Bỏ phố về quê khởi nghiệp, Nguyễn Thái Huyền giờ đây là người sáng lập của thương hiệu HTN AGRIGREEN, mỗi năm tạo sinh kế cho hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương.

“O Huyền” là tên gọi thân thương mà mọi người dành cho Nguyễn Thái Huyền, bởi cô sinh ra tại quê Hà Tĩnh, nơi mà “Gió Lào thổi rạc bờ tre, chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”. O Huyền chia sẻ, chị sinh năm 1988 tại Hà Tĩnh sau đó cùng bố mẹ vào Bình Phước đi vùng kinh tế mới.

Tuổi thơ lớn lên ở một vùng quê nghèo khó khiến Huyền quyết tâm học tập cao độ để thoát nghèo. Chị tốt nghiệp ngành QTKD nhưng lại có niềm đam mê mãnh liệt với nghề Luật nên chị tiếp tục hoàn thành thêm VB2 Luật Thương Mại.

Với thành tích học tập xuất sắc, trải qua thử thách nghề Sales, O Huyền nhanh chóng đầu quân cho tập đoàn xuất nhập khẩu nông sản nước ngoài với mức lương hậu hĩnh (đây cũng là cơ duyên đưa Huyền đến với sầu riêng chuyên nghiệp).

Bằng sự nhạy bén, đam mê, và ham học hỏi, chỉ hơn nửa năm Huyền đã lên vị trí PGĐ Kinh Doanh phụ trách mảng nguyên liệu đầu vào.

Đang trên đà phát triển sự nghiệp, được sự động viên và hỗ trợ từ cấp trên, O Huyền quyết định bước ra kinh doanh riêng nhưng thất bại. Không nản chí, chị chập chững xây dựng lại thương hiệu sầu riêng sạch cho thị trường nội địa và mở chuỗi cửa hàng tại Hà Nội.

Thành công lại đến nhanh chóng, nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý với quy mô lớn, O Huyền thất bại lần thứ 2. “Tuổi trẻ mà, ai cũng có một thời xốc nổi, hiếu thắng, có lẽ cái mình nhận được nhiều nhất trên quãng thời gian đó là may mắn, mình may mắn có một công ty tốt để thể hiện năng lực, một môi trường tốt để mài dũa bản thân, một người sếp tốt để uốn nắn nâng đỡ…

Có lẽ may mắn quá nhiều nên thành công đến quá nhanh, người ta nói cái gì nhanh quá cũng không tốt, cái này chắc chắn đúng với mình, tại thời điểm đó mình luôn nghĩ mình đã đủ mạnh để bước đi 1 mình, thành tựu đến quá nhanh nên mình không có thời gian để nhìn nhận mọi việc… và tất nhiên khi nền móng của bạn không vững thì việc đổ bể chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Và cái may mắn lớn nhất đó là mình đổ bể sớm nên mình còn thời gian và cơ hội để làm lại”, O Huyền chia sẻ.

Lần thất bại này khiến Huyền tưởng chừng không thể gượng dậy nhưng bằng ý chí quyết tâm vấp ngã ở đâu sửa sai tại đó, biết mình yếu kém về năng lực quản lí cũng như tầm nhìn vĩ mô, chị ôm con về Sài Gòn tiếp tục học MBA.

Ban ngày đi học, buổi tối bán sầu riêng để đảm bảo cuộc sống của 2 mẹ con, vừa học , vừa gồng lãi, vừa trả nợ, nhiều lúc tưởng chừng như gục ngã, bỏ cuộc… Nhưng bằng một sức mạnh vô hình nào đó, mình bây giờ luôn thầm biết ơn nhưng năm tháng đó đã rèn dũa thành một O Huyền của ngày hôm nay”, O Huyền cười hiền tâm sự.

Rồi bằng 1 niềm tin vô hình, mình quyết định về Đắk Lăk bắt đầu khởi nghiệp lại từ đầu. Không thể vay mượn, cũng không có nhiều tiền nên O Huyền quyết định bằng vốn liếng kinh nghiệm bố mẹ đã trồng sầu riêng từ những năm đầu tiên khi sầu riêng về Bình Phước. O Huyền quyết định vừa kinh doanh thương mại, vừa nối nghiệp trồng sầu riêng nhưng với 1 con đường và hướng đi mới.

O Huyền với mảnh vườn sầu riêng do chính tay gây dựng được canh tác theo hướng hữu cơ.

“Nhiều người hỏi mình thất bại ở tuổi 30 có đáng sợ không? Đáng sợ lắm chứ khi tuổi đó bạn bè đã ổn định nhà cửa, sự nghiệp thăng tiến còn mình thì làm đâu bể đó. Kinh doanh đổ bể khiến mình mất hết tiền bạc và phương hướng. Để có thể trồng ra cây sầu riêng có chất lượng trái tốt, mình phải đi hàng trăm cây số để học hỏi từ nhà vườn, thậm chí mình còn đi sang tận Thái – Mã Lai để học hỏi kinh nghiệm làm vườn từ họ để về áp dụng. Có những ngày mình miệt mài ở vườn sầu riêng từ sáng sớm đến tối mịt kiên trì học hỏi, không ngừng cải thiện kỹ thuật trồng trọt và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”, O Huyền nói.

Sau khi sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao đã góp phần giúp nông dân trồng loại cây này có một mùa vụ bội thu, nhiều người trở thành “tỷ phú”. Không phụ những năm tháng khó nhọc, sau một thời gian dài bỏ phố về quê, sau 2 lần vấp ngã, O Huyền đã gặt hái được thành công nhất định.

“Trong trang trại, mình trồng nhiều loại sầu riêng như 6 Hữu, Chuồng Bò, Musangking, Black Thor, nhưng chủ yếu: Ri6 và Monthon. Chất lượng trái rất thơm, ngon; trái chín tự nhiên nên khách rất thích. Khí hậu và thổ nhưỡng Đắk Lắk lại rất thích hợp cho cây sầu riêng phát triển và cho trái tốt nên từ mảnh vườn nhỏ mình tăng diện tích từ vài nghìn mét vuông lên 1ha lên 2ha rồi đến hàng chục ha như hiện tại”, O Huyền nói.

Nữ giám đốc đích thân đi kéo nước để tưới cho cây sầu trong đợt nắng hạn cao điểm vừa qua.

Nhờ vào kinh nghiệm sinh ra và lớn lên cùng nương rẫy, gia đình dòng họ bao đời làm nông, hàng chục năm O Huyền đã cùng gia đình đã trồng sầu riêng tại Bình Phước, thêm vào đó nhận thấy ở địa phương diện tích trồng tăng lên theo hằng năm, quan trọng nhất với kinh nghiệm 5 năm đầu quân cho tập đoàn xuất nhập khẩu O Huyền mong muốn cho bà con thoát khỏi cảnh “Được mùa mất giá” nên đã cho ra đời công ty xuất nhập khẩu HTN Agrigreen.

Công ty của O Huyền còn hỗ trợ nông dân trong vùng kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình tiêu chuẩn xuất khẩu, tránh các thuốc ở danh mục cấm thuốc BVTV, đảm bảo nguồn sầu đạt chất lượng tốt nhất, cung cấp số lượng lớn ra thị trường tiêu thụ.

Thành công trong sự nghiệp, O Huyền quyết định lập 1 quỹ từ thiện trích từ lợi nhuận từ vườn nhà và công việc kinh doanh thương mại. Hàng tháng – hàng năm anh chị có những chương trình thiện nguyện ý nghĩa.

O Huyền tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.

O Huyền chia sẻ: “Mình đã từng trải qua những giai đoạn tột cùng của sự bi thương, nên mình muốn sẻ chia bớt khó khăn với các bạn, hy vọng các bạn sẽ đủ dũng khí để đi lên”.

Khi kể về hành trình khởi nghiệp, bỏ phố về quê trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ nói cũng rất muốn, nhưng lại không dám bắt đầu. O Huyền tâm sự: “Khởi nghiệp đã khó, Khởi nghiệp nông nghiệp càng khó, và Khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp lại vô cùng vô cùng khó, để làm được điều đó, ngoài sự đam mê, nhiệt huyết thì bạn phải giữ được cái đầu lạnh, dám làm, dám thất bại, một ngày có khi bạn làm cả 20 tiếng, làm từ công việc chân tay đến văn phòng, chứ lúc này tiền đâu mà thuê người làm”.

O Huyền hài lòng vì những gì bản thân đang có và chưa bao giờ hối hận với quyết định bỏ phố về quê.

Khi hỏi về điều gì khiến O Huyền tiếc nuối nhất khi bỏ phố về quê, O Huyền bảo không có gì phải tiếc nuối cả. Tuổi trẻ mà, dám đánh đổi dám trưởng thành. Nếu thời gian quay ngược lại thì mình sẽ chín chắn hơn, kỹ lưỡng hơn, cẩn thận hơn. Chậm và chắc hơn. Để không phải trả giá bằng 2 lần bể nợ. Cuộc sống của O Huyền hiện tại gói gọn trong sự an yên, thoải mái. Đặc biệt, chị nghiệm ra khả năng thích ứng của con người là vô biên, chỉ cần kiên trì theo đuổi lý tưởng sống của mình.

THEO AN NHIÊN
(Báo Dân Việt)