Bài 1: Sáng tạo, chuyển đổi thích ứng với tình hình mới
Mặc dù chưa có báo cáo và những đánh giá chính thức về những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 tới startup, nhưng mức độ ảnh hưởng là không hề nhỏ. Để vượt “bão”, startup có nhiều sáng tạo trong công việc, thậm chí là phải chuyển đổi mô hình để thích ứng với tình hình mới.
Thay đổi hoặc đóng cửa
Dịch bệnh Covid-19, đã khiến các doanh nghiệp ít nhiều đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp – các Startup còn non trẻ. Có một con số ước tính đến thời điểm hiện tại, có tới 95% doanh nghiệp trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các Startup cũng không phải ngoại lệ, đang “thấm đòn” từ cơn khủng hoảng toàn cầu. Thậm chí một số Startup dù đang ở giai đoạn “bùng nổ”, tưởng nhu kế hoạch năm sẽ thành công thì lại đứng trên bờ vực phá sản.
Đơn cử như trường hợp của TripActions là một Startup quản lý du lịch được định giá tới 4 tỷ USD, nhưng đã phải kêu gọi đủ vốn để tồn tại cho đến khi du lịch hồi phục, hoặc phải cắt giảm nhân viên và thậm chí là đóng cửa việc kinh doanh. Startup khách sạn Sonder, trị giá 1,1 tỷ USD, đã sa thải và cho nghỉ phép tạm thời hơn 400 nhân viên, cũng đang đàm phán để có thêm kinh phí. Các công ty nhỏ hơn, như startup cho thuê căn hộ Stay Alfred đóng cửa vĩnh viễn sau những nỗ lực kêu gọi vốn bất thành…hoặc đều đang trải qua đợt cắt giảm nhân sự từ giữa tháng 3/2020.
Ngược lại, một số Startup lại có những bước tiến khi chuyển hướng hoạt động. Như Kkday của Đài Loan, là Startup hoạt động với mô hình giúp người dùng tự đặt vé tham quan, tàu, mua sim, thuê xe…đã bị sụt giảm doanh thu lên tới 90% trong thời kỳ dịch bệnh. Đây cũng là lúc KKday quyết định chuyển hướng hoạt động của mình sang kinh doanh thức ăn và quà lưu niệm. Kết quả là doanh thu KKday tăng 50% so với tháng trước đó, phần nào khắc phục được những vấn đề tồn tại của công ty. Hay là Klook, một công ty Startup có cách thức hoạt động gần như với Kkday cũng phải thay đổi phương hướng hoạt động sang mô hình đặt chỗ nhà hàng, giao thức ăn và cung cấp thực phẩm tươi cho các hộ gia đình.
Tại Việt Nam, một số Startup cũng đã sáng tạo, có hướng thay đổi mang tính tạm thời như cắt giảm nhân lực ở một số khâu ít quan trọng, chuyển đổi số mọi hoạt động offline sang online…đồng thời cũng có một số thay đổi mang tính độ phá, tạo bước ngoặt của một số Startup.
Xác định lại khách hàng, thị trường mới
eDoctor- startup thuộc mảng cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, có lẽ là một trong số ít startup Việt nhận được khoản “rót vốn” triệu đô từ 4 nhà đầu tư quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh dịch bệnh leo thang hồi đầu năm. May mắn có được nguồn lực hỗ trợ này, nhưng như chia sẻ của Huỳnh Phước Thọ- đồng sáng lập eDoctor, để “trụ được” – điều quan trọng nhất với các startup là phải đặt mình vào tình huống khủng hoảng kéo dài, phải suy nghĩ xem liệu mình phải làm gì để thích ứng sống chung với Covid-19. Bởi nếu đợi khủng hoảng qua đi thì cơ hội cũng mất và nguồn lực cũng cạn.
Do đó, eDoctor đã chủ động đưa ra nhiều dịch vụ và sản phẩm mới, thích ứng với thị trường trong thời điểm dịch bệnh leo thang và trong tương lai. Theo đó, eDoctor đã nhận được khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài, nhờ đó có nguồn lực để đẩy mạnh các dịch vụ và công nghệ mới hỗ trợ người dùng, tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa..và đó cũng là thời điểm mà lượng người dùng tăng lên rất nhiều.
Không may mắn nhận được nguồn lực hỗ trợ như eDoctor, Tubudd – một startup trẻ trong ngành du lịch giúp kết nối du khách nước ngoài và hướng dẫn viên du lịch bản địa đã phải “tự thân vận động”. Cắt giảm nhân sự không cần thiết, chuyển sang phục vụ những đối tượng khách hàng mới… đó là những gì mà startup đã làm khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam và ảnh hưởng tới ngành du lịch.
Vũ Thái An- sáng lập ứng dụng Tubudd cho biết, tại thời điểm đó, Tubudd đã cắt giảm những nhân sự không cần thiết và chuyển sang phục vụ những đối tượng khách hàng mới. Thay vì những khách nước ngoài đến Việt Nam, thì Tubudd phục vụ những khách du lịch nước ngoài đang bị mắc kẹt tại Việt Nam, những người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam.
Luxstay – nền tảng cho thuê nhà, chung cư, căn hộ của Việt Nam, từng được biết đến với màn gọi vốn thành công 6 triệu USD tại Shark Tank cũng có những bước chuyển hướng trong thời kỳ Covid-19. Cụ thể, Luxstay cho thuê những căn hộ để trở thành nơi làm việc trong thời kì cách ly xã hội. Hay Manmo, một startup tìm kiếm và đặt nhà nghỉ cũng chuyển hướng sang cho thuê căn hộ tầm trung dài hạn cho những khách du lịch bị kẹt lại ở những tỉnh thành khác.
Công ty startup AskVietnamese – công ty chuyên phát hành các bản đồ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, cũng rục rịch số hóa các bản đồ của mình lên nền tảng website và bắt đầu chiến dịch “Fighting Corona”: tặng bản đồ cho khách du lịch đến Việt Nam vào năm 2021…
Đã có nhiều startup như eDoctor, Tubudd, Luxstay… không dừng mọi hoạt động kinh doanh đợi Covid-19 đi qua, mà đã kịp thời chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình phi truyền thống, tích hợp các ứng dụng công nghệ để chờ thời điểm “bật dậy”. Nhiều startup đã tận dụng thời gian này để tập trung thiết kế lại mô hình kinh doanh, tinh gọn và xác định đúng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là có một số startup lại lựa chọn phương án tìm sự hỗ trợ của các “ông lớn” trong ngành, cùng bắt tay để khai thác thị trường. Thay vì phải “gồng” mình để cố “khởi nghiệp” thành công, hay để có một giải pháp “độc” và tốt nhất trên thị trường thì “đứng trên vai người khổng lồ” cũng là phương án được nhiều startup lựa chọn.
Gia Nguyên