Câu chuyện thất bại của một startup: Telltale Games
Một trong những startup đã từng khá thành công trong làng game là Telltale Games – studio nổi tiếng với các tựa game theo phong cách kể chuyện như The Walking Dead, The Wolf among Us và Tales from the Borderlands. Tuy nhiên, sau một loạt các game bom tấn mà công ty này tạo ra, Telltale Games lại phải đối mặt với một kết cục không thể tệ hơn: phá sản.
Đối với nhiều startup, rất khó để đạt được thành công ban đầu. Nhưng khi đã đạt được rồi, những nhà khởi nghiệp sẽ nhận ra rằng việc duy trì cả động lực lẫn chất lượng và sự đổi mới còn khó khăn hơn nhiều. Một số người đã mạo hiểm đặt cược startup của mình để đạt được những thành tựu cao hơn, một số người khác lại không thể duy trì được phong độ và dần thất bại. Telltale Games là một trong số những startup đã thất bại trong việc làm điều đó.
Telltale Games được thành lập vào năm 2004 bởi 3 cựu thành viên của LucasArts là Kevin Bruner, Dan Connors và Troy Molander. Thành công lớn đầu tiên của công ty là phát triển một dự án đã từng bị LucasArts hủy bỏ trong thời gian các nhà sáng lập còn làm việc ở đó. Khi công ty đã phát triển, Telltale đã có thể thiết lập một vị trí ổn định trong thị trường game với phong cách game kể chuyện khá thành công, điển hình là The Walking Dead.
Mặc dù có được sự hoan nghênh của công chúng và mối liên kết với các chương trình TV và phim điện ảnh, nội bộ Telltale Games bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề. Hãng đã phải chật vật để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của game và giữ người chơi.
Nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở một CEO kiểm soát quá mức khắt khe và đưa ra những kế hoạch kém và không rõ ràng. Điều đó tạo nên một môi trường làm việc rất ‘toxic’, ảnh hưởng đến sản lượng của công ty, khiến chất lượng trò chơi giảm sút làm mất lòng nhiều fan hâm mộ, và nhiều nhân viên chủ chốt của công ty bắt đầu ra đi.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Telltale đã cố gắng thay đổi tình hình. CEO Kevin Bruner – người gây ra nhiều tranh cãi, cuối cùng đã bị cách chức. CEO mới Pete Hawley đã ngay lập tức tìm cách đưa công ty trở lại bằng cách giảm bớt số lượng game phát hành và tập trung nâng cao chất lượng hơn số lượng. Dấu hiệu rắc rối bên ngoài công ty xuất hiện vào tháng 11 năm 2017, khi Telltale sa thải 25% nhân viên trong nỗ lực tập trung chất lượng đó.
Theo báo cáo của trang mạng The Verge, công ty không hề thông báo trước cho các nhân viên của mình về ý định cắt giảm nhân lực. Vào ngày 21 tháng 9 năm 2018, khi nhân viên bị tuyên bố sa thải, họ chỉ có 1 giờ để đóng gói đồ đạc và rời khỏi công ty. Cho đến ngày công ty đóng cửa, công ty và các nhà phát triển vẫn tiếp tục làm việc cho dự án sắp tới, còn nhân viên thì bị bỏ mặc, không có cơ hội để chuẩn bị hoặc tìm kiếm việc làm khác.
Cuối cùng, Telltale Games sụp đổ hoàn toàn. Việc công ty sa thải nhân viên đột ngột là do công ty đã hết tiền vì các khoản đầu tư của họ không thành công. Công ty đã phải đối mặt với một loạt các vấn đề bắt nguồn từ những sai lầm trong giai đoạn phát triển ban đầu của mình.
Cựu CEO Kevin Bruner bị cáo buộc là đã tạo ra một môi trường làm việc tệ hại, làm mất đi một số tài năng hàng đầu của công ty, và sau đó Bruner đã kiện Telltale vì đã từ chối cho anh ta những thông tin cần thiết để bán bớt cổ phần của mình trong công ty sau khi bị cách chức. Doanh số của công ty đã giảm từ trước đó vì công ty đã quản lý sai các dự án và không đổi mới để vượt qua các bước đột phá ban đầu.
Mặc dù thiếu kinh phí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Telltale, nhưng chính sai lầm trong việc quản lý nhân sự đã trở thành vấn đề cốt lõi của công ty. Khác với một số công ty khởi nghiệp thất bại trong việc đạt mục tiêu đầu tiên, Telltale đã chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình. Nhưng việc duy trì không tốt nguồn tài nguyên và lợi thế đang có đã khiến cho studio từng làm mưa làm gió trong làng game phải sụp đổ.
Linh Nguyễn Lê (Theo Forbes)