Bài học từ cú ngã ngựa của WeFit
Việc Công ty cổ phần công nghệ Onaclover – WeWow đã gửi tới khách hàng thông báo buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ ngày 11/5 do vốn hoạt động của đã cạn kiệt hoàn toàn
Thông tin này lập tức gây sốt giới đầu tư cũng như tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Bởi Wefit được Khôi Nguyễn thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Trong giới start-up Việt Nam, Nguyễn Khôi với ứng dụng WeFit được xem như người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình).
Đặc biệt, Khôi từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Start-up Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 và từng vào danh sách “30 under 30 Việt Nam” do Forbes bình chọn.
“Có người cho rằng WeFit chết là vì dịch Covid-19. Điều này là không đúng. Wefit đã hấp hối từ rất lâu vì “ung thư giai đoạn cuối”. Đại dịch vừa rồi chỉ là sự cố vô tình rút nhầm phích điện máy thở của cô dọn phòng mà thôi. Không có Covid-19, WeFit sẽ chết đau đớn hơn. Và sẽ tốn kém hơn cho những người liên quan.
Tuy vậy, điều ấy không phủ nhận được rằng ý tưởng khởi nghiệp này là một ý tưởng sáng. Và bản thân ứng dụng cũng khá ổn. Éo le là khởi nghiệp không chỉ cần ý tưởng, và cũng không chỉ cần ứng dụng”, ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, Chuyên gia tư vấn cao cấp & Tổng giám đốc Đông A Solutions chia sẻ góc nhìn về cú ngã ngựa của startup Wefit.
Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu
Thành lập từ cuối năm 2016, WeFit khởi điểm là một nền tảng ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại Hà Nội và TP. HCM. Về cơ bản, người dùng sẽ trả phí thành viên để tập luyện “không giới hạn” tại các lớp, phòng tập là đối tác của WeFit.
Thông qua ứng dụng, người dùng có thể tìm kiếm và đặt lịch tại những phòng tập thể dục thể thao và các dịch vụ làm đẹp gần nhất và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các đối tác là phòng tập và dịch vụ làm đẹp cũng có thể tối ưu được chi phí vận hành của mình và gia tăng lợi nhuận thông qua lượng truy cập tới từ WeFit.
Mô hình này nhìn chung tương tự startup ClassPass, có trụ sở tại Manhattan, Mỹ ra đời năm 2013. Cả ClassPass và WeFit đều cung cấp cho khách hàng một bữa buffet không giới hạn, nhưng lại trả tiền “theo lượt” cho các đối tác phòng tập. Nói cách khác, người dùng càng đi tập nhiệt tình, các startup càng lời ít, thậm chí bù lỗ để sinh tồn.
Trong khi ăn buffet, khách hàng càng ăn càng no, thì với tập gym càng tập lại càng hăng hái. Sai lầm mà ClassPass và WeFit mắc phải đó là không tính trước được giá trị và chi phí thực tế của các “phòng tập không giới hạn”, khi mà ngay từ đầu các startup này đã hướng người tiêu dùng đến một dịch vụ cao cấp với giá rẻ.
Bà Payal Kadakia – CEO và nhà đồng sáng lập ClassPass từng thừa nhận, mô hình phòng tập “không giới hạn” khiến việc kinh doanh trở nên không bền vững. Đối với mỗi phòng tập, công ty phải trả tiền cho đối tác. Càng nhiều phòng tập, startup càng phải trả nhiều tiền khiến chi phí kinh doanh tăng lên.
Đó là chưa kể, trong các chính sách lẫn khâu quản trị, vận hành của WeFit tồn tại nhiều kẽ hở dẫn tới tình trạng phát sinh nhiều lịch tập ảo, có hiện tượng nhiều khách hàng chung nhau một tài khoản. Cá biệt, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng, đỉnh điểm là 202 lần/tháng.
Hệ quả là tình trạng khó khăn về dòng tiền trở nên nghiêm trọng. Cuối năm ngoái, cuộc khủng hoảng chính thức nổ ra trên mặt trận truyền thông. Các đối tác phòng tập như Salsa Spring, Beso Latino, F&P Dance Studio, GymPlus, Divine Yoga &Dance Studio… lần lượt tuyên bố công khai ngừng hợp tác với WeFit.
Bản thân đội ngũ WeFit đã nhận thức rất rõ về sự “không bền vững” này, nên đã công bố chính sách mới, xóa bỏ toàn bộ chính sách tập không giới hạn, chuyển sang mô hình trả tiền “theo lượt”. Thế nhưng, chính sách mới vấp phải sự phản đối của rất nhiều khách hàng đang sử dụng, khi quyền lợi của họ bị cắt giảm khá nhiều.
Khó khăn chồng chất khó khăn, lại thêm dịch bệnh Covid-19 khiến WeFit buộc phải nói lời chia tay với hệ sinh thái startup Việt Nam.
WeFit chưa hội tụ các yếu tố cần và đủ để thành công
Theo Đỗ Hoài Nam (Namster Đỗ), nhà đầu tư “suýt” đầu tư vào Wefit (rút ra ở phút 90) đã có nhiều tâm tư về việc này trên Facebook cá nhân. Theo ông, việc một công ty start-up thất bại và đóng cửa là việc rất bình thường. Họ đã dũng cảm để tạo ra cuộc chơi mới, họ hay để rủ được team, họ giỏi để gọi được vốn… Thành hay bại không liên quan đến giỏi hay kém mà là họ có hội tụ các yếu tố cần và đủ hay không. Và may mắn cũng là một yếu tố tối quan trọng.
Ông Đỗ Hoài Nam
Ông Nam biết các bạn làm ở Wefit cũng như các nhà đầu tư vào đây. Đó là những người giỏi, và biết rất rõ rủi ro khi triển khi mô hình kinh doanh này, và rót vốn vào. Theo ông Nam, Wefit “chết” phải vì kém cũng chẳng phải vì ngây thơ. Họ “chết” vì họ không làm mọi thứ “hội tụ” được vào đúng thời điểm. Lý do ông Nam rút không đầu tư vào Wefit vào phút cuối cũng chính là điểm trên. “Mình nghi ngờ vào khả năng “hội tụ” đúng thời điểm của mô hình này”, ông Nam viết.
Namster Đỗ từng đầu tư vào 25 start-up, nhưng chỉ có 10 start-up “sống”. Thất bại, nhưng ông không mất nhiều tiền lắm, vì mỗi start-up ông chỉ rót 1 – 2 tỷ đồng. Ông nhận ra, đầu tư 1 tỷ đồng không giúp gì cho start-up, mà chỉ kéo dài thời gian “chết” của nó. Tuy nhiên, chỉ cần vài khoản đầu tư tăng trưởng trên 100% là ông kéo được lại nhiều khoản khác.
Giờ ông không đầu tư vào start-up có giá trị dưới 100.000 USD, mà trung bình phải từ 500.000 USD, có công ty về năng lượng tái tạo, ông đầu tư 3,5 triệu USD.
Hỗ trợ người dùng WeFit
Thông báo mới nhất từ WeFit cho biết, Tập đoàn CMG.Asia cùng với Leep.App sẽ hỗ trợ WeFit tìm các nhà cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau khi ứng dụng này ngưng hoạt động. CMG.Asia là đơn vị có kinh nghiệm quản lý chuỗi phòng tập California Fitness & Yoga .
WeFit đang “thương thảo với một số đối tác để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng”, thông báo ghi rõ.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Tổng giám đốc WeFit cho biết, chưa đảm bảo hết quyền lợi cho tất cả khách hàng nhưng ông đang cố gắng thương thảo để tối ưu quyền lợi cho họ.
Ông cũng nói thêm, sở dĩ các bên có phòng tập chất lượng dịch vụ tốt chấp nhận hỗ trợ bởi họ có thể có được lượng khách hàng tiềm năng mà không mất chi phí quảng cáo và “lượng khách hàng đông cũng mang lại văn hoá tập luyện cho phòng gym”.
Một số thông tin cũng cho biết, tuy không đảm bảo được 100% nhưng khách hàng của WeFit sẽ không mất trắng quyền lợi từ gói dịch vụ của ứng dụng kết nối phòng gym và spa này.
Về Tập đoàn CMG.Asia đứng ra hỗ trợ WeFit, đây là công ty do ông Randy Dobson sáng lập, có kinh nghiệm quản lý chuỗi phòng tập thể hình California Fitness & Yoga. Từ 2019, tập đoàn này cũng ra mắt ứng dụng Leep.Asia nhằm kết nối người dùng, huấn luyện viên và các địa điểm tập luyện.
PV