Bỏ lương nghìn đô, cô gái Hà Nội khởi nghiệp với nghề điêu khắc da bò
Từ miếng da vụn được tặng, chị Nguyễn Ngọc Diệu Linh (Hà Nội) đã sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo và nghề điêu khắc da bò hình thành từ đó.
Cơ duyên từ tấm da vụn
6 năm trước, chị Nguyễn Ngọc Diệu Linh (Hà Nội) được một người bạn chuyên bán đồ da, tặng cho một tấm da vụn. Ban đầu, cầm tấm vải trên tay, chị mới chỉ nghĩ đến việc sẽ làm ra một đồ lưu niệm, nhỏ xinh, giữ cạnh bên mình. Nhưng không ngờ, cơ duyên ấy cứ nối tiếp khiến chị đam mê, tò mò và muốn tìm hiểu sâu về một lĩnh vực mới lạ, mang tên “nghệ thuật điêu khắc da bò”.
“Khi ấy, tôi đang là graphic designer (nhà thiết kế đồ họa), chuyên thiết kế banner cho các thương hiệu với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng và là chủ một cửa hàng quần áo có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Nên khi tôi quyết định nghỉ việc, đổi nghề thì mọi người ai cũng tỏ ra tiếc nuối, sửng sốt, đặc biệt là ba mẹ tôi” – chị nói.
Nhưng theo chị Linh, sau 6 năm nhìn lại, chị cảm thấy quyết định khi xưa là đúng. Bởi chị đã được làm công việc mình thích và thực sự đam mê.
Chị Nguyễn Ngọc Diệu Linh thực hiện công việc hàng ngày.
Chị kể, thời gian đầu, chị đến với đồ da như một niềm yêu thích, xả stress sau khi sinh em bé. Với lại, khi ấy, chị cảm thấy công việc văn phòng, ngồi thiết kế không còn phù hợp nữa. Dù trước đó, chị đã có 4 năm theo học ngành đồ họa, tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
“Tôi cảm thấy công việc cũ thật sự ngột ngạt, không còn thú vị kể từ khi tôi sinh em bé. Thế nên, tôi đã quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm con, thư giãn và tìm cảm hứng mới. Và tôi đến với da như một mối lương duyên không định trước” – chị nhớ lại.
Những chi tiết, hình ảnh được điêu khắc sống động trên chiếc ví.
Trông xa, nhiều người còn tưởng đây là một bức tranh.
Chị Linh từng ví mình bước vào nghề đồ da như “một trang giấy trắng” bởi mọi kiến thức, kỹ thuật về da với chị đều là mới toanh và phải học lại từ đầu. Do đó, hàng ngày, chị phải tự mò mẫm lên Facebook, Youtube, Instagram để học, đọc thêm tài liệu về da.
Càng tìm hiểu, chị mới thấy, nghề da thật rộng lớn, không dễ dàng như chị tưởng tượng. Muốn theo nghề, chị phải đầu tư thời gian nghiên cứu, học tập chuyên cần.
“Việc điêu khắc, cắt may một tấm da không hề đơn giản như những gì tôi nghĩ. Bởi da bò rất mềm, cả kể cắt, căn đo chuẩn thế nào mà không có kỹ thuật thì may lên vẫn bị lệch. Như sản phẩm đầu tiên tôi làm ra là một chiếc ví, nó ngô nghê, vụng về lạ” – chị tâm sự.
Dấn thân vào nghề điêu khắc
Theo chị Linh, thời gian đầu, chị thường chọn làm những đồ đơn giản, có thể may, nối, dán trên cùng một mặt phẳng như ví, bao da chìa khóa, túi đựng zippo. Các sản phẩm này chị hay làm để tặng bạn bè, người thân chứ không mang ra thương mại. Nếu ai có thuê, đặt làm, chị chỉ lấy tiền da, tiền màu nhuộm.
“Năm 2017, có vị khách đặt mua một sản phẩm là bao da đựng zippo. Để tạo ấn tượng, tôi có dùng vật nhọn, chạm khắc lên đó vài họa tiết đơn giản, rồi nhuộm màu, chứ làm gì có bộ dụng cụ chuyên nghiệp như bây giờ. Nhưng niềm vui nhất của người thợ, là sau nhiều năm, vị khách đó vẫn dùng chiếc bao da tôi làm” – chị nói.
Sau sản phẩm thương mại đầu tiên, chị Linh càng thêm tin tưởng vào con đường đã lựa chọn. Qua tìm hiểu, chị mới thấy rằng, không phải bất cứ loại da nào cũng có thể điêu khắc được. Chỉ có loại da bò thảo mộc hay còn được gọi là Veg-tan (Vegetable tanned leather) mới có thể dùng. Loại da này thường có nguồn gốc từ Ý, Pakistan, Argentina với ưu điểm là bề mặt mịn và màu sắc tự nhiên.
“Nếu chỉ làm đồ thông thường thì ai cũng có thể làm được nên tôi phải làm một thứ gì đó ghi lại cá tính, dấu ấn cá nhân là điêu khắc trên da. Nghĩa là vừa làm đồ vật bằng da, vừa chạm khắc mọi chi tiết trên đó sao cho độc đáo” – chị kể.
Thế nên, chị Linh đã lên mạng tìm, đặt mua bộ dụng cụ chuyên dành cho điêu khắc với một con dao cắt đầu tiên là 150.000 đồng, tiếp đến là bộ đồ Trung Quốc gồm các tool cơ bản có giá 600.000 đồng.
“Để đi được những đường nét cơ bản, tôi phải tập luyện suốt trong vòng một năm, chỉ có ngồi đọc, học, dựng và cắt sản phẩm. Đầu tiên, tôi sẽ vẽ hình phác họa lên da, sau đó thấm nước cho da mềm, rồi dùng dao đi nét chạm, khắc lên đó và viền xung quanh để tạo độ nổi”- chị nói.
Miếng da bò sau khi được nhuộm màu và chạm khắc các chi tiết.
Tùy thuộc vào kích cỡ cũng như độ khó mà thời gian để chạm khắc một sản phẩm sẽ mất tầm 7 – 8 tiếng đồng hồ, thậm chí là 2 – 3 ngày. Sau đó, chị mới nhuộm màu cho sản phẩm.
“Những ngày đầu điêu khắc trên da, tôi làm hỏng nhiều lắm. Thậm chí là đục, cắt vào tay không biết đến bao nhiêu lần. Hay đánh cạnh nhiều đến nỗi bị viêm xoang vì tiếp xúc bụi mịn với tần suất lớn” – chị cho hay.
Khởi nghiệp thành công
Khi tay nghề nâng cao, khách đã tìm đến chị Linh nhiều hơn để đặt mua sản phẩm. Nhờ thế, mỗi tháng, chị Linh thu về từ 30 – 50 triệu đồng.
Những món đồ nhỏ, trung bình mỗi tháng, chị làm ra hơn 20 sản phẩm, còn đồ lớn thì dao động 10 – 15.
Với dòng ví da có họa tiết, chạm khắc đẹp thường có giá từ 2 – 8 triệu đồng, túi xách nhỏ từ 4 – 10 triệu đồng, balo từ 12 triệu đồng.
Mỗi tháng, chị Linh thu về từ 30 – 50 triệu đồng từ việc bán sản phẩm.
“Nói là chủ cửa hàng cho to, chứ hàng ngày, tôi vẫn phải đi nhập nguyên liệu, cắt da, may sản phẩm rồi đến bán hàng, chăm sóc, tư vấn cho khách, đủ mọi việc.
Nhưng đổi lại là tôi có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho gia đình, kinh tế ổn, không bị phụ thuộc về giờ giấc hành chính, hơn nữa là được tự do sáng tạo, không bị gò ép bởi bất cứ điều gì” – chị tâm sự.
Với chiếc ví da có họa tiết, chạm khắc đẹp thường có giá từ 2 – 8 triệu đồng.
Tùy thuộc vào kích cỡ cũng như độ khó mà thời gian để chạm khắc một sản phẩm sẽ mất tầm 7 – 8 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, chị Linh cũng cho rằng, những ngày đầu khởi nghiệp của chị vô cùng gian nan khi bài toán kinh tế đè nặng lên vai. Bởi chị đã dùng 2 năm đầu tiên chỉ để học nghề nhưng giờ là lúc chị phải kiếm tiền, dùng nghề nuôi sống gia đình và bản thân.
“Sản phẩm về da rất đặc thù, với da điêu khắc còn đặc thù hơn thế. Bởi đa phần, những người tìm đến đồ da đều là người có gu, am hiểu sâu sắc về vật liệu và trân trọng giá trị các sản phẩm thủ công.
Thế nên, người thợ ngoài làm đẹp, làm chuẩn thì phải bắt nhịp được xu hướng để mình không bao giờ bị lỗi mốt. Bởi có những sản phẩm phải sửa đi, sửa lại nhiều lần để đúng với yêu cầu của khách” – chị nói.
Dòng da mà chị Linh sử dụng có tên là da bò thảo mộc hay còn được gọi là Veg-tan (Vegetable tanned leather).
Theo chị Linh, khi kinh doanh, ngoài làm tốt công việc chuyên môn, người chủ phải cân đối, xử lý mọi việc làm sao cho hài hòa.
“Nếu chỉ ngồi nghĩ thì sẽ không bao giờ có thể làm được gì, càng nghĩ nhiều càng mệt nhiều. Nên chỉ có cách, làm, làm, làm, nếu sai hãy sửa thì mới trưởng thành và phát triển được”- chị bày tỏ.
Theo tiết lộ, trong thời gian tới, chị Linh sẽ mở rộng cửa hàng và phát triển nghề điêu khắc trên da. Đặc biệt là mở những buổi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức đến các bạn trẻ yêu mến đồ da trên cả nước.
THEO HOÀNG DUNG
(Dân trí)