Ngay trong giai đoạn khó khăn, nhiều Startup lại có hoạt động hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ biết nắm bắt cơ hội từ chính thách thức của thị trường. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ tạo ra “nguy” mà có thể chính là thời điểm mở đường cho những nền tảng công nghệ mới.

Fitpro là ứng dụng giúp kết nối cộng đồng các cơ sở, phòng tập và người tập luyện, cũng như chia sẻ thư viện kiến thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trên toàn quốc đã mất tới hơn 80% doanh thu khi dịch Covid-19 bùng phát.

Đào Hà My- người sáng lập Fitpro cho biết, trước dịch Fitpro hợp tác với khoảng 450 cơ sở, nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì phải dừng hợp tác với khoảng 300 cơ sở. “Cái khó ló cái khôn” trong thời gian giãn cách xã hội- người dùng ở nhà nhiều, Fitpro đã sản xuất các video clip truyền tải thông điệp nâng cao ý thức và tinh thần tập luyện thể dục thể thao. Nhờ đó, mặc dù doanh thu từ đối tác bị giảm nhưng bù lại thu hút thêm được 30% người sử dụng ứng dụng.

Tương tự, FoodHub – là ứng dụng cung cấp thực phẩm sạch tại nhà, Nguyễn Xuân Vinh – sáng lập FoodHub cho hay, ứng dụng giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các cửa hàng, siêu thị, trang trại). Người mua chỉ cần lên ứng dụng, đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà. Cũng theo người sáng lập FoodHub, nếu như trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng, thì chỉ sau 2 tuần giãn cách xã hội, lượng người dùng ứng dụng đã tăng thêm 7.000 người- tốc độ tăng trưởng chưa từng có trước đây.

Nguyễn Xuân Vinh – sáng lập FoodHub cho biết, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, sau dịch thì lượng khách hàng mua sắm online sẽ tăng lên khoảng 30%, và chúng tôi cũng nhận thấy điều này trên ứng dụng FoodHub. Nếu như trước đây chúng tôi gặp 10 khách hàng thì chúng tôi có thể thuyết phục được 3 khách hàng quay trở lại dùng ứng dụng, thì nay con số này là 4 người và như vậy là tốc độ tăng trưởng khoảng 30%.

Các thành viên FoodHub nâng cấp ứng dụng liên tục, hướng tới việc sẽ trở thành một ứng dụng nền tảng để cung cấp cho nhiều đối tác khác nhau.

Các thành viên FoodHub nâng cấp ứng dụng liên tục, hướng tới việc sẽ trở thành một ứng dụng nền tảng để cung cấp cho nhiều đối tác khác nhau.

Số liệu từ Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia- Đề án 844 (Bộ Khoa học và công nghệ) cho hay, thời gian qua đã có hơn 90 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Các dự án khởi nghiệp tập trung vào những lĩnh vực như: chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, làm việc và học tập từ xa, những công nghệ hỗ trợ cộng đồng đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19… Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) cho rằng, Covid-19 tạo ra những nguy cơ không hề nhỏ cho các startup Việt, nhưng “trong nguy có cơ”, đây cũng là thời điểm mở đường cho những nền tảng công nghệ mới.

Đồng quan điểm “trong nguy có cơ”, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ông Hà Anh Tuấn- Tổng giám đốc Vinalink Digital dẫn số liệu: hơn 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý I/2020. Do đó, các startup Việt muốn “trụ vững” thì buộc phải chuyển đổi, tạo ra các sản phẩm theo “trend” (tức là theo xu hướng), sáng tạo các sản phẩm công nghệ phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo đó, dịch bệnh là điều kiện và nếu như những sản phẩm mà startup tạo ra trong thời điểm này như thực phẩm, y tế…thì sẽ tăng trưởng rất mạnh. Nhưng trong tương lai startup cũng phải xác định là tốc độ tăng trưởng sẽ không được nhanh như vậy khi dịch bệnh qua đi, do đó startup phải biết nắm bắt cơ hội

Cũng theo các chuyên gia, các ngành có khả năng phát triển tích cực trong mùa dịch bệnh như: công nghệ tài chính, giáo dục trực tuyến, công nghệ sinh học, kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, giao nhận thực phẩm, ứng dụng công nghệ thực hiện các phần mềm hợp tác, khám chữa bệnh từ xa… Đây có thể được xem là những gợi ý để doanh nghiệp khởi nghiệp có hướng xoay chuyển trong tình thế khó khăn.

Một chương trình ươm tạo startup tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn

Một chương trình ươm tạo startup tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn

Sau mỗi đại dịch, hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Điều đó có thể mang đến nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp để cung cấp các dịch vụ có ý nghĩa ra thị trường. Tuy nhiên, điều các startup cần làm bây giờ là tối ưu hoá nguồn lực và chuẩn bị tâm thế để thay đổi, điều chỉnh và cải tiến. Vì hơn ai hết, startup luôn bắt đầu từ mô hình nhỏ uyển chuyển, năng động và có chăng các startup cần thêm ở thời điểm này là sức bền, sự dẻo dai và khả năng thích nghi trong một hoàn cảnh mới. Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn – Lý Đình Quân cho rằng, trước đây, để thay đổi thói quen thì sẽ rất khó, nhưng nay, khi có covid-19 thì đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng… thị trường thay đổi, mà nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ chết… các startup buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh bản thân mỗi startup phải “tự thân vận động”, thì cũng cần sự “vào cuộc” của cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các trung tâm ươm tạo, các quỹ đầu tư. Đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các chính sách phù hợp để giúp startup chớp thời cơ bứt phá sau dịch. Nhất là ở thời điểm hiện tại, hành vi thị trường đã dịch chuyển sau dịch, cùng với các cơ chế chính sách đã và đang được sửa đổi, giờ là lúc bản thân các startup “tự thân vận động” thay đổi để thích ứng.

Gia Nguyên