Đang làm trợ lý giám đốc với mức lương bao người mơ ước, cô gái trẻ bỗng quyết định xin nghỉ việc để trở về khởi nghiệp, thu cả trăm triệu đồng/tháng.

Vốn là một người yêu thích các hoạt động tình nguyện, Phạm Thị Kim Hằng (sinh năm 1995) vẫn thường xuyên cùng bạn bè tổ chức xin tài trợ để mua quần áo, sách vở và học bổng cho các em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn.

Vừa làm trợ lý giám đốc cho một công ty, chị vừa tham gia các hoạt động tình nguyện vào các dịp rảnh. Tuy nhiên, làm tình nguyện một thời gian, 9x nghĩ rằng hoạt động này muốn bền lâu thì không thể dựa vào tiền ủng hộ của các mạnh thường quân mà phải tự mình có tiềm lực kinh tế.

Với mức lương gần 20 triệu đồng – mức lương nhiều người mơ ước có được, chị vẫn quyết định xin nghỉ về kinh doanh để có tiền làm từ thiện. “Tôi thích và luôn sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên nên đã quyết định kinh doanh các sản phẩm này”, chị nói.

Phạm Thị Kim Hằng bỏ việc làm trợ lý giám đốc về khởi nghiệp.

Sau mấy năm đi làm công việc có lương tốt, chị tích góp được một số vốn nhỏ. Nên khi về kinh doanh, chị Hằng mở cửa hàng nhỏ ở quận Tân Phú (TP.HCM) chuyên kinh doanh các sản phẩm xanh. “Khó khăn lớn nhất khi kinh doanh các sản phẩm này là cần đến trải nghiệm và được tư vấn nhiều nên khi mới bắt đầu chưa có kinh nghiệm, bán chưa được nhiều sản phẩm”, chị cho hay.

Chính vì vậy, doanh thu nhiều tháng còn thấp khiến cho tài chính khó khăn. “Tuy nhiên, tôi có số vốn tiết kiệm được từ những năm đi làm và lường trước được khó khăn này, xác định làm lâu dài nên vẫn kiên trì. Tôi nhớ lúc đó có ngày chỉ bán được cái xơ mướp hay cục xà phòng, doanh thu cả ngày chỉ khoảng 35.000 đồng.

Dù đã biết trước được điều này sẽ xảy ra, nhiều hôm tôi vẫn buồn. Bên cạnh đó, tôi còn bị áp lực từ gia đình, vì mọi người kỳ vọng mình theo kiểu khác và nghĩ tôi mới ra trường một năm, khó mà khởi nghiệp thành công được”, chị tâm sự.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, chị đã kinh doanh hơn 200 mặt hàng thân thiện với môi trường.

Chưa kể, nhiều người xung quanh chị chưa biết nhiều về các sản phẩm xanh nên cứ nghĩ chị Hằng bị “điên” khi khởi nghiệp với sản phẩm này. Không ai nghĩ một cô gái trẻ tốt nghiệp ngành liên quan đến Hàng không, từng mở lớp dạy tiếng Anh, công việc ổn định, lại đi gác hết tất cả lại để săn lùng các sản phẩm như: bàn chải tre, tăm bông ngoáy tai… thân thiện với môi trường và đem chất đầy nhà. “Gia đình, dòng họ ai cũng thất vọng với ý tưởng bị coi là “điên rồ” của tôi”, chị nói.

Thời điểm đầu khởi nghiệp, sản phẩm xanh lúc đó khá hiếm, giá cao nên tiếp cận khách hàng khó khăn. Chị Hằng đã phải dành ra 2 năm để suy nghĩ và nghiên cứu, cho ra các sản phẩm xanh thuộc dòng phân khúc thấp hơn, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Khi chưa dịch, tiệm tạp hóa của chị đem về cho chị thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, cô gái trẻ này đã có 2 “tiệm tạp hóa xanh” nhỏ với hơn 200 sản phẩm có giá dao động từ 4.000 – 500.000 nghìn đồng/sản phẩm, bao gồm hộp đựng cơm, ly uống nước, bàn chải, cạo râu, sản phẩm chăm sóc cơ thể, quà tặng, quần áo ký gửi…

“Tôi chủ yếu kinh doanh 2 loại: sản phẩm làm thủ công và sản phẩm nhập từ nước ngoài. Doanh thu bán hàng những tháng khi trước dịch, chưa trừ hết các chi phí sản xuất dao động tầm 100 triệu đồng/tháng. Còn dịch bệnh diễn ra, các cửa hàng đều phải đóng cửa, bán online cũng không vận chuyển được”, nữ 9x tâm sự.

Thời gian tạm thời nghỉ dịch này, chị tập trung vào hoàn thiện ứng dụng công nghệ tạo hệ sinh thái xanh cho cộng đồng. Người tiêu dùng sẽ cùng đặt hàng các nhà cung cấp sản phẩm xanh với giá rẻ hơn nhiều so với mua lẻ.

Chị cho biết sau hơn 2 năm khởi nghiệp, các sản phẩm thân thiện với môi trường mà chị kinh doanh đã được nhiều người tin dùng và sử dụng. Chị thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng, chị hy vọng mọi người có thói quen sử dụng các sản phẩm này để bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, chị còn tạo việc làm cho nhiều bạn sinh viên và những người khuyết tật có thêm thu nhập. Chị dự định sắp tới sẽ mở “tiệm tạp hóa xanh” ở mỗi quận của TP. HCM để mọi người dễ dàng tiếp cận hơn.

THEO ANH THƯ
(Báo Dân Việt)