuyến. Rdio được thành lập vào năm 2008 và bắt đầu khởi động vào năm 2010 dưới sự sáng lập của bộ đôi người Đan Mạch Janus Friis và Niklas Zennstrom.
Công ty này đã có những bước đầu rất khả quan. Mặc dù danh sách bài hát của Rdio chỉ khoảng vài triệu, rất ít so với những gì người dùng mong đợi ở thời điểm hiện nay, thế nhưng ở thời điểm đó, đây là một con số cực kỳ đáng ngưỡng mộ.
Không chỉ vậy, giao diện thu hút, đơn giản và dễ sử dụng của Rdio cũng đã chiếm trọn cảm tình của rất nhiều người dùng. Với một khoản nhỏ tiền phí dịch vụ mỗi tháng, người dùng có thể dễ dàng khám phá một thư viện âm nhạc đồ sộ.
Mặc dù người dùng mong muốn Rdio sẽ thống trị cho đến cuối cùng, thế nhưng vận may của công ty này đã bị “phá hủy” nghiêm trọng bởi sự ra đời của Spotify ở thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm 2011. Dù cho Rdio và những dịch vụ nhạc trực tuyến khác vẫn hiện hành tại Hoa Kỳ, thế nhưng sự nổi tiếng và được ưa chuộng của Spotify đã giúp công ty này trở thành người dẫn đầu trong thị trường dịch vụ nhạc trực tuyến.
Rdio đã có rất nhiều hành động để thích nghi với thị trường và cạnh tranh với Spotify. Năm 2013, Rdio đã giao dịch với Cumulus Media để tiếp cận với lực lượng kinh doanh và lập trình của công ty truyền thanh khổng lồ này. Năm 2014, Rdio giới thiệu một dự án cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến miễn phí, sau đó tăng lên 3.99 đô/tháng (trong khi giá dịch vụ hàng tháng trước đây là 9.99 đô).
Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Tháng 6/2013, CEO Drew Larner đã từ chức. Đến tháng 11/2013, Rdio tiếp tục mất thêm ⅓ số nhân viên. Mặc dù vẫn còn hoạt động đến năm 2015, nhưng theo Billboard, Rdio đã nợ hơn 200 đô-la tiền mặt cùng hàng ngàn đô-la trong các hóa đơn chưa được thanh toán. Theo Hollywood Report, Rdio thất thoát gần 2 triệu đô một tháng – một con số quá lớn với một startup.
Mặc dù sự cạnh tranh của Spotify là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Rdio, nhưng chính bản thân startup này cũng đã có những sai sót riêng trên đường đua. Theo một bài báo trên trang The Verge, Rdio đã không hề có một giám đốc marketing chính thức, đồng thời đã tập trung thời gian và sức lực vào những điều không trọng tâm.
Bài báo cũng chỉ ra sự cần thiết của việc phát triển trước khi tập trung nghĩ đến lợi nhuận, đặc biệt trong thị trường nghe nhạc trực tuyến, nơi các nhà cung cấp dịch vụ cần một khối lượng lớn người dùng để giải quyết các vấn đề về giấy phép trước khi đạt được lợi nhuận.
Mặc dù thất bại, Rdio cũng đã làm được điều mà không phải bất kì startup nào cũng làm được, đó là chiếm được tình cảm của người dùng. Nhưng thị trường startup chưa bao giờ là dễ dàng, và cạnh tranh với một gã khổng lồ trong một thị trường khốc liệt như dịch vụ nghe nhạc trực tuyến dường như là nhiệm vụ bất khả thi, ngay cả với những sản phẩm tốt nhất.
Hải Vy (Theo Forbes)