Bán lẻ thời 4.0 nhìn từ những chiếc camera “không chỉ biết chống trộm” của chuỗi cửa hàng trang sức PNJ
Từ cái camera trước đây chỉ dùng khi… mất đồ rồi kêu công an vào xem, giờ đây giúp được nhiều thứ: đọc hành vi, tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó thay đổi bố trí cửa hàng, tăng doanh số…
Tại một sự kiện về công nghệ 4.0 diễn ra mới đây, ông Lê Trí Thông – CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đã có những chia sẻ cởi mở về doanh nghiệp mình tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Chiếc camera “không chỉ biết chống trộm”
“Hệ thống camera trong các cửa hàng của PNJ ngày hôm nay không thuần túy là camera an ninh”, ông Lê Trí Thông kể.
Nhờ tích hợp những công nghệ mới, trong đó có machine learning, các camera ở PNJ có thể “đọc” được nhiều thứ ở khách hàng.
“Chúng tôi biết góc nào tại cửa hàng nào thì khách hàng thích bước vào để có thông tin bố trí hàng hóa. Chúng tôi đọc được traffic của khách, buổi sáng khác với buổi chiều, buổi tối như thế nào”, CEO PNJ nêu ví dụ.
“Hệ thống camera còn được sử dụng để phân tích tương tác của khách hàng với nhân viên. Khách hàng có hài lòng hay không, khách hàng đang phàn nàn thế nào…” ông nói thêm.
Bên cạnh đó, hệ thống camera còn giúp quản lý cách nhân viên tương tác với khách hàng. Ông Thông cho biết: “Trước đây chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình đừng sử dụng điện thoại di động mà hãy luôn luôn chú tâm đến khách hàng, nhưng không thể nào kiểm soát nhân viên 100%”.
Với hệ thống camera hiện tại, PNJ đã làm được điều này.
Tức, chiếc camera an ninh đã trở thành một trợ thủ đắc lực của PNJ trong việc tăng trải nghiệm khách hàng của điểm bán – thách thức mà ông Thông gọi là “cái sống còn của ngành bán lẻ”, còn quan trọng hơn cả sản phẩm phía sau vì chính trải nghiệm định đoạt quyết định chi tiền của khách hàng.
Đó cũng là cách tiếp cận công nghệ 4.0 thứ 1 của PNJ: dùng những công nghệ hiện tại để giải quyết thách thức trước mắt của doanh nghiệp.
“Chắc chắn sau 2022, chúng tôi phải có một mô hình kinh doanh mới”
Tuy nhiên, thách thức đối với một doanh nghiệp bán lẻ như PNJ không chỉ nằm ở trải nghiệm khách hàng tại một cửa hàng truyền thống.
Ông Thông cho biết:
“Nếu những thứ ở hiện tại với mô hình tăng trưởng của PNJ, chúng tôi có thể an tâm cho đến năm 2022: Tiếp tục mở rộng về mạng lưới phân phối, tiếp tục cũng khai thác thông tin khách hàng để có những sản phẩm dịch vụ sâu hơn. Nhưng chắc chắn sau năm 2022, thì chúng tôi phải có một mô hình kinh doanh mới”, CEO PNJ khẳng định.
Vấn đề trong ngành bán lẻ hiện tại chủ yếu là phát triển hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn và hiểu khách hàng… Nhưng trong tương lai, những shop bán trang sức trên thương mại điện tử có thể “phá vỡ” mô hình kinh doanh cũ của PNJ.
Cách tiếp cận xu hướng 4.0 thứ 2 của PNJ, là dựa vào tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp. Điển hình là sự dịch chuyển sang thương mại điện tử.
“Nó có khả năng “phá vỡ” cách mà mọi người mua hàng, họ có thể mua online trong tương lai. Nếu chỉ tập trung giải quyết vấn đề hiện tại tại điểm bán thì có khả năng PNJ sẽ trễ ‘chuyến tàu’ kế tiếp,” ông Thông nhận định.
Theo ông, PNJ đang triển khai những mảng liên quan đến thương mại điện tử để áp dụng cho sự thay đổi mô hình này.
CEO PNJ cũng cho hay cả trong cách tiếp cận 1 và 2, trong triển khai công nghệ phần mềm cũng như phát triển mảng thương mại điện tử, PNJ đều hợp tác với các startup, trong đó có những người từ Silicon Valley.
Ông nhận định, startup có đặc tính nhanh nhẹn, linh hoạt, còn “như PNJ, mô hình kinh doanh đã thành cái cốt lõi, cái gene của PNJ, mọi người đã có 30 năm phát triển cái gene đó, đã có những thói quen, những vinh quang của mình”, ông chia sẻ.
“Đó là cái lý do mà PNJ muốn đi theo được 4.0, PNJ cũng không đi một mình”, ông nói.
Thảo Thảo – Tri thức trẻ