Các startup Việt “lớn” nhanh trong dịch
Các báo cáo thị trường nửa đầu năm 2020 cho thấy, startup Việt “lớn” nhanh, tăng trưởng về quy mô ngay trong thời điểm khó khăn, dưới tác động của dịch bệnh.
Bức tranh thị trường vốn mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ Việt Nam dưới tác động của dịch bệnh đã dần lộ diện qua các báo cáo thị trường nửa đầu năm 2020 vừa được công bố.
Qua nửa đầu năm nay, danh sách công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam đạt mốc định giá trên 100 triệu USD tiếp tục được nối dài với các cái tên mới, theo bộ phận nghiên cứu của Cento Ventures. Trong đó nổi bật có 2 startup vươn lên mức định giá trên 500 triệu USD là VNPay và Tiki.
Tiki đã gọi thành công vòng vốn hơn 100 triệu USD ngay giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng. Nhiều ngành kinh tế có thể chịu tác động tiêu cực vì dịch, nhưng với nhà đầu tư, thương mại điện tử không nằm trong số đó.
Các startup “lớn nhanh” nhất trong giai đoạn vừa qua tập trung vào 2 ngành là thương mại điện tử và thanh toán số. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Sau giai đoạn cao điểm dịch, một startup Việt quy mô lớn khác là Momo cũng vừa cho biết đã cán mốc 20 triệu người dùng, với tốc độ tăng trưởng người dùng 100% chỉ sau 1 năm. Thậm chí, startup này còn đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng, một nền tảng mở giúp các khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Các startup “lớn nhanh” nhất trong giai đoạn vừa qua tập trung vào 2 ngành là thương mại điện tử và thanh toán số. Qua báo cáo của DealStreetAsia, 2 lĩnh vực này trở thành nơi hút vốn đầu tư startup nhiều nhất tại Đông Nam Á, với 700 triệu USD cho thương mại điện tử và 500 triệu USD cho thanh toán điện tử.
Thương mại điện tử và thanh toán số trở thành nơi hút vốn đầu tư startup nhiều nhất tại Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: Dân trí)
“Thương mại và thanh toán điện tử là 2 lĩnh vực đầu tư yêu thích của chúng tôi. Tôi cho rằng lượng tiền đầu tư sẽ còn tiếp tục tăng, bởi thời gian qua chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể về lượng người dùng thường xuyên trong 2 lĩnh vực này, phù hợp với xu hướng chi tiêu tiện lợi với chi phí tiết giảm”, ông Tan Yinglan, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners cho biết.
Các báo cáo thị trường cũng cho thấy xu hướng startup đã có kinh nghiệm và nhiều lần gọi được vốn sẽ dễ được nhà đầu tư giải ngân hơn là các startup mới.
Theo Cento Ventures, các khoản đầu tư từ 10 – 50 triệu USD (tương ứng vòng gọi vốn B và C) đạt mức kỷ lục, lên đến 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với nhận định của giới quan sát, rằng các nhà đầu tư mạo hiểm đang chú trọng hơn đến chất lượng startup, thay vì số lượng.