Bận rộn khi startup chực chờ phá sản
Tại Mỹ, công ty chuyên tái cấu trúc doanh nghiệp của Martin Pichinson thời gian này trở nên tất bật, bởi hàng loạt công ty trên bờ vực phá sản.
Martin Pichinson được coi là “kẻ hủy diệt” của thung lũng Sillicon. Cuối những năm 90 thế kỷ trước, Martin giúp khoảng 200 startup công nghệ đóng cửa. “Nếu không có lợi nhuận và các khoản tiền đầu tư, một công ty về cơ bản vỡ nợ và phá sản”, ông nói. “Chúng tôi sẽ tới và dọn dẹp mớ hỗn độn đó”. Pichinson cho biết công việc kinh doanh của ông lần nữa bùng nổ bởi đại dịch. “Chúng tôi từng thực hiện 2-4 lần mỗi tuần, và giờ là 2 đến 5 lần mỗi ngày”, ông nói về những phi vụ tái cấu trúc các công ty.
Tại thung lũng Sillicon nhiều công ty có tốc độ nhảy vọt, được thúc đẩy bởi những khoản đầu tư tài chính lớn, thứ mang lại vận may chỉ sau một đêm hoặc thất bại khổng lồ. Hiện khi nguồn chi phí vận hành cạn kiệt và nhà đầu tư khan hiếm, các startup công nghệ phải đóng băng kế hoạch kinh doanh. Hàng trăm startup sa thải nhân viên. Rất nhiều công ty khác phá sản hoàn toàn.
Pichinson năm nay 73 tuổi, là đồng sáng lập Sherwood Partners từ năm 1992. Nếu công ty của ông ta trở nên bận rộn, giới khởi nghiệp chắc chắn đang gặp rắc rối. Doanh nghiệp này gắn liền với việc “chôn vùi” các startup thất bại, đến mức nếu nhắc tên Sherwood Partners trong cuộc họp cũng có thể gây ra sự hoảng loạn.
Ông dự báo số lượng startup được tái cấu trúc do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ vượt qua bong bóng công nghệ hơn 20 năm trước. Tại Mỹ, ít nhất 21.000 nhân sự của hơn 200 startup đã bị sa thải kể từ đầu tháng 3, theo Layoffs.fyi, một dự án theo dõi tình trạng mất việc làm có trụ sở tại San Francisco. Các chuyên gia cho biết mức độ của tác động có thể lớn hơn, với hơn 2,2 triệu người được tuyển dụng bởi các công ty tư nhân vận hành nhờ vốn đầu tư mạo hiểm, theo số liệu từ PitchBook.
Trong khi đó, số người mất việc trong những ngành như dịch vụ khách sạn và ẩm thực còn lớn hơn nhiều. Đại dịch có thể thay đổi đáng kể văn hóa khởi nghiệp. Có nhiều lý do các công ty công nghệ của Mỹ đổ xô đến tìm Pichinson. Quá trình Sherwood Partners thực hiện tái cơ cấu một công ty là riêng tư. Bản chất bí mật của dịch vụ này mang tới lợi ích cho những người không muốn gắn với một liên doanh công nghệ thất bại, tránh những ảnh hưởng về uy tín có thể xảy ra.
Đồng sáng lập Martin Pichinson đứng đằng sau ô cửa sổ tại Sherwood Partners – công ty tái cấu trúc các startup gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Jessica Pons, NPR.
Bởi thế, Pichinson không tiết lộ những doanh nghiệp nào ông tái cấu trúc. Song sự sa thải hàng loạt trong ngành này cho thấy: những ai dựa dẫm vào mọi người sẽ phải rời đi. Danh sách các công ty đang sa thải kéo theo hàng nghìn người bao gồm ứng dụng review nhà hàng Yelp, công ty kinh doanh phiếu giảm giá trực tuyến Groupon và startup cho thuê scooter Bird. Dù vậy, vẫn có một số ngoại lệ cho startup trong lĩnh vực giao thực phẩm, hội họp từ xa, y tế từ xa… khi đang phát triển mạnh mẽ.
“Rất nhiều công ty mới thành lập vài năm và công việc kinh doanh của họ đã bốc hơi trong vài tháng qua, thậm chí biến mất trong 6 tháng tới. Họ đều sẽ phải trải qua một con đường thực sự khó khăn phía trước”, nhà phân tích công nghệ của PitchBook, Paul Condra nói.
Condra cho rằng rất nhiều việc làm về công nghệ sẽ không bao giờ trở lại như trước đại dịch. Mọi công ty sẽ có xu hướng tinh gọn. “Các công ty thường phải thắt chặt chi tiêu. Họ sẽ tìm cách tự động hóa mọi thứ, hoặc làm công việc cần ít nhân sự hơn. Xu hướng này sẽ kéo dài bởi nó thực sự hiệu quả”.
Tại Austin, Texas, kỹ sư phần mềm Dan Munro vừa biết tin bị mất việc trong cuộc trò chuyện trên Zoom cùng toàn thể đồng nghiệp. Anh này làm việc trong một công ty về trí tuệ nhân tạo mang tên Alegion trong 6 năm. Doanh số công ty bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Trong cuộc trò chuyện trên video, những người sáng lập đã thông báo rằng 1/3 số nhân viên sẽ bị thôi việc. Munro là một trong số này.
“Không có ai có thể cảm thấy thoải mái. Điều này thực sự khó khăn với tất cả bởi chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ và mỗi người đều hiểu rất rõ về nhau”, anh nói.
Munro phải đăng bán ngôi nhà của mình. Anh cũng chia sẻ với cả thế giới biết rằng mình đang cần tìm một công việc mới, bằng cách thay đổi tên trên Twitter thành “Dan is interviewing” với hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của Google, Amazon, Facebook… Bởi vì trong khi giới khởi nghiệp đang chấn động, một số gã khổng lồ công nghệ vẫn không ngừng tuyển dụng. Là một kỹ sư phần mềm, Munro biết rằng anh ta có kỹ năng chuyên biệt và có thể được săn lùng. Do đó, thay vì bận tâm về công việc cũ, mối quan tâm của anh ta hướng về những trường hợp kém may mắn hơn. “Có những người đang phải chịu đau khổ và thiếu thốn hơn nhiều”, Munro nói. “Tôi hy vọng chúng ta có thể dành sự quan tâm đến với họ”.
Trong khi đó, Pichinson nói rằng rất mệt mỏi với những biệt danh như “kẻ hủy diệt”, “quý ngài chết chóc”, hay “người khâm liệm”. Song ông không có ý định thay đổi điều đó. “Tôi thực sự cảm thấy tồi tệ cho các công ty này. Nhưng chúng tôi làm tất cả những gì có thể để giảm bớt nỗi đau của quá trình này”, Pichinson nói.