Beepi: câu chuyện buồn của 1 startup… tưởng đã thành công
Beepi được thành lập năm 2013 với hi vọng sẽ tạo ra một thị trường kinh doanh xe cũ trên mạng, nơi những chiếc xe đã qua sử dụng được mua bán và trao đổi với giá cả phù hợp cùng với chất lượng tốt nhất. Nhưng những lỗi lầm trong trong việc sử dụng vốn đầu tư đã khiến công ty này thất bại.
Mục tiêu của Beepi là cải thiện quy trình cho người mua và người bán. Beepi không chỉ ghép người bán với người mua mà còn cung cấp cho người bán một mức giá đảm bảo, kèm theo lời hứa công ty sẽ mua xe nếu xe không bán được trong vòng ba mươi ngày.
Quá trình này được đơn giản hóa tương tự cho người mua: Beepi đã xử lý kiểm tra và giao hàng, cũng như làm hết các thủ tục giấy tờ cần thiết với người mua.
Beepi đã rất nhanh chóng gọi được số vốn đầu tư lên tới 150 triệu đô la, và định giá của Beepi lên tới 560 triệu đô la sau 2 năm. Họ khai thác một thị trường có tiềm năng lớn, có thể cạnh tranh về mặt chi phí và dịch vụ với các cửa hàng bán xe hơi truyền thống. Vậy chuyện gì đã xảy ra với Beepi khiến công ty phải bán dần tài sản và đóng cửa?
Beepi đã kiếm được tiền với một tốc độ đáng kinh ngạc – 7 triệu đô la mỗi tháng và phần lớn số tiền đó đã được chi vào việc tăng lương cho nhân viên, tiền làm thêm giờ và các chi phí không cần thiết. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng 300 người, và điều này chắc chắn đã góp phần vào tốc độ hao hụt số tiền hiện có của họ.
“Họ chi tiêu như một gã vừa trúng xổ số và cố xài tiền cho bõ những ngày cực nhọc. Họ sẵn sàng chi 10.000 đô la chỉ để mua 1 chiếc ghế sofa trong phòng họp riêng của giám đốc điều hành, bên cạnh đó họ còn trả phí điện thoại, phí xe hơi… cho những nhà đồng sáng lập khác của công ty.
Thiếu cân bằng và vững vàng trong cấu trúc chi tiêu như vậy, nên khi thị trường không phát triển như kỳ vọng, một bộ máy cồng kềnh với doanh thu nhỏ giọt đã khiến họ nhanh chóng sụp đổ” – Ingrid Lunden, nhà bình luận người Anh nhận xét.
Một vấn đề khác nằm ngoài sự kiểm soát của Beepi, ít nhất là trong mô hình kinh doanh mà họ sử dụng, là người tiêu dùng không sẵn sàng phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba trong quá trình mua xe.
Mua một chiếc xe, thậm chí là một chiếc xe cũ, là một trong những khoản chi lớn đối với bất cứ ai, và việc không thể trực tiếp mua hàng sẽ khiến hầu hết người mua cảm thấy không hoàn toàn thoải mái. Với một thứ quan trọng như một chiếc xe hơi, hầu hết người mua đều muốn có trải nghiệm thực tế khi đạp phanh, ngồi vào ghế lái và kiểm tra các động cơ; họ muốn lái thử một chiếc xe hơi để biết nó có đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của họ hay không.
Beepi có thể đã nghĩ rằng công ty đang loại bỏ một bước không cần thiết, nhưng có lẽ đó là phần quan trọng nhất trong việc mua xe. Bởi vậy, vào quý III năm 2016, Beepi chỉ bán được 153 chiếc xe/tháng ở California, trong khi những cửa hàng bán xe cũ ở địa phương bán tới 8500 chiếc xe/tháng. Và công ty đã nhanh chóng sụp đổ khi khoản tiền kiếm vào quá ít so với số tiền mà họ phung phí cho những thứ không cần thiết.
Việc thiếu cân bằng và vững vàng trong cấu trúc chi tiêu, cũng như sai lầm công ty mắc phải trong định hướng mô hình kinh doanh đã khiến startup này thất bại. Bên cạnh việc tiêu tiền vào những thứ quá xa xỉ, chất lượng dịch vụ của công ty ngày càng đi xuống khiến cho nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với công ty.
Vào năm 2016, Beepi đã gặp trục trặc về tài chính và buộc phải sa thải 180 nhân viên. Và đến tháng 2 năm 2017, công ty đã phải bán dần tài sản và buộc phải ngừng hoạt động.
Thất bại của Beepi không làm nên thành công của các thị trường bán xe cũ trực tuyến khác, nhưng nó đóng vai trò như một lời nhắc nhở cho các startup về tầm quan trọng của sự cẩn trọng trong thu-chi, và vấn đề trong việc mua bán xe hơi và kinh doanh nói chung.
Linh Nguyễn Lê (Theo Forbes)