“Nhiều khi mưa gió, một mình đi giao hàng từ sớm đến tối muộn, đường thì xa, khách thì hối, mệt và tủi thân nhưng khi nhận được phản hồi của khách, mệt mỏi như tan biến hết”.

Đó là chia sẻ của chị Trần Mai Ril (SN1995), trú tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) về một trong những khó khăn trên con đường khởi nghiệp với nghề trồng nấm của mình.

Chị Ril cho biết, là người rất thích ăn các loại nấm, ngay từ khi học Đại học ở TP Hồ Chí Minh, chị đã từng mua vài chục phôi nấm về trồng thử. Tự tay chăm sóc và nhìn những cây nấm lớn lên, hái và làm thức ăn hàng ngày, chị đã có niềm đam mê đặc biệt với nấm.

Có niềm đam mê đặc biệt với các loại nấm ăn, chị Ril đã trồng nấm tại phòng trọ từ hồi còn sinh viên.

Ra trường rồi làm về lĩnh vực du lịch suốt 6 năm, chị đã từng đi khắp Hà Nội, Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh mới mức lương cả nghìn USD mỗi tháng nhưng bất ngờ dịch bệnh Covid-19 ập tới.

“Đang có thu nhập tốt nhưng dịch bệnh khiến tôi hầu như không có thu nhập trong thời gian dài. Tiền tiết kiệm dần cạn nên tôi nghĩ phải tìm hướng đi mới chứ không thể đeo bám hoài vào ngành du lịch khi dịch bệnh quá lâu, không biết khi nào mới hết”, chị Ril kể.

Về quê gần như với hai bàn tay trắng, nhận thấy cây nấm là một loại thực phẩm rất nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng ở quê chị lại chưa ai trồng nên chị quyết định bắt tay vào trồng nấm.

Bắt tay vào trồng các loại nấm tươi làm thực phẩm, chị Ril đã gặp không ít khó khăn.

Thời gian đầu, chị bỏ ra cả chục triệu đồng mua vài trăm phôi nấm về trồng. Tự bỏ công chăm sóc, thu hái rồi chị lại mang từng bịch nấm đi tặng cho bà con xung quanh địa phương để giới thiệu sản phẩm.

“Quê tôi khi ấy còn chưa có ai bán nấm, mọi người chưa biết ăn, sợ độc nên mình mang đi tặng, hướng dẫn cách chế biến. Tặng một lần, họ ăn thấy ngon thì bắt đầu mua”, chị Ril nói.

Thấy mọi người bắt đầu yêu thích nấm lại được địa phương cho vay vốn dành cho thanh niên về quê khởi nghiệp, chị Ril bắt đầu tận dụng đất của gia đình, làm trại nấm, nhập số lượng lớn phôi nấm về trồng.

Vốn ít, nhà trại chị lợp bằng lá cây dừa nước, cột kèo cũng làm từ các cây có sẵn ở địa phương cho đỡ tốn chi phí.

Những nhà trại làm tạm bằng các loại cây lá tại địa phương được chị Ril tận dụng nhằm tiết kiệm chi phí để trồng nấm.

Tự tay trồng nấm, hái nấm rồi tự đi giao hàng miễn phí cho từng khách hàng để “lấy mối” làm ăn, nhiều khi, chị không khỏi tủi thân vì mệt mỏi.

“Nhiều khi cũng buồn, cũng mệt lắm. Mình phải làm hết tất cả mọi thứ từ chăm sóc nấm, hái nấm, đi giao hàng từ sáng đến tối muộn. Có khi mưa gió, không kịp ăn tối, khách hối, đường xa, mệt và tủi thân lắm”, chị Ril chia sẻ.

Cũng có lần, phôi nấm chở bằng xe tải lớn, chỉ dừng ở quốc lộ cách nhà hơn 6km. Trời mưa, chị Ril và cha phải chèo xuồng qua sông đi chở nấm về, xếp nấm lên kệ nhưng gần sáng, mưa lớn làm các kệ chứa phôi nấm bị lật, cả nghìn phôi nấm ướt sũng nước. Hai cha con phải đội mưa cứu những phôi nấm còn sót lại.

DCIM104MEDIADJI_0447.JPG

Khu nhà trại trồng nấm hiện tại của cô gái sinh năm 1995.

Khó khăn không dừng lại ở đó khi chị là người đầu tiên khởi nghiệp trồng nấm với số lượng lớn tại địa phương, kinh nghiệm chưa có. Nhiều lứa nấm bị thiếu ánh sáng, dư độ ẩm khiến nấm ra sớm hoặc ra muộn, cây nấm không được đều, đẹp… Vì vậy, mỗi khi gặp sự cố, chị Ril lại đi tìm hiểu, học hỏi để khắc phục.

Khó khăn có, tủi thân và mệt mỏi cũng có khi từ một cô gái được ăn học đàng hoàng, từng có mức lương cả nghìn USD, nay lại dầm mưa dãi nắng về làm nông nghiệp với chồng chất những khó khăn.

“Khi nhận được phản hồi của khách là nấm ngon thì mọi thứ lại tan biến hết, tôi lại cảm thấy vui và hạnh phúc vì mình đã trao đi giá trị cho khách hàng và được họ trân trọng”, chị Ril bày tỏ.

Mỗi ngày chị cung cấp ra thị trường hàng chục kg nấm tươi các loại.

Dần dần, bằng sự nỗ lực của bản thân và sự ủng hộ của khách hàng, nấm thu hái đến đâu được thu mua hết đến đó, chị Ril tiếp tục nhân rộng diện tích, trồng hàng chục loại nấm khác nhau như nấm bào ngư, nấm hoàng đế, nấm sò, nấm linh chi, nấm mối đen.

Hiện tại, chị nhân rộng mô hình ra 5 nhà trại, mỗi trại rộng 200m2, mỗi tháng cung cấp từ vài trăm kg đến cả tấn nấm tươi ra thị trường với giá dao động từ 50 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/kg, tùy loại.

Các loại nấm được hái và giao đến khách hàng ngay trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon.

Nhận thấy nhu cầu bồi bổ sức khỏe sau dịch bệnh Covid-19, chị Ril tiếp tục trồng thêm nấm linh chi. Ngoài cung cấp nấm linh chi tươi, chị còn tiến hành sấy khô, cắt lát, bán với giá 900 nghìn đồng/kg.

Đặc biệt, dịp Tết năm nay, chị còn làm bonsai nấm linh chi với giá từ 200-500 nghìn đồng/chậu phục vụ nhu cầu khách hàng.

Nhờ vậy, vài tháng gần đây, trại nấm của chị Ril đã mang về doanh thu từ 100-150 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt khoảng 50%.

Nấm linh chi bonsai có giá từ 200-500 nghìn đồng/chậu.

Là một người tiên phong trong khởi nghiệp trồng nấm tại địa phương, chị Ril cho biết, thời gian tới chị sẽ tập trung nhân rộng mô hình trồng nấm, liên kết, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình tại địa phương, tạo thành cộng đồng trồng nấm.

Ngoài ra, chị cũng sẽ phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ nấm như bột nấm, ruốc nấm để nấm để được lâu hơn, phát triển các thị trường xa hơn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, phát triển kinh tế.

THEO HỒNG CẢNH
(Tạp chí Người đưa tin)