Bao giờ Việt Nam có doanh nhân tầm cỡ Bill Gates, Steve Jobs?
Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như thời gian qua. Lãnh đạo Chính phủ liên tục khẳng định vai trò của khởi nghiệp trong phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng…
Vậy để trở thành một quốc gia khởi nghiệp, “cái nôi” cho các doanh nhân sinh ra và lớn lên, Việt Nam cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này? Nhân dịp ngày Doanh nhân 13/10, BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Minh Giang, Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý Việt, Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) về vấn đề này.
Không có hành lang pháp lý tốt sẽ vuột mất cơ hội khởi nghiệp
Là người có nhiều thời gian gắn bó và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, ông đánh giá như thế nào về những cơ chế chính sách liên quan tới việc hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay?
Như chúng ta đều thấy thời gian qua, từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều rất chú trọng vào việc hỗ trợ, phát cộng đồng khởi nghiệp.
Thủ tướng và các Phó thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh vai trò mũi nhọn của khởi nghiệp. Các bộ như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ… thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ khởi nghiệp.
Các địa phương hiện nay cũng có nhiều động thái hỗ trợ khởi nghiệp như thành lập vườn ươm… Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đã trực tiếp tổ chức trao đổi về các chủ trương, chính sách, tầm nhìn và các hỗ trợ của thành phố với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Tất cả những điều này tạo hứng khởi, niềm tin đối với các bạn khởi nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn rằng hiện nay việc có cơ chế hỗ trợ chính sách tới khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đã có nhưng còn chưa rõ nét.
Quốc hội đã thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều nội dung hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên phải đến đầu năm 2018 mới có nghị định hướng dẫn. Khi nào có Nghị định những hỗ trợ về chính sách trong Luật mới đi vào thực tế được.
Một trong những nội dung được các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm đó là quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, mà bản chất chính là quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu nghị định này ra đời sẽ có hành lang pháp lý chính thức cho việc đầu tư vốn vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện mới chỉ có khung pháp lý cho mô hình công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Còn khung pháp lý cho công ty quản lý quỹ đầu tư vào công ty chưa niêm yết hay khởi nghiệp sáng tạo thì chưa có. Khi có nghị định thì sẽ có khung pháp lý cho việc thành lập công ty quản lý quỹ.
Chúng tôi chưa biết khi đi vào thực tế, chính sách sẽ như thế nào. Nhưng ít nhất khi có khung pháp lý rồi thì người sẽ phân biệt được thế nào là công ty khởi nghiệp sáng tạo và những công ty như thế nào có thể đầu tư được vào những công ty khởi nghiệp sáng tạo đó.
Do vậy, chúng tôi rất kỳ vọng Nghị định hướng dẫn sẽ ra đời theo đúng tiến độ là ngày 1/1/2018. Ở thời điểm khởi nghiệp đang bùng phát mạnh mẽ, nếu không có hành lang pháp lý tốt sẽ vuột mất cơ hội cho các công ty khởi nghiệp.
Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, đó là hiện vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ công cụ để bảo vệ các nhà đầu tư. Ở nước ngoài có các hình thức đầu tư như khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi. Thay vì việc đầu tư thì họ có hể cho vay. Đến thời điểm tốt thì có thể tiến hành chuyển đổi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có những hướng dẫn cụ thể việc doanh nghiệp mới khởi nghiệp được phép phát hành trái phiếu hoặc phát hành khoản vay như thế. Bên cạnh đó cũng chưa có cơ chế cho phép ngân hàng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Còn một bất cập nữa liên quan tới chính sách cho các công ty tổ chức không gian làm việc cho các startup. Hiện các công ty này phải hoạt động theo cơ chế một doanh nghiệp bất động sản tức là phải có vốn pháp định 20 tỷ.
Với số vốn lớn như vậy nên sẽ hạn chế nhiều các công ty có thể tổ chức được không gian làm việc chung. Với mô hình đang rất cần hỗ trợ thì lại có điều kiện khó khăn như vậy nên rất cần Chính phủ xem xét, nghiên cứu.
Cần khơi dậy được văn hoá đầu tư “thiên thần”
Ngoài câu chuyện liên quan tới chính sách, còn có khó khăn gì không trong việc kêu gọi nguồn vốn vào các công ty khởi nghiệp hiện nay, thưa ông?
Thật không dễ để gọi được vốn đầu tư trong nước cho các công ty khởi nghiệp, hiện nay chủ yếu vẫn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam, văn hoá đầu tư đặc biệt là Việt Nam đầu tư “thiên thần” (tức là đầu tư vào giai đoạn đầu khởi nghiệp) chưa có.
Hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu họ thích tự làm hoặc có tiền thì đầu tư vào cho người thân hay các công ty có lãi. Vì chưa có văn hoá đầu tư “thiên thần” nên các họ có cảm giác rủi ro và e dè khi đầu tư vào những công ty non trẻ như các startup.
Do vậy, cần có chế đảm bảo rủi ro cho họ. Nếu không có hành lang pháp lý để tập hợp tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thì các nhà đầu tư họ không dám đầu tư. Bởi vì bên cạnh vấn đề về văn hoá còn có cả yếu tố liên quan tới năng lực đánh giá. Nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất khó để đánh giá tiềm năng đối với các startup.
Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu đối với các công ty khởi nghiêp là rất quan trọng. Nếu không có giai đoạn này thì họ rất khó để tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn trong tương lai.
Nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay là phát triển mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Để mà phát triển được thì cần làm động tác mạnh mẽ trước đó là thay đổi văn hoá hay tạo văn hoá đầu tư thiên thần. Ở Việt Nam, người có tiền không thiếu nhưng vì chưa có văn hoá đầu tư và cũng vì họ chưa hiểu nhiều về khởi nghiệp sáng tạo nên việc đầu tư còn hạn chế.
Vốn là vấn đề rất quan trọng đối các công ty khởi nghiệp. Vậy theo ông, việc khơi dậy văn hoá đầu tư “thiên thần” có khó?
Tôi nghĩ là cũng khó nhưng không quá khó. Cá nhân tôi trước đây khi tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp cũng chỉ nắm vai trò là mentor – cố vấn khởi nghiệp. Nhưng khi tham gia cố vấn, nếu thấy những đề án nào tốt thì “máu” đầu tư sẽ trỗi dậy. Vấn đề làm sao có thể kéo được nhiều doanh nhân vào làm mentor. Để làm được việc này, thì việc tổ chức các sự kiện kết nối khởi nghiệp là rất quan trọng.
Chúng ta đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp rồi cần tạo tạo ra làn sóng đầu tư. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam đi theo mô hình của Mỹ và một số nước khác.
Nặng gánh chi phí kinh doanh
Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để phát triển khởi nghiệp?
Có một làn sóng thay đổi nữa đó là sự thay đổi nhận thức Chính phủ trong sử dụng nguồn lực xã hội để đưa ra các chính sách phù hợp hơn. Trước đây không có chuyện doanh nghiệp tư nhân ngồi cùng Chính phủ, bộ ngành bàn về chính sách nhưng bây giờ đã khác. Vai trò doanh nghiệp tư nhân đã cao hơn rất nhiều. Đó là một điểm rất thuận lợi.
Một thuận lợi khác nữa là các hạ tầng liên quan đến công nghệ đang vượt qua các giới hạn mà trước đây mọi người không hình dung được, chẳng hạn, đường truyền, lưu trữ, quản lý dữ liệu và quyền sử dụng các thành quả công nghệ đã có trước đây.
Trước đây, start-up muốn làm thử nghiệm rất khó vì chưa có hạ tầng. Còn hiện nay, với chi phí không lớn, mọi người đều có thể sử dụng hạ tầng này, thậm chí, có thể sử dụng hệ thống dịch vụ, trí tuệ nhân tạo của các công ty công nghệ lớn.
Tuy nhiên, có một vấn đề được nhắc đến rất nhiều đó khi nhắc tới môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay đó là gánh nặng chi phí. Theo đánh giá của WB, thuế phí Việt Nam cao hàng đầu khu vực, chưa kể các loại phí vận tải, lãi suất ngân hàng… cũng rất cao.
Rất khó để làm ăn với biên lợi nhuận thấp như vậy. Sự khó khăn này không chỉ đối với các công ty mới khởi nghiệp mà ngay cả đối với những công ty lớn. Chính sách đang hướng vào việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải làm sát sao hơn nữa. Làm sao để hỗ trợ cho họ thành lập công ty nhưng cũng cần hỗ trợ cho họ có lãi để tái đầu tư.
Hỗ trợ về vốn và chính sách – Vấn đề nào cần được đặt nặng hơn khi hỗ trợ khởi nghiệp, thưa ông?
Có rất nhiều quan điểm về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng chỉ nên hỗ trợ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Có quan điểm cho rằng cần tháo nút thắt hành lang pháp lý để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp. Có quan điểm phải đổ tiền, rót vốn cho khởi nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế thì cần làm cả 3 một cách hài hoà, cân đối.
Vai trò khởi nghiệp đối với mỗi quốc gia là rất lớn. Nếu không có khởi nghiệp sáng tạo thì sẽ khó có mô hình tăng trưởng đột biến.
Bán phở, bán cà phê không gọi là khởi nghiệp?
Anh có nhắc và phân biệt rất rõ về khởi nghiệp sáng tạo. Đã từng có quan điểm rằng “bán phở, bán cà phê không gọi là khởi nghiệp”, anh có đồng ý?
Hiện nay có hai khái niệm, một bên là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là lập nghiệp. Lập nghiệp thật ra cũng là khởi nghiệp nhưng là khởi nghiệp truyền thống. Còn khởi nghiệp dựa vào công nghệ hay mô hình kinh doanh tăng trưởng đột biến là khởi nghiệp sáng tạo.
Khởi nghiệp truyền thống thì không đặt nặng vấn đề về tăng trưởng đột biến. Nếu chỉ làm một hay vài ba quán cà phê và gắn bó với nó thì là khởi nghiệp truyền thống. Còn sau vài năm bạn lập ra một chuỗi từ vài đến vài chục quán cà phê thì đó là khởi nghiệp sáng tạo. Hay nếu như bạn làm ra một phần mềm, làm một lần dùng rất nhiều lần, khi đó là khởi nghiệp sáng tạo.
Ông đã từng tiếp xúc rất nhiều với giới khởi nghiệp. Theo nhìn nhận của ông, yếu tố gì quyết định sự thành công của một startup-er?
Có những người vì nhà rất nghèo nên cố gắng để vươn lên và khởi nghiệp thành công. Có những người giỏi công nghệ nên viết ra được những phần mềm có giá trị. Có những người thì vì có sẵn vốn lại có đầu óc kinh doanh nên thành công… Nói chung cộng đồng khởi nghiệp vô cùng đa dạng, nhưng tôi nhận thấy có một điểm chung đó là đức tính kiên trì ở họ.
Có lý thuyết “20 nghìn giờ”, tức là tất cả những ng thành công sau này đều có 20 ngàn giờ luyện tập. Như một ca sỹ nổi tiếng thì trước đó họ đã hát rất nhiều ở quán bar, phòng trà.
Tôi không kỳ vọng việc Việt Nam sẽ có Bill Gate, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg… bởi đó những nhận vật quá đặc biệt, nhưng tôi cho rằng việc Việt Nam sẽ có những startup-er đứng hàng đầu trong khu vực là có thể. Con người Việt Nam không thua kém về trí tuệ lại được tôi luyện trong một môi trường đầy thử thách nên khi vượt lên cũng sẽ rất bứt phá.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
N.Mạnh – Bizlive