Các startup làm chatbot tăng trưởng tốt theo xu hướng chuyển đổi số
Bot Bán Hàng, Hana.ai hay Sumi đều là các startup kinh doanh chatbot và đang phần nào hưởng lợi từ xu thế chuyển đổi số, qua đó tăng trưởng hướng tới các mục tiêu xa hơn như tăng doanh thu, có lãi hay thậm chí là IPO.
Sự kiện Demo Day của Grab Ventures Ignite là dịp các startup kết nối và chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp. 11/13 startup bước đến vòng cuối cùng là các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Nhóm công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ liên lạc/giao tiếp đang góp mặt khá đông trong danh sách. Trong số đó, có hai startup với cùng một sản phẩm kinh doanh: chatbot (công cụ chat tự động).
Ra đời từ năm 2016 và từng nổi lên tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp quốc tế –SURF 2017 với 100.000 người tương tác trên nền tảng, Sumi cho biết ứng dụng đã đạt được những bước tiến trong 3 năm trở lại.
Cụ thể, đồng sáng lập Trâm Anh cho biết tính cam kết của người dùng đang ở mức cao trong thời gian vừa qua, bất chấp tình hình dịch bệnh. Lượng người dùng cũng ở mức ổn định. Tỉ lệ chuyển đổi (số chatbot tạo ra doanh thu trên tổng số chatbot sản xuất) có thể lên đến 25%.
“Với tỉ lệ chuyển đổi 25%, chúng tôi dự kiến sẽ đạt điểm hòa vốn vào quí II/2023 và bắt đầu có lợi nhuận trong năm kế tiếp”, đồng sáng lập Trâm Anh chia sẻ.
Cũng sản xuất chatbot và xuất hiện trên thị trường từ năm 2016, một startup khác là Hana.ai khẳng định công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong 18 tháng trở lại.
Trong hơn một năm vừa qua, Hana.ai đã tạo ra 20.000 chatbot với 75% trong số đó hiện hoạt động thường xuyên. Số người dùng lên đến 35 triệu, giúp startup kiếm về 300.000 USD trong 1,5 năm gần nhất.
Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là tăng gấp đôi doanh thu từ việc kinh doanh chatbot. Để làm được điều đó, Hana.ai dự kiến sẽ nâng số chatbot lên con số 25.000. Đây là một mục tiêu khả dĩ bởi trong 20.000 chatbot được công ty sản xuất, thì chỉ có 1.200 chatbot đang tạo ra doanh thu.
“Người dùng có thể sử dụng Hana.ai miễn phí trong thời gian đầu tiên. Đây là một cách để công ty marketing sản phẩm của mình”, đại diện Hana.ai chia sẻ tại Demo Day.
Cũng trong sự kiện Demo Day, Hana.ai mong muốn kêu gọi 800.000 USD để đổi lấy 20% cổ phần của công ty. Kế hoạch sử dụng vốn huy động cũng rất rõ ràng: 60% sử dụng cho công tác nghiên cứu và phát triển; 20% cho hoạt động marketing; 10% chi phí hoạt động và 10% là quĩ dự phòng.
Trong trường hợp nhận vốn đầu tư như kì vọng, Hana.ai đặt ra mục tiêu trong 15 tháng kế tiếp: sản xuất 45.000 chatbot với tỉ lệ chuyển đổi 12%. Doanh thu trong giai đoạn này ước tính sẽ là 650.000 USD.
Cũng theo lộ trình dự kiến, Hana.ai mong muốn sẽ tăng giá trị công ty lên gấp nhiều lần, đồng thời IPO vào năm 2025. Đội ngũ sáng lập của Hana.ai là các nhân sự từng làm cấp quản lí tại Viettel.
Không góp mặt tại Grab Ventures Ignite, nhưng một startup khác kinh doanh chatbot cũng tạo điểm nhấn trong năm 2020 là Bot Bán Hàng. Bot Bán Hàng vừa gọi vốn 500.000 USD từ quĩ Next100 của NextTech hồi tháng 4/2020.
Thời điểm rót vốn, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng dịch COVID-19 là quả bom nguyên tử giúp chuyển đổi số bùng nổ, và các nền tảng công nghệ đang được hưởng lợi nhất từ xu thế này.
Mới đây tại Diễn đàn tiếp thị 2020, ông Đinh Trung Thành, giám đốc marketing Bot Bán Hàng chia sẻ rằng hiện công ty đang triển khai thêm được các phương án tối ưu cho khách hàng, từ chi phí quảng cáo, nhân sự và tích hợp đơn.
Nói rõ hơn về những lo ngại khi bị Facebook xóa, khóa page khi lạm dụng chatbot, ông Thành khẳng định nếu cứ gửi một nội dung cố định tới người dùng, Facebook sẽ nhận thấy đây là hành động “spam”. Từ đó, fanpage bán hàng cũng bị ảnh hưởng. Để tránh việc này, ông cho rằng nên thay đổi nội dung trong các thông điệp gửi khách.
“Nên đưa từng thông điệp tới từng tập khách hàng. Khách hàng đã mua đưa một thông điệp, khách hàng chưa mua thì dùng thông điệp khác. Từ đó, fanpage sẽ không bị Facebook báo cáo và để mắt”, ông Thành chia sẻ.
Tiểu Phượng