Nhằm giành thêm thị phần trong thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh ở Ấn Độ, ngày 14/8, “đại gia” bán lẻ Mỹ Amazon đã cho ra mắt dịch vụ bán thuốc trực tuyến đầu tiên tại quốc gia Nam Á này.

Trong tuyên bố của mình, Amazon Ấn Độ cho biết khách hàng tại Bangalore, trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ, sẽ có thể đặt hàng thuốc theo đơn và các thuốc không cần kê đơn cũng như các dịch vụ y tế cơ bản với những nhà bán hàng đã được kiểm chứng về độ tin cậy.

Công ty cho biết điều này sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết của khách hàng trong khi họ phải hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Dự kiến, công ty cũng sẽ triển khai các dự án thí điểm ở các thành phố khác của Ấn Độ.

Amazon đang cạnh tranh với công ty con Flipkart của đối thủ đồng hương Walmart và nền tảng bán lẻ trực tuyến JioMart của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, cũng như các công ty trong nước tại thị trường với 1,3 tỷ dân này.

Với việc Ấn Độ đã ghi nhận gần 2,5 triệu người mắc COVID-19, cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Brazil), các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc y tế đã nhìn thấy nhu cầu khổng lồ đối với các dịch vụ y tế khi đại dịch hoành hành.

Theo hãng tư vấn RedSeer, thị trường y tế kĩ thuật số của Ấn Độ được dự báo sẽ bùng nổ khi tăng từ khoảng 4,5 tỷ USD trong năm tài khóa hiện nay lên 25 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện Amazon vẫn đang cung cấp dịch vụ bán thuốc trực tuyến tại Mỹ cùng một số nước châu Âu và đã đăng ký tên thương mại “Amazon Pharmacy”. Hồi năm 2018, “gã khổng lồ” thương mại điện tử đã mua lại công ty khởi nghiệp bán thuốc trực tuyến PillPack có trụ sở ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ), qua đó khai màn cuộc chiến trong ngành dược phẩm.

Theo TTXVN