Beyond the Rack: Ngôi sao bong bóng của làng thương mại điện tử
Beyond the Rack là một ví dụ sáng chói về sự đổi mới của Quebec, Canada, nhưng đến ngày 22/4/2016, công ty đã phải tìm cách cơ cấu lại hoặc tìm được người mua lại.
Linda Sigal của công ty nhập khẩu Simms Sigal cho biết: May mắn là Beyond the Rack chỉ nợ công ty cô chừng 352,57 USD, một giọt nước trong số khoản nợ 44,3 triệu USD cùng danh sách dài các chủ nợ.
Beyond the Rack là nhà bán lẻ trực tuyến do Yona Shtern và Robert Gold thành lập vào năm 2009. Công ty đã từng là “ngọn hải đăng” thành công trong thế giới bán lẻ trực tuyến, huy động được 100 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận.
Sự sụp đổ của công ty đã mở ra sự so sánh với những cái tên tương tự. Gilt Groupe được Hudson’s Bay mua lại với giá 250 triệu USD vào đầu năm 2016 sau khi được định giá ở mức 1 tỷ USD vào năm 2011, và đến tháng 6/2018 thì công ty thuộc về Rue La La. Nordstrom mua lại HauteLook với giá 180 triệu USD và nay đã lên sàn chứng khoán. Vente-Priveé của Pháp đã có tên mới và vẫn đang phát triển mạnh ở châu Âu.
Về cơ bản, Beyond the Rack là trang web bán những mặt hàng giảm giá trong khung giờ giới hạn cho các thành viên đăng ký. “Điều hay ho là họ không sở hữu hàng hóa. Họ không hề mua trước”, Sigal cho biết.
Và trong khi Sigal nói rằng mặc dù may mắn không bị nợ một khoản tiền lớn, cô cũng cho biết dịch vụ của công ty rất có vấn đề. Chẳng hạn, cô phải “đóng băng” hàng trong một tuần để “flash sale” (giảm giá chớp nhoáng), thường chạy trong khoảng 48 tiếng, rồi đơn hàng sẽ được đặt, đóng gói và chuyển đến kho của Beyond the Rack, sau đó Beyond the Rack mới chuyển cho khách hàng.
“Mất quá nhiều thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường”, cô phàn nàn, cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân thất bại. Hơn nữa, cô cũng không muốn sản phẩm của mình suốt ngày chạy theo giảm giá, khuyến mại.
Các nhà quan sát còn đưa ra những nguyên nhân khác như: không đảm bảo tính kinh tế theo quy mô, thách thức trong môi trường kinh doanh ở Canada, dựa quá nhiều vào thị trường Mỹ, chi phí logistics tốn kém, người tiêu dùng chán ngấy mô hình flash sale, quản lý kém và tốn tiền cho marketing.
Chẳng hạn, năm 2015, Beyond the Rack chi tới 23 triệu USD cho marketing. Họ cắt giảm xuống còn 8,9 triệu USD vào năm 2016. Nhưng quý IV/2015, họ đã thua lỗ tới 17,1 triệu USD.
Người tiêu dùng Bắc Mỹ tìm đến Beyond The Rack để mua hàng giá rẻ. Nhưng nó chỉ rẻ khi chưa tính chi phí vận chuyển.
Khi tái cấu trúc công ty vào năm 2016, một số người vẫn tỏ ra lạc quan, song một cựu nhân viên đã thẳng thừng nói rằng: Vấn đề là quản lý quá tệ và mô hình kinh doanh không thể làm ra tiền. “Họ không thể mở rộng. Càng mở càng tốn kém.”
Fernanda Sousa, một giám đốc kỳ cựu trong lĩnh vực thời trang ở Montreal, nhìn nhận xu hướng flash sale đã kết thúc, mặc dù người ta vẫn thích hàng giảm giá.
Bà cho biết, các thương hiệu cao cấp rất ý thức rằng họ cần phải giữ “niềm khát vọng” với thương hiệu. Vì vậy, càng ngày càng khó cho các trang web “giảm giá nhanh” sản phẩm. Rồi sự cạnh tranh từ Amazon, “chợ” trực tuyến khổng lồ, một nơi rất hấp dẫn cho những người có nhu cầu săn hàng rẻ.
Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ flash sale thậm chí còn cắt xén dịch vụ. Như Beyond the Rack thường xuyên giao hàng chậm, trong khi bán lẻ ngày nay quan trọng là “trải nghiệm”. “Hành trình khách hàng rất quan trọng. Nó phải đặc biệt. Người tiêu dùng yêu cầu điều đó.”
Nhà tư vấn Jacques Nantel cũng nói rằng mô hình flash sale đã trở nên có vấn đề: Giao dịch cần được thúc đẩy hàng ngày. Email quảng cáo được gửi hàng tuần. Điều này có thể gây khó chịu cho mọi người. Vì vậy mô hình liên tục cần thu hút người tiêu dùng mới để thay thế. Nhưng lại không dễ để làm điều đó.
Một vấn đề khác của Beyond the Rack là việc dựa vào thị trường Mỹ đã khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Không những vậy, người Mỹ lại không thích mua hàng trên các trang web nước ngoài. Với việc tiêu dùng nội địa đóng góp tới 88% GDP cho đất nước đủ thấy người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng tiêu dùng trong nước thế nào.
Bất chấp các vấn đề, các nhà quan sát ngành công nghiệp nói rằng họ hy vọng công ty sẽ tồn tại, bởi đó là một trong những ví dụ sáng chói về đổi mới bán lẻ của Canada. Và điều họ kỳ vọng đã “thành công” trên phương diện nào đó. Là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc, Beyond the Rack đã đổi tên, sa thải hai phần ba nhân viên của mình và nộp đơn xin phá sản lên tòa án Canada. Song họ vẫn tiếp tục hoạt động trên mạng xã hội với tên cũ, dù đã đổi tên công ty thành 7098961 Canada Inc. (để bảo toàn giá trị thương hiệu của công ty và giảm tác động tiêu cực tiềm ẩn). Dù vậy, những vết đen như vụ kiện mà Gucci đệ đơn chống lại Beyond the Rack – cáo buộc nhà bán lẻ bán đồ Gucci giả – từ tháng 2/2016 sẽ không biến mất. Các vụ kiện xấu xí chắc chắn không giúp ích gì cho một doanh nghiệp ốm yếu.
Sống Mới