Apple đã mua lại 20 công ty khởi nghiệp liên quan đến AI để phục vụ cho các dự án của mình giai đoạn 2010 – 2019.

Theo số liệu của CB Insights, có 635 thương vụ mua lại các công ty khởi nghiệp AI trong gần 10 năm qua của các công ty công nghệ. Trong số đó, các năm 2017, 2018 và 2019, Apple mua nhiều công ty nhất, thực hiện khoảng 120, 166 và 145 thương vụ.

Trong số các doanh nghiệp thực hiện việc mua lại, Apple nhiều nhất với 20 thương vụ, tiếp đến là Google (14), Microsoft (10), Facebook và Intel (8), Amazon (7). Cũng theo thống kê, có 431 doanh nghiệp chỉ mua một công ty về AI trong 10 năm qua.

Kể từ khi mua lại Siri năm 2010, Apple đã thâu tóm khá nhiều công ty AI để phục vụ cho sản phẩm của mình. Một số thương vụ của công ty nhằm thúc đẩy mảng phần cứng, chẳng hạn RealFace – một công ty chuyên về nhận dạng khuôn mặt của Israel – vào 2017. Đây là thời điểm Apple phát triển mẫu iPhone X, smartphone đầu tiên với công nghệ mở khóa Face ID.

Cũng trong 2017, Apple đã thâu tóm Shazam để thúc đẩy các dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn Apple Music. Dịch vụ âm nhạc này đã góp phần giúp mảng dịch vụ của hãng ăn nên làm ra, giảm bớt phụ thuộc vào lĩnh vực phần cứng như iPhone, iPad, MacBook.

Những năm qua, trợ lý ảo Siri của Apple được đánh giá là thua kém các đối thủ như Alexa của Amazon hay Assistant của Google. Công ty Cupertino (Mỹ) dường như cũng nhận ra điều này và đã tìm cách cải thiện. Năm 2018, hãng đã chiêu mộ được người đứng đầu mảng AI của Google, đồng thời nhấn mạnh “Machine Learning và AI” là một trong 10 danh mục chính được quan tâm nhất trên website của hãng.

Những tháng gần đây, Apple vẫn tiếp tục đầu tư cho AI khi liên tục mua lại các công ty khởi nghiệp về công nghệ này. Vào tháng 1/2020, hãng mua lại Xnor.ai – một công ty dạng Edge AI (trí tuệ nhân tạo vùng biên chuyên về tiết kiệm năng lượng) với giá 200 triệu USD. Tháng 4, hãng tiếp tục thâu tóm Ailen Voysis, công ty AI chuyên về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Gần đây nhất là vào tháng 5, hãng mua lại Inductiv, công ty chuyên về máy học, để cải thiện khả năng của Siri.

AI là lĩnh vực được đánh giá là đang phát triển rất nhanh và ngày càng quan trọng. Không chỉ công ty công nghệ, các lĩnh vực khác cũng đang cố gắng ứng dụng AI cho sản phẩm của mình. Số liệu của CB Insights cho thấy, ngành bán lẻ đang có số thương vụ thâu tóm công ty AI nhiều nhất với 67 thương vụ. Các hệ thống chủ yếu được ứng dụng để quản lý hàng tồn kho, tăng trải nghiệm khách hàng và tăng sức cạnh tranh.

Bảo Lâm