Thảm họa WeWork và khủng hoảng của “startup siêu sao mới” Oyo khiến giới đầu tư hoài nghi về các công ty khởi nghiệp công nghệ khác được tỷ phú Masayoshi Son chống lưng.

Theo Nikkei Asian Reviews, định giá của một số công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới giảm mạnh sau khi Tập đoàn SoftBank của ông trùm đầu tư Son Masayoshi thừa nhận quỹ Vision Fund – có quy mô 100 tỷ USD – lỗ tới 1.800 tỷ yen (16,7 tỷ USD) trong năm tài khóa 2019.

Trong 9 tháng tính đến tháng 12/2019, Vision Fund lỗ 798 tỷ yen (7,41 tỷ USD). Sự bùng phát của dịch Covid-19 tiếp tục giáng đòn khiến quỹ này lỗ thêm 1.000 tỷ yen (9,29 tỷ USD) trong 3 tháng còn lại.

Giới phân tích dự báo khoản lợi nhuận được tích lũy trong 4 năm qua của Vision Fund có thể bốc hơi sạch sẽ. “Bất kỳ khoản tài trợ bổ sung nào dành cho Vision Fund đều phải đến từ tiền của SoftBank. Điều đó có thể làm nợ của tập đoàn Nhật Bản tăng cao và dẫn đến sự bất cân xứng về rủi ro và lợi nhuận”, chuyên gia Atul Goyal của Jefferies nhận định.

Cấu trúc của Vision Fund buộc quỹ phải trả tiền cho nhà đầu tư ngay cả khi lợi nhuận âm. Khoảng 50% cổ phần mà các nhà đầu tư bên thứ ba nắm giữ là cổ phiếu ưu đãi, trả cổ tức cố định 7% mỗi năm. Quỹ dành 15% cam kết của mình để trả cổ tức cố định và đầu tư thêm vào các danh mục đầu tư.

Thảm họa WeWork và sao xẹt Oyo

SoftBank đã cam kết chi hơn 14 tỷ USD cho startup chia sẻ văn phòng WeWork. Nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank Masayoshi Son bị thuyết phục bởi tham vọng chuyển đổi ngành công nghiệp bất động sản của Adam Neumann. Đầu năm 2019, WeWork cho biết đã huy động vốn với mức định giá 47 tỷ USD.

Con số này sụt giảm còn 7,8 tỷ USD sau khi WeWork hủy IPO hồi cuối tháng 9. SoftBank chịu lỗ kể từ đó và phải đưa Marcelo Claure lên làm chủ tịch điều hành của WeWork. Vào tháng 11, tỷ phú Son khẳng định vấn đề của WeWork sẽ “dễ dàng hơn” nếu tập trung vào việc cải thiện tỷ lệ sử dụng của các tòa nhà hiện có.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã giáng đòn chí mạng, khiến khách hàng chuyển sang làm việc tại nhà và tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, hai giám đốc của WeWork kiện lại SoftBank và quỹ Vision Fund vì vi phạm yêu cầu hoàn tất đề nghị mua 3 tỷ USD cổ phiếu.

Hôm 13/4, SoftBank tuyên bố lỗ 800 tỷ yen với những khoản đầu tư bên ngoài Vision Fund, bao gồm WeWork.
Năm 2018, Vision Fund dẫu đầu vòng đầu tư 1 tỷ USD vào chuỗi khách sạn và nhà hàng Oyo Hotels & Homes. Theo báo cáo của startup Ấn Độ được định giá 10 tỷ USD, Vision Fund còn tham gia vào một vòng tài trợ khác hồi năm ngoái.

Tại một sự kiện của SoftBank tại Tokyo hồi tháng 7/2019, tỷ phú Son gọi nhà sáng lập Ritesh Agarwal là “siêu sao mới” và “vua khách sạn”. Ritesh Agarwal phác thảo tham vọng trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ cho các khách sạn nhỏ.

Tuy nhiên, tham vọng tăng trưởng của Oyo bắt đầu bị hoài nghi sau khi định giá WeWork rơi tự do. Xung đột về hợp đồng với một số chủ khách sạn cũng xuất hiện trên một số thị trường. Oyo phải sa thải hàng nghìn nhân viên để tìm kiếm lợi nhuận.

Dịch Covid-19 làm gia tăng lo ngại về hoạt động kinh doanh của Oyo. Trong một video hồi tuần trước, Ritesh Agarwal cho biết doanh thu đã sụt giảm 50-60%. CEO Oyo thừa nhận nhân viên trên toàn cầu sẽ được nghỉ phép tạm thời hoặc nghỉ phép tối thiểu từ 60 đến 90 ngày.

Hàng loạt khoản đầu tư khổng lồ

Hơn nữa, giới đầu tư còn lo ngại về mối quan hệ bất thường giữa Oyo và SoftBank khi ông Son đích thân đứng ra bảo lãnh khoản vay của Agarwal để anh này mua lại cổ phần của chính công ty mình.

Ngoài WeWork và Oyo, SoftBank còn đầu tư rất nhiều tiền vào hàng loạt công ty khởi nghiệp công nghệ khác. Năm 2018, ByteDance đã huy động được 3 tỷ USD từ SoftBank và các nhà đầu tư khác, theo Crunchbase. Gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc được biết đến với ứng dụng Tiktok và Toutiao.

Trong nửa đầu năm 2019, ByteDance ghi nhận doanh thu 50-60 tỷ NDT (7-8,5 tỷ USD), chủ yếu thông qua hoạt động quảng cáo tại Trung Quốc, theo Reuters. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ an ninh mạng từ TikTok.

Ứng dụng gọi xe Đông Nam Á Grab trị giá 14 tỷ USD đã huy động khoảng 3 tỷ USD từ SoftBank và Vision Fund. Công ty hoạt động tại 8 quốc gia và tự coi mình là siêu ứng dụng trong khu vực với các dịch vụ từ gọi xe, giao thực phẩm đến thanh toán.

Dịch Covid-19 đang tấn công vào mảng gọi xe cốt lõi của Grab. Hồi cuối tháng 3, Grab cho biết các lãnh đạo cấp cao sẽ giảm 20% lương để giúp đỡ những tài xế bị ảnh hưởng. Dù vậy, mảng giao hàng thực phẩm của Grab hưởng lợi khi nhiều người ở nhà hơn.

Vir Biotechnology, công ty khởi nghiệp phát triển các loại thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm, được xem là một trong những khoản đầu tư hoạt động tốt nhất của Vision Fund.

Quỹ đã đầu tư khoảng 200 triệu USD, tương đương 20% cổ phần. Tuy nhiên, công nghệ y tế chỉ chiếm 6% giá trị danh mục đầu tư của Vision Fund tính đến tháng 12.

Năm 2017, tập đoàn Nhật Bản đầu tư 8 tỷ USD cho hãng gọi xe Didi của Trung Quốc. Ở nước này, Didi chiếm 95% thị phần. Tuy nhiên, hai vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến hành khách của Didi vào năm 2018 đã buộc công ty phải tạm dừng dịch vụ đi xe chung sinh lời.

Năm 2018, Didi báo cáo khoản lỗ 1,6 tỷ USD. Theo báo cáo quý mới nhất của Uber, định giá của Didi sụt giảm 9% xuống còn 51,6 tỷ USD kể từ cuối năm 2017. Sự phục hồi của Didi cũng bị cản trở bởi dịch Covid-19.

Thảo Cao

Nguồn