Cậu bé 13 tuổi chế tạo ra thiết bị điều trị ung thư dùng công nghệ AI
Cậu bé Rishab Jain (13 tuổi) ở Oregon, Mỹ đã sử dụng công nghệ AI để phát minh ra công cụ PCDLS Net giúp các bác sĩ xác định khối u tuyến tụy chính xác và dễ dàng hơn trong quá trình điều trị ung thư.
Quá trình xạ trị thường gặp phải khó khăn trong việc xác định vị trí tuyến tụy, bởi tuyến tụy bị các cơ quan khác trong cơ thể che khuất và thường di chuyển xung quanh khu vực bụng khi chúng ta thở và hoạt động. Vì tuyến tụy khó bị phát hiện, nên các bác sĩ cần dùng sóng hoặc những hạt năng lượng cao ‘tấn công’ vào một khu vực khá rộng để có thể tìm được tuyến tụy.
Tuy nhiên, quá trình này cũng vô tình giết chết hàng triệu tế bào khỏe mạnh nằm xung quanh tuyến tụy. Do đó, Rishab Jain đã thiết kế một mô hình hóa bằng máy được sử dụng để giúp các bác sĩ có thể thu nhỏ phạm vi tìm kiếm tuyến tụy, giúp cơ thể giữ lại nhiều tế bào khỏe mạnh hơn.
“Với thuật toán trên, các bác sĩ dùng sóng hoặc những hạt năng lượng cao tấn công tuyến tụy một cách chính xác, giúp điều trị khối u hiệu quả hơn”, Jain nói.
Tỷ lệ sống sót do ung thư tuyến tụy hiện nay khá thấp và không tăng đáng kể trong suốt 40 năm vừa qua. Theo con số thống kê, có khoảng 9% người sống được 5 năm sau chẩn đoán và chỉ có 1% người sống được 10 năm. Jain hi vọng sáng kiến của mình sẽ giúp được thêm nhiều người sống sót với căn bệnh ung thư này.
Sáng chế của Jain đã giúp cậu bé chiến thắng giải thưởng trị giá 25.000 đô la Mỹ (tương đương với 548 triệu đồng) tại cuộc thi khoa học Discovery Education 3M Young Scientist Challenge năm 2018 tại Mỹ. Hiện tại, Jain đang liên hệ với các bác sĩ của những bệnh viện nổi tiếng ở Mỹ như Johns Hopkins và Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering để đưa sáng chế của mình vào thử nghiệm.
Linh Nguyễn Lê