Dù chuyên ngành học không hề liên quan gì đến công việc mà chị Điểm Nguyễn (Đà Nẵng) đang khởi nghiệp nhưng chị lại được người thân ủng hộ và đó chính là động lực giúp chị cố gắng mỗi ngày.

Khoảng năm 2015, khi đứa con thứ 2 của chị bắt đầu đi nhà trẻ, chị có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên cũng tìm hiểu về các sản phẩm đồ chơi an toàn cho bé và các đồ trang trí thủ công. Chị tình cờ phát hiện ra trên thị trường có một loại vải may không cần vắt sổ, nhiều màu sắc và bền màu theo thời gian, dễ sử dụng và đặc biệt rất an toàn với trẻ nhỏ.

“Ý tưởng trong đầu lập tức lóe lên là tôi muốn làm và sẽ làm được rất nhiều thứ từ vải này. Tôi bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu về các loại vải nỉ rồi đến các mẫu sản phẩm làm từ nguyên liệu này”, chị chia sẻ.

Chị Điểm cất bằng đại học để ở nhà vừa chăm con vừa khởi nghiệp.

Trước đó, chị học chuyên ngành Kế toán của một trường đại học có tiếng ở thành phố. Chị đã từng làm rất nhiều chức vụ khác nhau và chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ dừng công việc của mình để về khởi nghiệp như vậy. Nhưng từ khi biết đến vải nỉ, chị như tìm thấy được niềm đam mê của mình, yêu thích và mê mẩn nó. Vì vậy, chị quyết định nghỉ hẳn để làm việc tại nhà, bắt đầu khởi nghiệp với đam mê của mình.

Khi quyết định theo nghề, chị cũng không dám nói với nhiều người, chỉ tâm sự với chồng và xin ý kiến của ba chị. Thật may, chồng chị ủng hộ và động viên: “Em làm gì miễn em thấy vui với đam mê và tâm trạng thoải mái là được”, ba lại nói rằng: “Con cứ thử sức trong khả năng của con thôi nghe, giữ sức khỏe nữa”. Sự ủng hộ của hai người thân trong gia đình khiến chị có thêm động lực và quyết định theo đuổi.

Các sản phẩm có giá dao động từ vài chục để vài trăm nghìn đồng.

Những ngày đầu, chị gặp hàng loạt những khó khăn mà không biết chia sẻ cùng ai, mọi thứ đều phải tự học. Thời điểm đó, thị trường gần như chưa có ai mở lớp dạy may vải nỉ và cũng chẳng có kênh youtube để xem. Nhưng niềm đam mê cộng với sự ủng hộ của người thân khiến chị chưa một lần nản chí.

“Lúc đó, mỗi sản phẩm làm ra đều chưa được đẹp như bây giờ nhưng mất thời gian vô cùng bởi mỗi sản phẩm lại có cách may khác nhau. Có những ngày tôi cho con ngủ xong lại lên mạng mò mẫm tìm các trang mạng nước ngoài để tự học”, chị cho hay.

Khách hàng có thể đặt làm sản phẩm theo yêu cầu.

Khi mới bán ra thị trường, chị lại được rất nhiều người ủng hộ rất nhiệt tình, và giới thiệu xa gần. Chị dần có những khách hàng quen và mở rộng thị trường hơn.

Đến nay, chị đã làm mọi thứ đơn giản hơn và không còn quá nhiều khó khăn nhưng những sản phẩm này vẫn mất nhiều thời gian bởi được làm hoàn toàn bằng may tay. Với các mẫu mới, chị dành ra buổi tối để lên mẫu thiết kế còn ban ngày sẽ cắt may. Có những sản phẩm đơn giản chỉ may trong 1-2 giờ, còn có những sản phẩm to, nhiều chi tiết có thể mất cả tuần để may.

Những sản phẩm chị làm từ vải nỉ như kẹp tóc hình trái cây, hoa, móc khóa hình những con vật ngộ nghĩnh, búp bê, vòng treo trang trí phòng, cửa phòng cho bé, sách vải, rối tay, túi, ví vải nỉ… Ngoài ra, có khách hàng muốn mua sản phẩm độc đáo và riêng biệt nên họ gửi mẫu và gửi hình ảnh của con họ, yêu cầu chị làm búp bê có hình dáng tương tự. Giá của sản phẩm cũng tùy thuộc vào thời gian làm, dao động từ vài chục đế vài trăm nghìn đồng.

Chị làm những mẫu sẵn để trưng bày tại cửa hàng của mình.

Theo chị, “khâu khó nhất là lên mẫu và tạo hình. Nếu vẽ sai, các công đoạn sau sẽ không hoàn hiện được, cắt ra may sẽ lỗi và phải bỏ tất cả đi để làm lại từ đầu”, chị chia sẻ.

Sau nhiều cố gắng, chị cũng đã có một cửa hàng nhỏ để bày bán các sản phẩm mình làm, chị cũng bán các nguyên liệu để những người có nhu cầu làm đồ chơi an toàn cho con. Chị thành lập kênh Youtube để hướng dẫn cho những người yêu thích và đam mê các sản phẩm từ vải nỉ như mình.

Trong tương lai gần, chị dự định sẽ cố gắng tuyển thêm nhân viên để mở rộng cửa hàng, tăng số lượng sản phẩm và làm nhiều mẫu mã hơn, xuất khẩu sang nước ngoài. Đồng thời, chị dành thời gian mở workshop dạy trực tiếp để nhiều người biết may và sử dụng sản phẩm thủ công bằng vải – sản phẩm thân thiện môi trường.

THEO ANH THƯ
(Báo Dân Việt)