Cầm 30 triệu đồng để khởi nghiệp, 9x xứ Thanh thu về hơn tỷ đồng mỗi năm
Chỉ có vỏn vẹn 30 triệu đồng tiết kiệm, 9x gây dựng lại sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Doanh thu trung bình mỗi tháng lên đến hơn 100 triệu đồng.
Tốt nghiệp tại một trường ĐH danh tiếng ở Singapore vào năm 2014, anh Lê Minh Cương (1992, TP. Thanh Hóa) quay trở về ở lại TP.HCM làm thuê cho một vài công ty ở nước ngoài. Với mức thu nhập mỗi tháng lên đến 1000 USD, anh lại quyết định nghỉ sau 2 năm làm việc.
“Công việc đều đặn, khói bụi trên đường, cuộc sống hối hả khiến mình không cảm thấy hạnh phúc. Vì xa nhà từ năm lớp 9, tôi luôn mong muốn được ở bên gia đình, sống chậm lại và làm một điều gì đó cho quê hương mình”, anh nói.
Nhưng câu hỏi đặt ra là về sống bằng gì? Lúc mà đọc được cuốn sách Tony Buổi Sáng, tôi vỡ ra là có thể về quê khởi nghiệp sản xuất, mình đã đi đây đi đó và mê mẩn những sản phẩm địa phương độc đáo của các nước bạn, vậy thì mình cũng có thể làm ra những sản phẩm mang hồn cốt quê hương mình.
Anh Cương khởi nghiệp làm tương ớt bởi nhìn thấy cảnh người dân đổ đống vứt đi loại quả này giá rẻ, thương lái không ai thu mua.
Số vốn tích lũy được, anh về quê hương của mình để lập nghiệp với mong muốn gây dựng mô hình sản xuất bền vững ở quê nhà. Trước đó, anh đã được đi đó đây thấy mê mẩn các sản phẩm địa phương của nước bạn. Vì vậy, khi trở về quê, anh đi học hỏi, nghiên cứu về nông nghiệp và bắt đầu khởi nghiệp sản phẩm từ quả gấc: nước ép gấc, dầu gấc cùng với nối nghiệp quản lý doanh nghiệp của gia đình.
Sau 3 năm hoạt đông, anh đã thất bại khi sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, kĩ thuật công nghệ kém, giá cao, nhân sự đông, thiếu hụt vốn. Cơ sở sản xuất của anh buộc phải đóng cửa với số vốn đổ vào ban đầu khoảng 5 tỷ đồng và kết thúc là khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. “Đó là một quãng thời gian khắc sâu trong mình đến độ giờ mình thấy chữ gấc mình sẽ hơi bồn chồn”, anh ngậm ngùi.
Quyết không từ bỏ, anh Cương dành ra một năm để nhìn lại, nghiên cứu thị trường và phân tích lại toàn bộ những thiếu sót của mình khi khởi nghiệp thất bại lần đầu. Quãng thời gian này anh làm một số việc khác để lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và trả bớt nợ. Dù thất bại, anh chưa một lần có ý nghĩ quay lại thành phố làm việc, mà chỉ cố gắng tìm kiếm con đường khác tại chính quê hương của mình.
Khởi nghiệp làm tương ớt tương cà, anh chỉ có khoảng 30 triệu đồng trong tay.
Khoảng cuối 2019, anh thấy giá nông sản của quê hương mình rớt giá thê thảm, thương lái không tới mua, đặc biệt là ớt. Loại quả này được đem ra đường đổ bỏ rất nhiều vì ế ẩm. Điều đó đã khiến anh suy nghĩ rất nhiều và bắt đầu có ý tưởng nghiên cứu phát triển các loại gia vị từ các loại nông sản.
Tiết kiệm được 30 triệu đồng từ công việc nấu ăn, anh đem tất cả đi khởi nghiệp. Khi chuyển sang làm tương ớt, tương cà, anh Cương phải mày mò trên mạng công thức chế biến, cách bảo quản của ông bà ngày xưa và điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Nói thì dễ nhưng làm thật sự khó khăn đối với anh, bởi anh xuất phát không phải dân hóa học nên công thức chế biến anh không nắm rõ.
Chưa kể, đây là hàng không có chất bảo quản nên anh phải đổ đi gần 50 lần thử nghiệm thì mới thành công. Nguyên liệu chưa biết cách bảo quản nên cũng bỏ đi nhiều trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Anh cho biết phải mất gần 50 lần thử nghiệm mới cho ra thành phẩm bán trên thị trường.
Số vốn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng chỉ đủ để nhập nguyên liệu. Sau này, thấy phản hồi tốt từ khách hàng, vợ chồng anh lại vay thêm được 60 triệu để mua một số máy nho nhỏ để sản xuất cho thuận tiện hơn.
“Do khởi nghiệp lần 2, tôi với tâm lý sợ vay nợ và phải trả khoản tiền nợ nần cũ nên tôi luôn cố gắng làm với chi phí thừa ít nhất có thể. Hàng cứ bán đi thì tiền sẽ quay về, được bao nhiêu đem tích cóp bấy nhiêu để tái đầu tư vào nhà xưởng và trả nợ dần”, anh cho hay.
Đến tháng 3/2020, anh chính thức thành lập công ty khi mọi thứ đi vào ổn định, có những đơn hàng lớn. Ngoài ra, anh sản xuất thêm tương cà và lấy nguyên liệu từ quê hương.
Năm ngoái, công ty của anh cung cấp ra thị trường hơn 20.000 chai tương ớt, tương cà ở thị trường, doanh thu mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay, Công ty đang cung cấp 6 sản phẩm tương phù hợp với khẩu vị ăn riêng theo vùng miền được đánh giá cao trên thị trường.
“Năm nay, công ty của tôi mất gần 2 tháng đứng im vì dịch, tăng trưởng bị chững. Tuy nhiên, đến nay, khách hàng tìm kiếm sản phẩm địa phương tốt hơn nên hoạt động cũng trở lại bình thường”, anh cho biết.
Trong tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào chất lượng sản phẩm để không phụ niềm tin và sự yêu quý của khách hàng dành cho công ty anh. Bên cạnh đó, anh mong muốn trong thời gian tới sẽ chinh phục thị trường thế giới.
THEO ANH THƯ
(Báo Dân Việt)