Bỏ nghề may, mẹ đơn thân chật vật khởi nghiệp nuôi 4 con
Từ một thợ may nức tiếng ở địa phương, chị Tâm đành chấp nhận “gác” nghề khi công việc đã qua thời “hoàng kim”. Để có tiền nuôi con, chị quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa ở tuổi U50.
Bắt đầu lại mọi thứ
5h, chị Nguyễn Thị Tâm (43 tuổi, ngụ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thức giấc như thường lệ. Ngó qua thấy các con đang ngủ say, chị Tâm nhoẻn miệng cười, lật đật mang tạp dề, bắt đầu một ngày làm việc mới.
Mẹ đơn thân khởi nghiệp tuổi 43, kiếm tiền nuôi con (Ảnh: Nguyễn Vy).
Cứ sáng sớm, chị Tâm lại đẩy quầy hàng ra đường Lý Thái Tổ (ấp Bình Phú, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) để ngóng khách.
4 tháng qua, chị được một người quen nhượng lại xe hàng bán đồ ăn nhanh. Cửa hàng của chị bán đầy đủ các món như hamburger, mì Ý, pizza, mới đây có thêm món bánh gạo tokbokki chiên giòn rất được học sinh và các bạn trẻ yêu thích.
Vì muốn thức ăn làm ra có chất lượng, chị Tâm thường tranh thủ chuẩn bị thật sớm, bán đến 22h mới dọn hàng. Mỗi ngày, chị chỉ ngủ vài tiếng. Dù vất vả, người mẹ chưa bao giờ than vãn, bởi khao khát kiếm tiền nuôi con lúc nào cũng mạnh mẽ trong chị.
Với tính cách thân thiện và kinh doanh hết mình, chị Tâm dễ dàng kiếm được “bạn hàng quen”. Mỗi ngày, cửa hàng bán được hơn 100 phần ăn, giúp chị có đủ tiền để lo cho gia đình.
Trước khi khởi nghiệp bán thức ăn nhanh, chị Tâm từng có hơn 17 năm làm thợ may, nổi tiếng ở địa phương.
“Xưởng may chuyên cung cấp phụ liệu may, nhận hàng gia công vắt sổ, làm tất cả những công đoạn liên quan đến quần áo, túi xách, ba lô, dép. Thời gian đầu, thu nhập rất ổn định. Nhưng từ năm 2022, kinh tế suy thoái, nhu cầu về quần áo không còn như trước, khiến xưởng hoạt động rất khó khăn”, chị Tâm bộc bạch.
Xưởng may gặp khó khăn, chị Tâm phải “chuyển mình”, tìm cách khởi nghiệp lĩnh vực khác (Ảnh: Nguyễn Vy).
Cuộc hôn nhân không trọn vẹn
Người mẹ trẻ nhớ rõ như in, có lúc, chị phải vay nợ đủ nơi để gồng gánh kinh tế gia đình để bám trụ vào xưởng may đã dành nhiều tâm huyết. Nhiều đêm, chị Tâm thức trắng khi bản thân từ một bà chủ xưởng may lớn, nay trong túi chỉ còn vài trăm nghìn đồng, không đủ lo cho con.
Hằng tháng, một mình chị phải gồng gánh phí sinh hoạt hơn 13 triệu đồng của 4 người con.
“Lắm lúc, tôi thấy bất lực lắm. Mỗi khi nhìn sang các con, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng hơn. Bản thân tôi dù cực khổ, nhưng tuyệt đối không để các con thiếu thốn”, chị Tâm trải lòng.
Nói đến đây, chị Tâm chợt khựng lại. Chị kể vợ chồng chị đã li dị nhau, anh cũng có người mới hơn 2 năm nay. Dù không khỏi chạnh lòng, chị Tâm cũng tỏ ra bản thân vô cùng mạnh mẽ, dần tập làm quen với điều đó.
Không những vậy, khi thấy chồng cũ không có nơi nào để đi, chị còn Tâm chấp nhận cho anh ở ngay sau nhà, chỉ cách bức tường. Nhờ vậy, chồng cũ cũng thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, phụ chị kiếm tiền lo cho các con.
Chị kể sau dịch Covid-19, chồng cũ mất việc nên không làm ra tiền. Khoảng vài tháng gần đây, từ lúc chị mở quán bán đồ ăn, anh thấy chị một lúc làm nhiều việc nên đăng ký chạy ô tô công nghệ để phụ phí sinh hoạt cho các con.
Cuộc sống trải qua nhiều biến cố, chị Tâm nói với giọng chắc nịch: “Bản thân tôi vẫn còn mạnh mẽ lắm! Bây giờ mọi thứ không quá đủ đầy, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc khi ở bên các con”.
Vì tính cách dễ gần, chị Tâm luôn được khách hàng yêu mến (Ảnh: Nguyễn Vy).
Dù khởi nghiệp một lần nữa ở tuổi 43, chị Tâm khẳng định điều đó chưa bao giờ là trễ.
“Từ những thất bại, bản thân tôi rút kinh nghiệm từ đó để làm tốt hơn. Mỗi lần khởi nghiệp là mỗi lần khó khăn, thử thách khác nhau. Chỉ cần vượt qua những điều đó, bản thân có thể thành công. Đồng tiền tự kiếm được lúc nào cũng quý giá, vì thế bản thân nên trân trọng thành quả lao động của bản thân”, chị Tâm cười, nói.
Thấy mẹ vất vả, các con của chị lúc nào cũng ngoan ngoãn, vâng lời. Thỉnh thoảng, các con cũng đến quầy hàng phụ mẹ sau giờ học. Đối với chị Tâm, đó là tài sản quý giá nhất.
THEO NGUYỄN VY
(Báo Dân trí)